Những mũi tiến công mang lại tia hi vọng chiến thắng cho Tổng thống Trump

Nếu chỉ nhìn vào số chênh lệch số phiếu phổ thông và đại cử tri, Tổng thống Trump không còn hi vọng tái đắc cử. Nhưng nếu tìm thật kĩ các khe hở trong qui định về bầu cử, ông Trump vẫn còn những tia hi vọng để lật ngược thế cờ và qua mặt đối thủ Joe Biden. Nếu tình trạng tranh chấp kéo dài quá 14/12 thì 20 phiếu đại cử tri ở Pennsylvania có thể sẽ không thuộc về ai.

Năm nay khác những năm trước

Những mũi tiến công mang lại hi vọng chiến thắng cho ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Trump và vợ Melania tại Nhà Trắng, dịp gần Lễ Tạ ơn tháng 11/2020. (Ảnh: EPA).

Một ứng viên cần giành tối thiểu 270 phiếu đại cử tri để đắc cử tổng thống Mỹ. Hiện nay theo dự phóng của hầu hết các hãng truyền thông lớn, ông Biden đã tích cóp được 306 phiếu và ông Trump chỉ có 232.

Xét về số phiếu phổ thông, ông Biden cũng đang dẫn trước tới hơn 6 triệu phiếu. Tại các bang chiến địa như Pennsylvania, Nevada, Michigan, Wisconson, ông Biden có nhiều hơn ông Trump từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn phiếu – một khoảng cách rất an toàn.

Bang Georgia đã hoàn tất kiểm lại bằng tay toàn bộ gần 5 triệu phiếu bầu và khẳng định ông Biden là người chiến thắng với cách biệt 12.670 phiếu.

Tuy nhiên phe Trump không hề có ý định thoái lui và vẫn quyết đấu tranh đến cùng để đem về một nhiệm kì nữa cho vị đương kim tổng thống.

Từ vài tháng trước, ông Trump đã công kích cuộc bầu cử và cáo buộc bỏ phiếu qua thư sẽ đầy rẫy gian lận, mặc dù các chuyên gia khẳng định cáo buộc này hoàn toàn vô căn cứ.

Khi các cuộc khảo sát cho thấy cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ và đối thủ Joe Biden sẽ bỏ phiếu qua thư, ông Trump khuyến khích những người ủng hộ mình hãy bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử 3/11 để thổi phồng lợi thế dẫn trước ban đầu của ông.

Khi thấy kết quả tổng hợp sơ bộ trong đêm 3/11 có lợi cho mình, ông Trump nhanh chóng tuyên bố chiến thắng và yêu cầu dừng kiểm phiếu. Tất nhiên quá trình kiểm phiếu vẫn phải tiếp tục chứ không dừng lại theo yêu cầu của ông Trump. Ngay cả trong các năm trước khi không có đại dịch và ít người bỏ phiếu qua thư, quá trình kiểm phiếu cũng phải mất nhiều ngày mới kết thúc.

Sau khi các phiếu bầu qua thư hợp lệ được kiểm, ứng viên Joe Biden vươn lên bắt kịp, dẫn trước, rồi bỏ xa ông Trump. Đương kim tổng thống Mỹ càng được dịp cáo buộc có điều khuất tất xảy ra và Đảng Dân chủ đã "đánh cắp" chiến thắng của ông. Thực tế là ông Trump chưa bao giờ có chiến thắng để bị đánh cắp.

Theo thông lệ của nước Mỹ, kết quả bầu cử được các hãng truyền thông lớn dự phóng ngay trong đêm bầu cử. Đây không phải kết quả chính thức nhưng đáng tin cậy và chính xác, các ứng viên vẫn thường dựa vào thông báo của các hãng truyền thông để tuyên bố chiến thắng hoặc thừa nhận thất bại.

Năm nay, đã hơn ba tuần trôi qua và ông Trump vẫn chưa nhận thua và đang cố sức thách thức kết quả bầu cử ở nhiều bang.

