Câu chuyện bị chiếm dụng vốn từ khách hàng không phải vấn đề quá xa lạ đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng, khi một trong những đặc trưng của ngành là làm xong trước rồi mới được thanh toán.
Song, khi các khoản chiếm dụng này trở thành nợ xấu khó đòi kéo dài nhiều năm, nguy cơ mất vốn ngày càng cao. Có doanh nghiệp phải trích lập dự phòng khó đòi bằng 100% giá trị khoản nợ, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận trong kỳ; cũng có doanh nghiệp phải xóa các khoản nợ xấu trên báo cáo tài chính và chuyển sang theo dõi ngoài bảng cân đối, đồng thời tiếp tục các biện pháp thu hồi.
Đơn cử như Coteccons tại ngày 30/9, nợ xấu từ khách hàng đã tăng gần 20% so với đầu năm lên hơn 1.577 tỷ đồng. Trong đó, hai cái tên mà doanh nghiệp cho biết cụ thể là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) với gần 484 tỷ đồng và CTCP Đầu tư Minh Việt với gần 122 tỷ đồng.
Giá trị hai khoản nợ xấu này đều không đổi so với thời điểm đầu năm 2022, khi Coteccons bắt đầu thuyết minh về khoản mục này trong báo cáo tài chính.
Khi đó, khoản trích lập dự phòng đối với khoản nợ xấu của Đầu tư Minh Việt là 100% giá trị nợ và vẫn giữ nguyên đến ngày 30/9.
Còn đối với khoản nợ xấu của Ngôi Sao Việt, khoản trích lập dự phòng tại đầu năm 2022 là 50% giá trị nợ, song đã tăng lên 100% kể từ quý III/2022, sau lùm xùm liên quan đến trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Một doanh nghiệp xây dựng khác là Vinaconex cũng cho biết có khoản nợ xấu tại ngày 30/9 là gần 981 tỷ đồng. Giá trị có thể thu hồi là 197 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị nợ.
Trong đó, khoản nợ xấu của Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh là hơn 368 tỷ đồng, giảm 43% so với đầu năm nay.
Công ty An Khánh là chủ đầu tư dự án Splendora tại Hà Nội và từng là một doanh nghiệp liên doanh do Vinaconex nắm 50% vốn điều lệ. Tháng 8/2020, Vinaconex đã bán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty An Khánh, sau khi đơn vị này liên tục kinh doanh thua lỗ giai đoạn 2016 - 2019.
Cũng trong năm 2020, Vinaconex bắt đầu cho thấy khoản nợ xấu của Công ty An Khánh tại báo cáo tài chính năm với giá trị gốc tại đầu năm 2020 là gần 863 tỷ đồng.
Ngoài Công ty An Khánh, tại ngày 30/9, Vinaconex cũng có khoản nợ xấu 36,6 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội, không đổi so với đầu năm. Song, giá trị có thể thu hồi tại ngày 30/9 là 31,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 32 tỷ đồng hồi đầu năm.
Vinaconex bắt đầu cho thấy khoản nợ xấu từ Nam Cường tại báo cáo tài chính năm 2015 với giá trị gốc khoản nợ tại đầu năm 2015 là gần 4,7 tỷ đồng, trích lập dự phòng bằng 100% giá trị nợ. Khi đó, thời gian quá hạn là trên 3 năm.
Ngoài hai cái tên kể trên, CII, Đèo Cả hay Tracodi đều cho thấy đang ghi nhận khoản nợ xấu khó đòi hàng chục tỷ đồng, chủ yếu đến từ các khách hàng của doanh nghiệp.
Hiện nay, hoạt động thu hồi công nợ của các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang diễn ra “nhộn nhịp”, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xây dựng dân dụng, qua đó phần nào giúp tăng thanh khoản trong bối cảnh kết quả kinh doanh chưa có chuyển biến rõ rệt.
Điển hình như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình với khoản lỗ sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm nay gần 884 tỷ đồng. Mặc dù vậy, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn dương gần 1.125 tỷ đồng và đủ bù đắp cho các khoản chi cho hoạt động đầu tư, trả nợ, chủ yếu nhờ dòng tiền thu hồi công nợ khách hàng.
Tại ngày 30/9, tổng các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng của Hòa Bình là 5.293 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm.
Đối với Coteccons, nhờ khoản thu hồi công nợ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý III cũng dương hơn 217 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận giảm và phải thanh toán các khoản phải trả cho bên khác.
Tại ngày 30/9, tổng các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng của Coteccons đã giảm 2% so với thời điểm đầu năm nay còn 10.689 tỷ đồng (chưa tính trích lập dự phòng phải thu khó đòi).
Hay đối với Ricons, tại ngày 30/9, tổng khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng đã giảm 18% so với đầu năm còn 3.505 tỷ đồng. Tương tự Coteccons và Hòa Bình, nhờ dòng tiền từ thu hồi công nợ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Ricons vẫn duy trì giá trị dương sau khoản chi lớn để thanh toán các khoản phải trả trong 9 tháng đầu năm nay.
Tuy vậy, tỷ trọng các khoản phải thu từ khách hàng trong tổng tài sản của các doanh nghiệp này vẫn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức chiếm dụng đến hơn 40%.
Để bù đắp sự thiếu hụt phần tài sản bị chiếm dụng, ngoài lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp xây dựng cũng chiếm dụng vốn các bên khác (phải trả người bán, người mua trả tiền trước,...); đồng thời huy động vốn vay từ nhiều nguồn như ngân hàng, trái phiếu,... qua đó làm tăng áp lực về chi phí lãi vay, về xoay vòng tiền để trả nợ.
Còn nhớ tại hội thảo "Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng" diễn ra vào giữa tháng 4, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) từng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp trong top 10 công ty xây dựng đang trong tình trạng báo động về tài chính, không có tiền trả cho nhà thầu phụ, trả cho nhân công, trả tiền vật tư.
“Ông lớn” Hòa Bình cũng từng vướng lùm xùm tương tự khi đầu tháng 3, một nhóm thầu phụ đã thông báo tạm dừng thi công, bảo trì do chưa được thanh toán công nợ.
Hay lùm xùm giữa Ricons và Coteccons hồi tháng 7 vừa qua cũng liên quan đến hoạt động thu hồi công nợ của cả hai bên. Khi đó, Ricons đã nộp đơn ra Tòa án Nhân dân TP HCM yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons với lý do thu hồi khoản công nợ đã quá hạn quá lâu.