Những 'thương hiệu quốc dân' một thời giờ thế nào?

Diêm Thống Nhất, phích Rạng Đông, cao Sao Vàng,... những thương hiệu "vang bóng một thời" ngày ấy dù có "số phận" khác nhau nhưng đều là mảng kí ức đẹp với nhiều người, đặc biệt với thế hệ xưa cũ.

Trước khi nước ta mở cửa kinh tế vào năm 1986, đồ Việt Nam chủ yếu do doanh nghiệp nội địa sản xuất. Hiếm có thời kì nào mà xã hội lại nhớ hết tất cả những thương hiệu quen thuộc đến vậy. Đến tận bây giờ, sau những biến chuyển về kinh tế, có những sản phẩm vẫn còn tồn tại, nhưng chỉ hoạt động ở mức “cầm chừng”, có những thương hiệu đã chỉ còn là "một thời vang bóng".

Diêm Thống Nhất

Bước sang năm 2020, hộp diêm có hình bồ câu trắng trên nền trời xanh đã chính thức bị "khai tử", kết thúc vòng đời 63 năm của sản phẩm "quốc dân" tại Việt Nam.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, công ty cổ phần Diêm Thống Nhất, tiền thân là nhà máy Diêm Thống Nhất thành lập vào năm 1956 và chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2001. Khi hầu hết gia đình Việt vẫn sử dụng bếp than và bếp củi, những bao diêm Thống Nhất có giá chỉ 100 đồng đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân. Có thời điểm sản phẩm chiếm 100% thị phần diêm toàn miền Bắc.

Khi nền kinh tế mở cửa, diêm Thống Nhất bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm tạo lửa từ nước ngoài. 10 năm qua, doanh thu công ty đều đạt trên 100 tỉ nhưng dây chuyền sản xuất cũ, giá nguyên liệu tăng khiến giá vốn công ty luôn chiếm tỉ lệ cao. Kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp dao động trong khoảng 2-3 tỉ đồng/năm.

(Ảnh: Diêm Thống Nhất).

Năm 2020 chính thức kết thúc vòng đời 63 năm của sản phẩm "quốc dân" tại Việt Nam.(Ảnh: Diêm Thống Nhất).

Năm 2018, công ty ghi nhận 123 tỉ đồng doanh thu nhưng giá vốn chiếm hơn 83%, lợi nhuận sau thuế thu về vỏn vẹn 2 tỉ đồng. Trong năm cuối cùng sản xuất diêm đại trà để phục vụ bán lẻ (2019), diêm Thống Nhất ghi nhận gần 137 tỉ doanh thu và 1,1 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. 

Đây cũng là đà tăng trưởng mạnh nhất mà hãng diêm này ghi nhận được kể từ năm 2014. Trong vòng 10 năm, diêm Thống Nhất từ sản xuất hơn 180 triệu bao/năm xuống còn khoảng 100 triệu bao/năm (giảm 50%). Sản lượng sụt giảm nhanh chóng khiến công ty quyết định dừng sản xuất sản phẩm diêm từ năm 2020.

Tính bình quân, mỗi ngày Diêm Thống Nhất ghi nhận hơn 376 triệu doanh thu nhưng lãi vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng. Tuy vậy, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, chưa khi nào nhà sản xuất này phải báo lỗ từ hoạt động kinh doanh.

Hiện tại, công ty tập trung vào hai sản phẩm chính là bật lửa, bao bì carton và chỉ sản xuất loại diêm quảng cáo theo nhu cầu đặt hàng của khách. Đồng thời, doanh nghiệp cũng hợp tác với các nhà sản xuất trong và ngoài nước để sản xuất loại diêm truyền thống với chất lượng, mẫu mã tốt hơn và chi phí hợp lí hơn.

Cao Sao Vàng

Vào những năm 60-70 của thế kỉ trước, trên đầu giường hay tủ thuốc mỗi nhà không thể thiếu hộp cao Sao Vàng, hay còn gọi là dầu cù là. Thời kì đó, Cao Sao Vàng thực sự đã trở thành một thương hiệu quốc dân, một "thần dược" chữa bách bệnh, đau đâu bôi đó.

Cao Sao Vàng - thương hiệu vang bóng một thời. (Ảnh minh họa).

Cao Sao Vàng - thương hiệu vang bóng một thời. (Ảnh minh họa).

Báo Thanh Niên thông tin, sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam đạt thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu sản phẩm Cao Sao Vàng sang Liên Xô. Giai đoạn này trở thành đỉnh cao của Cao Sao Vàng, với sản lượng trung bình 10 - 15 triệu hộp, có khi lên tới 20 triệu hộp. 

Tuy nhiên, sau khi hợp đồng với Liên Xô kết thúc, sản lượng Cao Sao Vàng lại sụt giảm đáng kể. Đồng thời, xu hướng dầu mới xuất hiện, Cao Sao Vàng mất dần thị phần, buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng. Trước nguy cơ "bị quên lãng", Cao Sao Vàng buộc phải trở mình tìm đường sống. Từ năm 2013 tới nay, thương hiệu này lấn sân thị trường quốc tế với cái tên "Golden Star Balm".