Lịch sử nước Mỹ từng trải qua nhiều cuộc bầu cử gây tranh cãi như vào năm 1824 và 1876. Gần đây hơn vào năm 2000, cuộc đối đầu giữa hai ứng viên George. W. Bush và Al Gore được đưa lên tận Toà án Tối cao Liên bang và 37 ngày sau ngày bầu cử mới có kết quả.

Cuộc bầu cử năm 2020 này chưa hẳn đã là sự kiện tranh chấp kịch liệt nhất và cũng chưa kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc chiến Trump – Biden năm nay hứa hẹn sẽ còn tiếp tục leo thang và ngày càng gay cấn. Theo ông Phạm Quang Vinh – cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, vụ việc năm nay có hai điểm đặc biệt đáng chú ý là "1. Người thách thức kết quả bầu cử là đương kim tổng thống Mỹ chứ không phải chỉ là một ứng viên; và 2. Phạm vi tranh chấp là toàn bộ cuộc bầu cử trên khắp cả nước chứ không chỉ xoay quanh một bang như Florida hồi năm 2000".

Ngoài các vụ kiện ở các bang chiến địa, ông Trump còn nhiều lần cáo buộc hệ thống bầu cử Dominion được sử dụng ở hơn 30 bang đã bí mật chuyển hàng triệu phiếu từ bầu cho Trump thành bầu cho Biden.

Quyền lực đương kim tổng thống trong tay ông Trump cũng khiến phe ông Biden khó đối phó hơn trong các vụ kiện cáo cũng như chuyển giao chính quyền.

Phe Trump khởi kiện không chỉ để thắng

Từ ngày bầu cử 3/11 đến nay, chiến dịch của ông Trump thua hơn 30 vụ kiện ở nhiều bang. Riêng tại bang Michigan, phe Trump đã thua cả 6/6 vụ kiện liên quan việc quan sát viên tiếp cận khu kiểm phiếu.

Trong một vụ kiện, Thẩm phán Timothy Kenny thuộc Đảng Cộng hoà phán quyết: "Cách mà bên nguyên đơn diễn giải vụ việc là không chính xác và không đáng tin".

Ở Pennsylvania, phe Trump thua 14 vụ kiện. Trong vụ gần đây nhất, Thẩm phán Matthew Brann nói: "Bên nguyên đơn muốn Toà án này tước bỏ quyền bầu cử của gần 7 triệu cử tri. Với một mục tiêu đáng sợ như vậy, lẽ ra nguyên đơn phải trình bày được các lập luận pháp lí thuyết phục và các bằng chứng thực tế về việc có gian lận tràn lan. Thực tế không phải như vậy. Toà án này chỉ nhận được những lí lẽ lỏng lẻo, thiếu thực tế và đầy rẫy cáo buộc mang tính suy đoán".

Tại bang Georgia, quá trình kiểm phiếu lại bằng tay vẫn cho ra kết quả là ông Biden thắng cử nhờ nhiều hơn ông Trump 12.670 phiếu phổ thông.

Hiện nay các bang Michigan, Georgia, Pennsylvania và Nevada với tổng cộng 58 phiếu đại cử tri đã chứng nhận kết quả ông Biden chiến thắng.

Vậy phải chăng bao nhiêu công sức và tiền bạc mà phe Trump bỏ ra để theo đuổi các vụ kiện đều là vô nghĩa?

Nếu các vụ kiện có thể lật ngược kết quả bầu cử, đó đương nhiên là kết quả lí tưởng nhất cho ông Trump. Nhưng nếu không thắng, các vụ kiện này cũng giúp phe Trump tăng cường tuyên truyền tới người dân Mỹ về các cáo buộc gian lận, qua đó làm xói mòn niềm tin của công chúng vào tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.

Những dòng tweet làm dao động lòng người

Trong khi các vụ kiện thường khá tốn kém thì các dòng tuyên bố trên mạng xã hội lại hoàn toàn miễn phí. Thực tế là mỗi ngày, ông Trump đăng hàng chục thông báo Twitter và trạng thái Facebook.

