Những dấu hỏi sau \"xe tôn tử thần\"

Sau những phẫn nộ ban đầu về cái chết của em bé đạp xe trên phố Tân Mai (Hà Nội) có lẽ chúng ta bỗng chùng lại với nhiều câu hỏi không biết hỏi nơi nào. Lỗi tại ai? Chúng ta trách ai bây giờ? Tội nghiệp em. Mong em an nghỉ.

Có nhiều bài viết lên án mạnh mẽ người lái xích lô kia với những ngôn từ sắc lẹm hơn cả tấm tôn. Nó có chút gì đó bất nhẫn. Sẽ chẳng ai tư duy bình thường lại muốn người khác chết dưới tay mình. Những người lái xích lô, dứt khoát không thể coi họ là những kẻ máu lạnh với cỗ máy giết người lao đi trên phố. Giờ này chắc ông lái xe ấy cũng đang hồn bay phách lạc vì cái chết bé thơ kia.

Tại sao họ vẫn bất chấp nguy hiểm cho mình và cho người khác để chở sắt, chở tôn trên phố? Đằng sau người lái xe chở tôn ấy cũng là cả một gánh nặng nhọc nhằn mưu sinh. Không thể vác miếng cơm và cái nghèo ra biện minh cho sự coi thường ấy. Nhưng cũng y như dân giết mổ, làm riết rồi quen. Không làm thì biết làm gì. Chỉ tiếc là giá như họ bịt sắt nhọn, tôn sắc lại bằng chăn, bằng đệm thì đã bớt đi một cái chết.

Hà Nội hiện có 7,5 triệu dân và hơn 1 triệu lao động thời vụ. Mật độ dân số cao và đang chịu áp lực gia tăng cơ học chóng mặt. Rất dễ hiểu thôi, đây là nơi tập trung nhiều cơ hội việc làm, một megacity trung tâm của khu vực, được dồn nhiều vốn đầu tư giống như Tp Hồ Chí Minh.

Thành phố quy hoạch lên từ làng một cách lộn xộn, thiếu khoa học trong nhiều chục năm nay đã trở thành một thứ đô thị quái đản, không còn lấy chỗ để thở. Nhà ống san sát. Ngõ hẹp và sâu hun hút, lòng vòng, lèo vèo. Các cơ quan hành chính đan xen với các khu dân cư. Cao ốc xây cất khắp nơi. Cả thành phố đang như một đại công trường rầm rập ngày đêm xây cất cả lớn lẫn bé.

nhung dau hoi sau xe ton tu than
Hiện trường ám ảnh cộng đồng, tấm tôn tử thần và câu hỏi lớn về phát triển đô thị

Bao năm ngăn sông cấm chợ, bán buôn mậu dịch không cất cánh được nền kinh tế đất nước. Một ngày vỡ oà ra rồi nhà nhà kinh doanh, nơi nơi cửa hàng cửa hiệu. Những cửa hiệu bán đủ thứ trên đời ở mọi nơi bất biết những điều kiện kinh doanh có phù hợp hay không phù hợp. Xoẹt một nhát, một cây sắt dài sẽ được rút ra. Roẹt roẹt roẹt, nó sẽ được cắt và mạt sắt đỏ lửa sẽ bay tung toé như pháo hoa. Phố nhỏ, ngõ nhỏ, mua bán vặt và rồi những chiếc xe nhỏ sẽ được huy động để luồn lách đưa tới chân công trình. Đô thị ấy, văn hoá làm ăn ấy, kinh tế ấy nó đẻ ra thứ xe cộ quái đản ấy.

Những gã khốn cùng trong các ngõ hẹp, những người nông dân tha hương, họ trở thành đội quân vận tải bát nháo này. Âu nó cũng là một công việc. Giải pháp nào cho tương lai của họ khi cơ hội khan hiếm và nông nghiệp thì không phải là nơi có thể bám víu.

Lên án họ? không sai. Nhưng đẩy hàng triệu người di cư, lao động tự do khỏi Hà Nội không phải là chỉ là ý chí chính trị. Một bài toán chỉ có thể giải khi người làm việc ấy phải nhìn toàn bộ bức tranh. Giải pháp loanh quanh rồi cũng trút vào chiếc dùi cui và chiếc còi thổi toe toe hết hơi lại nghỉ. Cấm và rồi sẽ thế nào? Đấy là câu hỏi đặt ra cho người cầm bút kí và con dấu đỏ.

Và giải pháp nào cho an toàn của người tham gia giao thông khi biết bao thứ đặt ra đều đầu voi đuôi chuột không tính toán hết mọi lẽ. Thôi thì chúng ta hãy tự bảo vệ chính mình trước đã, bằng cách giáo dục con em và chính bản thân mình khi tham gia giao thông phải cẩn trọng và tuân thủ luật. Việc này hãy phối hợp cùng nhà trường để cùng giáo dục các em. Xin đừng để trẻ em dưới 12 tuổi tự chạy xe trên phố!!!

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.