Những hành vi vi phạm của người nộp thuế hay mắc phải

Người nộp thuế tự xác định số tiền chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế chậm nộp, số ngày chậm nộp và mức tiền chậm nộp theo quy định.
xac dinh cac hanh vi vi pham cua nguoi nop thue
Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí Tài chính

Xác định các hành vi vi phạm của người nộp thuế

Điều 103 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế gồm vi phạm các thủ tục thuế, chậm nộp tiền thuế, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; trốn thuế, gian lận thuế.

Khoản 32, Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế quy định:

Người nộp thuế khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền phải nộp nếu tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì phải nộp tiền chậm nộp, nhưng không bị xử phạt vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế…

Người nộp thuế tự xác định số tiền chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế chậm nộp, số ngày chậm nộp và mức tiền chậm nộp theo quy định.

Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng số tiền chậm nộp thì cơ quan quản lý thuế xác định số tiền chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết.

Trường hợp sau 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế và tiền chậm nộp thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế nợ và tiền chậm nộp…”.

Tại Khoản 3, Điều 3 Luật số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016 Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế quy định, “người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Đối với các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước ngày 1/7/2016 mà người nộp thuế chưa nộp vào ngân sách Nhà nước, kể cả khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền thì được chuyển sang áp dụng mức tính tiền chậm nộp theo quy định tại khoản này từ ngày 1/7/2016.

Các trường hợp không bị xử phạt hành chính

Tại Khoản 2, Điều 5 Thông tư số 166/2013/TT-BTC quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế là những trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã nộp đủ số tiền thuế phải nộp, trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện.

Khoản 33, Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 quy định, “người nộp thuế đã phản ánh đầy đủ, trung thực các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ nhưng khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì phải nộp đủ số tiền thuế đã khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn cao hơn và bị xử phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn”.

Theo Khoản 35, Điều 1 Luật số 21/2012/QH13: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế

35. Điều 110 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 110. Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế

1. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, thời hiệu xử phạt là hai năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.

2. Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn, thời hiệu xử phạt là 5 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

3. Quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách Nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn hoặc xuanthuandong@gmail.com

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

chọn
Hình ảnh cầu Tam Tòa nối Nam Định - Ninh Bình sau 7 tháng thi công
Cầu Tam Tòa vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sau 7 tháng thi công đã dần thành hình.