Những khu đất 'vàng' bị bỏ hoang giữa lòng thành phố

Có hàng loạt dự án bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực khổng lồ ở một số tỉnh thành trên cả nước.

TP HCM được mệnh danh là "tấc đất tấc vàng" nhưng vẫn còn tồn tại một số dự án bỏ hoang.

Theo báo Thanh Niên, một trong những khu đất vàng bỏ hoang phải kể đến khu đất rộng khoảng 60 ha ngay góc đường Lê Văn Lương với hẻm 1079 (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè). 

Dự án này do Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án có vị trí đắc địa trên địa bàn huyện Nhà Bè, nhưng hiện nay chỉ thấy cỏ mọc um tùm.

Những khu đất 'vàng' bị bỏ hoang giữa lòng thành phố  - Ảnh 1.

Dự án của Sadeco bỏ hoang hàng chục năm nay. (Ảnh: Đình Sơn/ Báo Thanh Niên).

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nơi giá mỗi mét vuông đất lên đến cả tỉ đồng, đắt đỏ nhất TP.HCM; cũng có cả ngàn mét vuông đất “kim cương” bỏ hoang. 

Đó là khu đất tại số 117 - 119 Nguyễn Huệ, diện tích lên đến 2.724 m2 được phê duyệt xây dựng dự án BIDV Tower cao 40 tầng do Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư nhưng rồi bỏ đó.

Tương tự, nằm ngay góc đường Trần Hưng Đạo - Hồ Hảo Hớn (phường Cô Giang, quận 1), khu chung cư cũ xuống cấp rộng hơn 4.000 m2 ban đầu được UBND TP HCM giao cho Tổng công ty địa ốc Sài Gòn để tiến hành cải tạo, di dời các hộ dân. Đến năm 2007, khu đất được phê duyệt dự án khu trung tâm thương mại - dịch vụ - văn phòng cho thuê và căn hộ, chủ đầu tư là Công ty CP Đức Khải.

Năm 2010, dự án khởi công nhưng không lâu sau đã tạm ngưng. Đến năm 2017, UBND TP HCM điều chỉnh chức năng tại dự án này thành thương mại - dịch vụ - văn phòng, không còn chức năng căn hộ và khi đó khu đất về tay Công ty CP Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam. Đến nay, khu đất về tay Alpha King để làm văn phòng cho thuê với quy mô 35 tầng. Chạy lòng vòng 13 - 14 năm đến nay nhưng sau tấm biển quảng cáo hoành tráng, khu đất vẫn chỉ là bãi đất hoang tàn.

Tại thủ đô Hà Nội, theo Tiền Phong, 3 khu đất vàng gồm lô B9/CC1, B9/CC3 và C3/HH, C3/CC1-1 thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) của Công ty Cổ phần đầu tư Thùy Dương (TD Group) đang được trưng dụng làm sân bóng đá, gara,... một phần bị bỏ hoang, ngập trong rác.

Những khu đất 'vàng' bị bỏ hoang giữa lòng thành phố  - Ảnh 2.

3 dự án thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh: Tiền Phong).

Gần đó, khu đất dịch vụ kí hiệu C2 thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) cũng bị bỏ hoang gần 20 năm nay. Khu đất này được Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) thực hiện dự án y tế, nhà văn hóa và chỗ để xe phục vụ dân cư, nhưng lại bị bỏ hoang.

Xung quanh khu đất dự án được tận dụng làm khu chợ tạm khiến khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu trở nên nhếch nhác. 

Ngoài ra, các khu đất "vàng" ở quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, như 94 Lò Đúc, 22-24 Hàng Bài, 31-33-35 Lý Thường Kiệt… cũng bị bỏ hoang. Tại khu đất 94 Lò Đúc diện tích khoảng 8.000 m2 với ba mặt tiền, giờ đây cỏ mọc cao quá đầu người. Nhiều cây leo trong khu đất phát triển qua hàng rào, phủ kín cột đèn, đường dây điện…

Ngay ở vùng qui hoạch đẹp Keangnam, có một số doanh nghiệp ôm đất cả thập kỉ chưa khởi công dự án, có những tòa nhà xây thô hàng chục tầng rồi bỏ hoang nhiều năm.

Những khu đất 'vàng' bị bỏ hoang giữa lòng thành phố  - Ảnh 3.

Dự án Trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam mới chỉ xây dựng xong phần thô. (Ảnh: Pháp luật và Xã hội).

Dự án Trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam (trụ sở Vinacomin) xây dựng tại lô đất 22E3 thuộc Khu đô thị Cầu Giấy - Hà Nội với diện tích đất là 9.442 m2. Dự án được khởi công vào ngày 20/01/2015 và dự kiến hoàn thành vào quí IV/ 2018. Tuy nhiên, đến hiện tại dự án mới chỉ xây xong phần thô, tạm dừng nhiều năm qua.

Cạnh toà nhà Keangnam, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem nằm tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, được thiết kế tòa nhà với 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Diện tích sử dụng là 8.500 m2, diện tích xây dựng khoảng 2.800 m2 với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.

Những khu đất 'vàng' bị bỏ hoang giữa lòng thành phố  - Ảnh 4.

Vicem Tower như "bộ xương" bên cạnh tòa Keangnam. (Ảnh: Pháp luật và Xã hội).

Tổng mức đầu tư xây trụ sở ban đầu được duyệt 1.951 tỉ đồng, sau đó năm 2011 được điều chỉnh lên 2.743 tỉ đồng.

Khởi công năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2014 nhưng đến nay, Vicem Tower mới chỉ xây xong phần thô.

Theo thiết kế, dự án có 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sàn xây dựng khoảng 80.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ô tô ngầm.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.