Có khi ông cáo buộc Đảng Dân chủ gian lận hàng triệu phiếu bầu bằng cách thao túng phần mềm bầu cử, khi khác ông chỉ tuyên bố đơn giản: "Tôi đã thắng cử". Tổng thống Mỹ có thể tung ra những cáo buộc gây sốc nhất về mọi khía cạnh của cuộc bầu cử mà không cần phải trình bày lí lẽ hay nêu ra bằng chứng gì. Vụ việc nào ông cũng nói được.

Chẳng hạn, khi quá trình kiểm lại phiếu ở Georgia phát hiện có 3.000 phiếu bị sót lại từ đợt kiểm phiếu đầu, ông Trump lập tức coi đây là bằng chứng gian lận. Khi việc kiểm phiếu lại hoàn tất và kết quả cuối cùng vẫn là ông Biden thắng cuộc, ông Trump khẳng định việc kiểm lại phiếu diễn ra không công bằng, không đúng ý ông.

Twitter và Facebook thường dán nhãn cảnh báo các thông tin mà ông Trump đăng tải là nội dung gây tranh cãi hoặc nhiều khả năng không chính xác. Tuy nhiên các thông tin này vẫn thu hút được sự quan tâm và tương tác của hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người dùng mạng xã hội.

Theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, cuộc bầu cử 2020 đã cho thấy một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc. Tuy ông Trump nhiều khả năng là người thua cuộc nhưng ông cũng nhận được tới 74 triệu phiếu ủng hộ, mức cao chưa từng thấy trong các cuộc bầu cử trước.

Một cuộc khảo sát mới đây của hãng tin Reuters cho thấy 52% số thành viên Đảng Cộng hoà được hỏi cho rằng ông Trump đã "thắng cử một cách chính đáng" và chỉ 29% cho rằng ông Biden đã thắng, bất chấp mọi dự phóng của các hãng truyền thông lớn.

Một khảo sát khác của hãng tin Vox và tổ chức Data for Progress cho thấy 73% cử tri Đảng Cộng hoà nói rằng các cáo buộc gian lận bầu cử đã khiến họ nghi ngờ thắng lợi của ông Biden. Khoảng 44% cử tri Đảng Cộng hoà được hỏi cũng cho rằng đã có gian lận bầu cử theo hướng có lợi cho ông Biden.

Rõ ràng những tuyên bố ngắn ngủn và thiếu căn cứ của ông Trump trên các nền tảng xã hội, kết hợp với các vụ kiện mà phe Trump theo đuổi ở các bang đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan điểm của công chúng.

Khe cửa hẹp cho ông Trump

Việc kiện tụng và đăng tweet để tác động tâm lí dư luận là chưa đủ. Tổng thống Trump cần có căn cứ pháp lí để có thể tái đắc cử. Trong một dòng tweet ngày 18/11, ông Trump lần đầu đề cập đến chiến thuật kêu gọi "cơ quan lập pháp bang" hành động để ngăn Đảng Dân chủ và ông Biden "đánh cắp cuộc bầu cử".

Hiện nay ông Trump không còn hi vọng thay đổi cán cân phiếu phổ thông tại các bang thông qua kiện cáo và kiểm phiếu lại. Tuy nhiên, ghế tổng thống lại được quyết định bằng các phiếu đại cử tri, và quá trình chuyển đổi từ phiếu phổ thông thành phiếu đại cử tri có những kẽ hở mà ông Trump có thể lợi dụng.

Để đắc cử tổng thống, một ứng viên cần giành được quá nửa trong tổng số 538 phiếu đại cử tri, tức là ít nhất 270 phiếu. Nếu có nhiều phiếu đại cử tri hơn các ứng viên khác nhưng không đủ 270 phiếu thì cũng không đắc cử.

Hạn chót vào ngày 8/12, các bang của Mỹ sẽ phải chốt danh sách đại cử tri đến từ Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà. Đến ngày 14/12, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống. Ngày 6/1/2021, Quốc hội khoá 117 của Mỹ sẽ kiểm phiếu đại cử tri và công bố kết quả bầu cử. Ngày 20/1/2021, tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Ông Trump có hai phương án để qua mặt đối thủ Joe Biden. 

