Thành phố Hà Nội thời gian qua đang trở nên quá tải khi lượng phương tiện lưu thông ngày càng nhiều, hệ thống giao thông nội đô còn nhiều hạn chế. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đưa ra đề án dự thảo, hạn chế xe máy ở Thủ đô Hà Nội theo lộ trình từ năm 2020 và không phân biệt xe biển Hà Nội hay ngoại tỉnh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. |
Cụ thể, lộ trình hạn chế xe máy được đề xuất thực hiện theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021 dừng hoạt động với xe máy vào nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày; hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. Giai đoạn 2 từ năm 2023, dừng hoạt động với xe máy trong vành đai 2, đồng thời hạn chế xe máy ở các tuyến phố cũ. Giai đoạn 3, đến năm 2025 cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ôtô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường. |
Việc đề xuất hạn chế các xe máy được đưa ra đã khiến không ít người "đứng ngồi không yên". |
Nằm tại tuyền phố cổ Hà Nội, chợ Đồng Xuân là khu chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội. Hàng ngày tại đây có hàng nghìn lượt xe máy ra vào chợ bốc dỡ hàng hóa. |
Sau khi nghe tin Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang đưa ra đề xuất hạn chế tất cả xe máy đi vào phố cổ các ngày trong tuần, nhiều người làm nghề vận chuyển hàng cảm thấy vô cùng lo lắng. |
Ông Nguyễn Xuân Hải (trú tại huyện Thanh Trì - TP Hà Nội) cho biết: "Việc hạn chế xe máy cần phải có những quy hoạch rõ ràng, phù hợp với thực tế. Hàng trăm người làm vận chuyển hàng hóa tại chợ Đồng Xuân như tôi ngày nào chẳng phải mưu sinh kiếm sống, nên cấm hết thì chúng tôi thất nghiệp". |
Tất bật từ 4 - 5h sáng đến tận chiều, những chiếc xe chở hoa quả từ chợ hoa quả Long Biên ngày ngày phân phối hàng trăm tấn hàng cho các cửa hàng hoa quả trên toàn địa bàn Thủ đô. Khi được biết đến dự thảo hạn chế các phương tiện di chuyển trong nội thành, nhiều tiểu thương cũng tỏ ra chán nản. Chị Nhàn (tiểu thương buôn hoa quả tại chợ Long Biên) cho biết: "Mỗi ngày tôi chở hoa quả giao cho những cửa hàng trong phố. Từ 5h sáng đến 10h tôi đi phân phối hoa quả, thế nhưng nếu hạn chế như vậy tôi sẽ mất rất nhiều chuyến xe vào trong phố". |
Tại những bến xe, trạm trung chuyển xe bus... nơi đâu cũng luôn có mặt những người làm nghề lái xe ôm. Cuộc sống của họ hàng ngày gắn liền với những con đường của Hà Nội. |
Những năm gần đây việc có quá nhiều xe ôm đã khiến việc thu nhập của mỗi "bác xe ôm" chẳng lời lãi là bao. |
Thu nhập bấp bênh, cuộc sống lại càng khó khăn hơn nếu như dự thảo mới của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được thông qua. Ông Nguyễn Văn Linh đã 20 năm làm nghề xe ôm tại Long Biên chia sẻ: "Nếu việc cấm xe máy vào các tuyến phố cổ, khu vực vành đai 2 thì quả thật chúng tôi không biết sống ra sao khi chủ yếu khách đi xe đều yêu cầu đến các địa điểm ở trong đó". |
Là thương binh mất sức, ông Khoản vẫn ngày ngày lái chiếc xe máy 3 bánh đi trở hàng thuê khắp nơi tại Hà Nội. |
Với nụ cười lạc quan ông Khoản mong muốn TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho người dân lao động có thể ổn định cuộc sống. |
Len lỏi trong dòng người xuôi ngược là những người kiếm cơm trên những chiếc xe máy. |
Đa phần họ đều là những người dân ở các tỉnh lân cận như Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang... lên Hà Nội kiếm sống. |
Hà Nội đã có nhiều phương án giảm thiểu ùn tắc giao thông, song với tốc độ tăng trưởng cơ giới như hiện nay đạt trên 10%/năm, trong khi cơ sở hạ tầng tăng trưởng với chỉ số dưới 1%/năm. Hà Nội cần có những biện pháp "dài hơi" hơn để cải thiện tình hình giao thông như hiện nay. Đây cũng là bài toán khó, thách thức công tác quản lý đô thị. |