Theo báo Đầu tư, số lượng bán ra của sản phẩm luôn trong tình trạng "sắp hết" hoặc "cháy hàng" ở các website bán hàng trực tuyến nổi tiếng như eBay hay Amazon, các gian hàng dược phẩm online ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Úc..

Nhờ những nỗ lực đẩy mạnh công tác bán hàng, quảng cáo mở rộng thị trường, đa dạng các mặt hàng, Công ty Dược phẩm Trung ương 3 - doanh nghiệp sản xuất cao Sao Vàng cũng đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng trong vài năm trở lại đây.

Nếu như năm 2015, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 16 tỉ đồng thì sang năm 2016, con số này tăng lên 22,5 tỉ đồng, báo Pháp luật và Xã hội cho biết.

Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt, đạt 80 tỉ đồng, tăng 41 tỉ đồng (208,85%) so với năm 2017. Năm 2019, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 3% lên 83 tỉ đồng. Trong báo cáo quí I/2020, Dược phẩm Trung ương 3 có doanh thu tăng hơn 5% lên mức 115 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 23 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kì.

"Vua mì tôm" Miliket

Thương hiệu Miliket với biểu tượng hai con tôm chụm đầu trên bìa giấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong kí ức của nhiều người những năm 80 - 90.

Thông tin từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Miliket là thương hiệu mì ăn liền của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP HCM. Sản phẩm tiền thân gọi là mì tôm Colusa có mặt trên thị trường từ trước năm 1975. 

Nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, Miliket có mặt tại kệ bếp của hầu hết các gia đình. Đến bây giờ, thị trường đã có hàng trăm loại mì gói, cả trong nước và ngoại nhập, nhưng với nhiều gia đình vẫn trung thành với mì Miliket. Thậm chí, tại các quán lẩu, dù người dùng gọi lẩu gà, lẩu hải sản hay lẩu Thái thì chủ quán luôn mang kèm theo hai gói mì Miliket.

(Nguồn: 24h.com)

"Vua mì tôm" Miliket. (Nguồn: 24h.com)

Theo Khảo sát của Brands Việt Nam, Miliket từng chiếm 90% thị phần nhưng nay chỉ còn 3%, thua xa với các thương hiệu mì ăn liền đình đám trên thị trường như Hảo Hảo (100% vốn Nhật Bản), Omachi, Kokomi (Masan) hay Ba Miền, Gấu Đỏ (Asea Foods).

Tuy nhiên, hướng kinh doanh an toàn - chiến lược giá rẻ nhất trên kệ siêu thị, phân phối sỉ vào nhà hàng bình dân, thị trường nông thôn - đã giúp Miliket “trú ẩn” thành công trong cơn bão hàng tiêu dùng nhanh, dù sản phẩm này không xuất hiện một giây quảng cáo nào trên các phương tiện truyền thông.

Doanh thu thuần năm 2018 của công ty đạt 622 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 31 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kì, theo một bài báo của Zing.

Hết năm 2019, tổng tài sản của Miliket là 224 tỉ đồng, trong đó có tới 51 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền cùng 124 tỉ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Tài sản có phần khiêm tốn nhưng tài chính doanh nghiệp không ghi nhận khoản vay nợ nào.

Xà bông Cô Ba

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cha đẻ của xà bông Cô Ba - một thương hiệu thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh hot nhất thời điểm của thế kỉ 20 là ông Trương Văn Bền, sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn).

Năm 1932, nhà máy sản xuất xà bông được phát triển trên nền tảng các xưởng dầu của ông Bền. Đây là sản phẩm mới nhưng có chiến lược quảng bá hiện đại khi "mượn" một đoàn võ thuật để kinh doanh thương hiệu. Vì vậy, xà bông Cô Ba đã có gần 50 năm phát triển rực rỡ.

Ăn nên làm ra, xưởng dầu của Công ty Trương Văn Bền ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa, 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine trong các năm thuộc thập niên 1940-1950.

Những 'thương hiệu quốc dân' một thời giờ ra sao? - Ảnh 4.

Một tấm áp phích quảng cáo xà bông cô Ba ngày xưa. (Ảnh: Tạp chí Công thương).

Sau năm 1975, doanh nghiệp này trở thành Nhà máy hợp doanh Xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1995, nhà máy đổi tên thành Công ty CP Sản xuất thương mại Phương Đông.

Đây cũng là khoảng thời gian các tập đoàn đa quốc gia thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Bị cạnh tranh khốc liệt bởi Unilever, xà bông cô Ba gần như bị lãng quên. Sản phẩm không bị “khai tử” nhưng sống lay lắt và xuất hiện khiêm tốn trong một vài siêu thị trong thời gian dài.