Phương án 1 là giành giật đủ 270 phiếu đại cử tri. Tuy kết quả kiểm phiếu phổ thông đã an bài nhưng cơ quan lập pháp của bang mới là đơn vị trực tiếp chọn ra đại cử tri. Như đã nói, tuy thua kém ông Biden nhưng ông Trump cũng giành được tới 74 triệu phiếu phổ thông. Lực lượng cử tri Đảng Cộng hoà ủng hộ ông là rất đông đảo. 

Việc ông Trump liên tục "kêu oan" qua Twitter, Facebook và các vụ kiện, các cuộc họp báo đã khiến không ít người tin rằng cuộc bầu cử năm nay thực sự có gian lận và Đảng Dân chủ đã đánh cắp chiến thắng. Vì vậy, nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hoà trong cơ quan lập pháp các bang sẽ chịu áp lực phải chọn những đại cử tri ủng hộ ông Trump. 

Nếu làm trái ý ông Trump, các chính trị gia này có thể sẽ làm phật ý hàng triệu cử tri Đảng Cộng hoà và do vậy mất ghế trong lần bầu cử sau.

Một ví dụ minh hoạ gần đây là ông Brad Raffensperger - Tổng Thư kí bang Georgia. Tổng thống Trump từng kêu gọi ông Raffensperger không chứng nhận kết quả kiểm phiếu tại bang này. 

Theo Politico, khi ông Raffensperger làm đúng phận sự của mình và tuyên bố ông Biden thắng cử, gia đình của vị Tổng Thư kí bang này đã bị doạ giết, bản thân ông có nguy cơ thất cử vào năm 2022 do không còn được Đảng Cộng hoà ủng hộ. 

Nếu không giành đủ 270 phiếu đại cử tri, ông Trump có thể chuyển sang phương án 2 là không để cho đối thủ Joe Biden đạt được 270 phiếu. Tình huống này xảy ra khi một số bang không quyết định được nên trao phiếu đại cử tri cho đảng nào trước hạn chót 14/12.

Một bang có thể gửi lên Quốc hội hai tờ chứng nhận kết quả bầu cử. Chẳng hạn, một chứng nhận do cơ quan lập pháp của bang gửi đi với nội dung chọn đại cử tri Đảng Cộng hoà, một chứng nhận do thống đốc bang gửi đi với nội dung chọn phía Đảng Dân chủ.

Cũng có thể cuộc bầu cử ở bang có tranh chấp kịch liệt và toà án không phân xử kịp trước ngày đại cử tri đi bỏ phiếu 14/12 (Tuy nhiên các đảng đều muốn giải quyết xong mọi tranh cãi trước ngày 8/12 - ngày chốt danh sách đại cử tri).

Một ví dụ gần đây là bang Pennsylvania. Theo kết quả kiểm phiếu, ông Biden có nhiều hơn ông Trump khoảng 81.000 phiếu phổ thông và do vậy giành được toàn bộ 20 phiếu đại cử tri tại đây. Tuy nhiên ngày 25/11 vừa qua, một toà án bang Pennsylvania đã ra lệnh tạm dừng việc chứng nhận kết quả bầu cử.

Nếu tình trạng tranh chấp này kéo dài quá 14/12 thì 20 phiếu đại cử tri ở Pennsylvania có thể sẽ không thuộc về ai.

Theo Hiến pháp Mỹ, nếu không ứng viên nào giành đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết, Hạ viện sẽ bỏ phiếu bầu chọn tổng thống. 

Tuy nhiên, phương thức bầu cử không phải là mỗi hạ nghị sĩ một phiếu mà là mỗi bang một phiếu. Đảng Dân chủ đang nhiều hơn Đảng Cộng hoà về số ghế hạ nghị sĩ; nhưng khi xét về số bang, Đảng Cộng hoà lại đang dẫn trước Đảng Dân chủ với tỉ lệ 26-24.

Nếu cuộc bầu cử được định đoạt ở Hạ viện, tình thế sẽ lật ngược và ông Trump sẽ chiếm ưu thế trước ông Biden. Chiến lược của phe ông Biden hiện nay là thúc đẩy quá trình chứng nhận kết quả tại những bang mà ông chiến thắng để kết thúc dứt điểm cuộc bầu cử bằng phiếu đại cử tri.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.