Đối với người dân Việt Nam, ngày Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là sự khởi đầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Chính vì vậy, mọi người thường hướng đến những điều tích cực và quan niệm rằng việc thưởng thức những món ăn cũng có thể mang lại may mắn, tài lộc cho bản thân và gia đình mình.
Nếu như bạn vẫn chưa biết ngày Tết nên ăn gì cho may mắn, bạn có thể tham khảo một số món ăn tượng trưng cho sự tốt đẹp, an lành sau đây:
Xôi gấc được xem là món ăn tượng trưng cho sự may mắn cũng như thể hiện niềm tin vào một năm mới thành công. Ngoài ra, màu đỏ từ quả gấc chính là màu của sự hạnh phúc, là sắc thắm của mùa xuân rực rỡ và là biểu tượng cho sự may mắn và những điều tốt lành.
Một số người còn quan niệm rằng, màu đỏ của gấc là màu tự nhiên của đất trời mang đến nên sẽ tạo ra sự dung hòa, thuận lợi cho năm mới. Do đó, các món ăn từ quả gấc vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của gia đình Việt trong các dịp lễ, Tết hay ngày trọng đại để mong gia đình “đỏ” cả năm.
Xét về khía cạnh khoa học, quả gấc còn được mệnh danh là “loại quả của thiên đường” bởi những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Chẳng hạn như giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, khô mắt, quáng gà. Không những vậy, quả gấc cũng giúp cho làn da của chúng ta luôn mịn màng và tươi tắn hơn.
Theo quan niệm dân gian, từ “cá” đồng nghĩa với sự dư dật. Bởi lẽ đó những món ăn được làm từ cá, đặc biệt là cá chép đã trở thành một phần không thể thiếu trong các mâm cỗ Tết nhằm thể hiện ước muốn có được một khởi đầu và kết thúc tốt đẹp, đồng thời tránh mọi tai họa trong năm mới.
Một số nơi ở miền Bắc cũng cho rằng, cá chép là loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Vì vậy, việc ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới sẽ giúp cho các thành viên trong gia đình được hanh thông trong chuyện học hành, công việc thăng tiến.
Ngoài ra, để tăng thêm sự may mắn, người ta thường chừa lại cả phần đầu và đuôi, nhằm tượng trưng cho ý muốn tiền bạc luôn dư thừa và tích lũy được nhiều của cải trong năm mới, chứ không chỉ đơn giản là đủ ăn đủ mặc.
Việc chuẩn bị món gà luộc cho mâm cúng cơm ngày Tết thể hiện cho mong muốn một năm mới phúc đức đủ đầy. Theo đó, nhiều người tin rằng, phần da gà vàng bóng óng ả, thịt gà mềm ngọt mọng nước sẽ tượng trưng cho lời cầu chúc cho một khởi đầu suôn sẻ, tài lộc đong đầy.
Ngoài ra, trong 12 con giáp, gà còn là biểu tượng cho sự cương trực và mạnh mẽ. Vì thế, không biết từ khi nào, món gà luộc đã được chọn làm món ăn khởi đầu cho năm mới nhiều may mắn của nhiều gia đình Việt.
Từ xưa, thịt kho tàu hay còn được gọi là thịt kho hột vịt đã luôn là một món ăn đặc trưng của ngày Tết. Nồi thịt kho hột vịt mềm thấm kết hợp với hột vịt đỏ ửng bên trong cùng nước kho vàng sóng sánh thể hiện cho sự đoàn viên, sung túc, dồi dào và "màu mỡ", đủ đầy trong năm mới.
Vào ngày Tết ở khu vực miền Nam, người ta thường kho một nồi thịt to, ăn dần trong nhiều ngày Tết. Ngoài ra, người dân miền Nam cũng sử dụng nhiều nước dừa hơn so với các vùng miền khác, kho liu riu cho nước cạn dần tạo thành món ăn có màu vàng nâu sóng sánh. Nhiều nhà còn ăn kèm thịt kho tàu cùng cải chua hoặc dưa giá chống ngán.
Có thể thấy, thịt kho tàu không chỉ là một món ăn mang lại may mắn mà còn giàu dinh dưỡng, lại đậm đà dễ ăn, người già hay trẻ nhỏ, khách xa hay gần đều ăn được.
Trong phong tục và quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết thường chưng dưa hấu trên bàn thờ không chỉ là trang trí Tết cho đẹp mà còn có ý nghĩa về cầu tài lộc và sự may mắn thịnh vượng cho gia đình. Trong đó, màu đỏ của ruột dưa hấu tượng trưng cho tài lộc, may mắn, còn vỏ màu xanh là sự hy vọng ẩn chứa niềm vui từ bên trong.
Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng văn hóa, dưa hấu còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe khác. Theo một nghiên cứu tại Đại học Purdue (Mỹ), hàm lượng lycopen cao của dưa hấu có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm tăng huyết áp và giảm huyết áp ở người trưởng thành béo phì, ức chế viêm và giảm viêm nên không chỉ tốt cho những người bị viêm khớp mà còn tăng cường khả năng miễn dịch.
Ông bà ta vẫn thường nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, do đó ngoài những món ăn mang lại sự may mắn, bạn cũng cần chú ý đến những món ăn kiêng kỵ ngày Tết để tránh gặp phải những điều xui xẻo trong năm mới.
Để biết được ngày Tết không nên ăn gì, hãy cùng tham khảo các món ăn “đại kỵ” theo quan niệm dân gian của người Việt sau đây:
Từ xa xưa, thành ngữ "đen như mực" đã được người dân Việt Nam sử dụng một cách phổ biến.
Đây cũng chính là lý do khiến cho mực trở thành một trong những món ăn đầu tiên được nhiều người liệt vào danh sách các món không nên ăn ngày Tết để tránh gặp phải sự xui xẻo, không may mắn cả năm.
Theo đó, nếu ăn mực vào đầu năm sẽ khiến cho cả năm đen đủi và gặp nhiều xui xẻo. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh còn không cho con ăn mực trước ngày thi và nhiều người cũng kỵ ăn mực khi đi xa hoặc có công việc quan trọng để tránh điềm xui.
Theo quan niệm của người dân ba miền Việt Nam, ăn hột vịt lộn có thể đổi vận xui thành may và ngược lại, do đó mọi người vẫn thường ăn hột vịt lộn khi gặp xui xẻo như một cách xả xui.
Tuy nhiên, nếu ăn trứng vịt lộn vào ngày đầu tháng hoặc đầu năm theo âm lịch thì cả tháng và cả năm đó sẽ không gặp may mắn, mọi chuyện đều trái với ý mình.
Bên cạnh đó, ngày đầu năm Tết đến gia đình sum họp là một điều may mắn, phước lành chính vì thế mà người lớn trong nhà đều dặn dò con cháu nên tránh không ăn trứng vịt lộn vào ngày Tết để ngăn chặn điều hung có thể xảy ra.
Nhiều quan niệm cho rằng, nếu ăn thịt chó vào những ngày đầu tháng, đặc biệt là đầu năm sẽ rước vào những điềm xui xẻo, không may cho bản thân và gia đình. Từ đó, thịt chó đã trở thành một món ăn cấm kỵ của mọi gia đình vào những ngày đầu năm, nhất là mùng 1 Tết.
Song, thịt chó lại được coi là một món ăn đã hóa giải điềm xui nếu ăn vào cuối tháng bắt nguồn quan niệm “ăn thịt chó giải xui”. Theo đó, từ xa xưa trong dân gian Việt, chó thường được nhắc đến như hình ảnh của một con vật mang kiếp đen đủi và phải chịu đựng nhiều bất hạnh.
Chính vì vậy, việc ăn thịt chó cuối tháng và cuối năm là ăn đi những điều xui xẻo, không may mắn đã qua.
Cũng giống như thịt chó, thịt vịt là một trong những món ăn xả xui vào cuối tháng nhưng lại cần kiêng cử vào những ngày đầu tháng và đầu năm.
Người xưa vẫn thường nói "lạch bạch như vịt", vì vậy việc ăn thịt vịt vào ngày đầu năm có thể khiến cho mọi việc đều "lạch bạch" và không được thuận lợi, suôn sẻ.
Ngoài ra, theo quan niệm của người miền Bắc và miền Trung, ăn thịt vịt trong những ngày đầu năm sẽ khiến cho gia chủ rước xui xẻo vào người và khiến cho gia đình lâm vào tình cảnh “tan đàn, xẻ nghé”.
Khác với mâm ngũ quả của miền Bắc luôn được bày trí một nải chuối to lớn, người miền Nam lại rất kiêng kỵ loại trái cây này bởi vì từ “chuối” có âm điệu gần giống với từ "chúi".
Để tránh có một năm mới phải "chúi" mặt xuống đất và không thể thăng tiến trên con đường công việc, học tập, người miền Nam sẽ không ăn chuối vào những ngày Tết, cũng như trước các buổi thi cử quan trọng.