Đến năm 2017, hi vọng được nhen nhóm khi Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) đã chi gần 214 tỉ đồng để nắm giữ 30,88% vốn của xà bông Cô Ba.

Tuy nhiên, sau một năm về với HAR, thương hiệu này vẫn "giậm chân tại chỗ". Đầu năm 2019, lãnh đạo HAR chia sẻ, HAR vẫn chưa dám rót nhiều vốn cho xà bông cô Ba vì không có nhiều vốn cho thị trường tiêu dùng nhanh và rất khó để cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp cùng ngành.

Phích Rạng Đông

Phích Rạng Đông chính là số ít những thương hiệu quốc dân một thời còn duy trì được vị thế của mình. Tuy nhiên, hãng này cũng từng đứng trước nguy cơ phá sản.

Năm 1958, nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được khởi công xây dựng tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Đến năm 1963 thì chính thức khánh thành. 

Không lâu sau đó, nhà máy vô cùng thành công với sản phẩm phích nước Rạng Đông. Thậm chí nó còn được coi là một biểu tượng văn hóa gắn với thời bao cấp. Vào thời kì đó, phích nước Rạng Đông là vật dụng cần thiết trong mỗi gia đình, việc mua bán phích rất khó. Có nơi, cán bộ công nhân viên còn phải bốc thăm mới có quyền mua chiếc phích này. 

Trước năm 1988 là thời kì hoàng kim của Rạng Đông, bên cạnh các thương hiệu như cao Sao Vàng, giày Thượng Đình, diêm Thống Nhất, mì Miliket… 

(Ảnh: Tâm Anh).

Phích Rạng Đông chính là số ít những "thương hiệu quốc dân" một thời còn duy trì được vị thế của mình. (Ảnh: Tâm Anh).

Tuy nhiên, sau khi Việt Nam mở cửa thị trường (1988 - 1990), làn sóng hàng ngoại ồ ạt tràn vào. đặc biệt là hàng Trung Quốc đã khiến Rạng Đông gặp khó khăn và mất dần thị phần.

Thông tin từ Zing, trong giai đoạn này, công ty liên tục làm ăn thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc suốt 6 tháng. Năm 1990, công ty ghi nhận 7,4 tỉ đồng doanh thu và khoản lỗ trước thuế 16 triệu đồng khiến tài khoản tại ngân hàng của doanh nghiệp bị phong tỏa. 

Từ đây, Rạng Đông đã chính thức vay nợ để cải tiến dây chuyền sản xuất, đánh dấu bước chuyển mình tích cực. Thêm vào đó, việc đầu tư phát triển năng lực công nghệ (chuyển sang nguồn sáng LED) đã giúp Rạng Đông hồi sinh và phát triển.

Đến năm 1991, tuy doanh thu mới đạt chưa tới 15 tỉ đồng, công ty đã chấm dứt được tình trạng thua lỗ với 220 triệu đồng lãi trước thuế.

Năm 2019, Phích nước Rạng Đông ghi nhận doanh thu 4.256 tỉ đồng, lãi sau thuế 125 tỉ đồng. Công ty vượt 18% kế hoạch doanh thu và thực hiện 79% kế hoạch lãi trước thuế.

Tuy nhiên, vào ngày 28/8/2019, Công ty gặp phải sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại khoảng 150 tỉ đồng, khi một đám cháy tại nhà kho (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) đã thiêu rụi 480.000 chiếc đèn huỳnh quang, hai triệu chiếc đèn tròn và 1,6 triệu chiếc bóng đèn HQ compact. Vụ cháy cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường do lượng thủy ngân phát tán ra ngoài từ 15,1 kg đến 27,2 kg, VnEconomy cho biết.

Còn nhiều thương hiệu Việt Nam như hóa mĩ phẩm Mỹ Hảo, giày Thượng Đình, kem đánh răng Dạ Lan, xe đạp Thống Nhất, kem Tràng Tiền,… từng là niềm tự hào của người tiêu dùng nội địa, trở thành miền kí ức đẹp với người Việt.

Không may mắn như Sá xị Chương Dương - thương hiệu "vang bóng một thời" của Việt Nam được “hồi sinh” dưới bàn tay người Thái, nhiều sản phẩm đã thu hẹp thị phần, sống lay lắt trong "hào quang quá khứ" hoặc rút khỏi thị trường bởi bão cạnh tranh và sức ép lớn từ nhiều thương hiệu đến sau.


chọn
ĐHĐCĐ Khang Điền: Tự tin về khả năng trả nợ trái phiếu, dự án hợp tác với Keppel Land có thể kinh doanh từ cuối năm
Lãnh đạo Khang Điền cho biết tự tin về khả năng trả nợ 1.100 tỷ đồng trái phiếu nhờ quỹ tiền mặt dồi dào, nguồn thu từ dự án The Priva và KCN Lê Minh Xuân mở rộng triển khai trong thời gian tới. Năm nay, lợi nhuận chủ yếu của doanh nghiệp sẽ đến từ dự án The Privia.