Ninh Thuận cần hơn 29.000 tỷ đồng thực hiện để phát triển nhà ở đến năm 2025

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, theo đó mục tiêu nâng tổng diện tích sàn nhà lên 16 triệu m2, nguồn vốn thực hiện cũng tăng từ gần 9.880 tỷ đồng lên 29.000 tỷ đồng

Theo Báo Ninh Thuận, UBND tỉnh vừa ra Quyết định số 09/2023/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 9/4/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, đến năm 2025, tỉnh sẽ nâng chất lượng nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố toàn tỉnh đạt tỷ lệ trên 98,5%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ.

Tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 16 triệu m2 sàn, tăng gần 3,6 triệu m2, trong đó nhà ở thương mại tăng từ 235.668 m2 lên khoảng 704.368 m2; nhà ở cho hộ nghèo tăng từ 327.060 m2 lên 533.700 m2...

Mặt khác, nhà ở xã hội (NƠXH) giảm từ 118.190 m2 còn khoảng 89.926 m2; nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng giảm từ 50.292 m2 còn 24.615 m2. 

Đến năm 2030, UBND tỉnh đặt mục tiêu chất lượng nhà ở đối với nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ trên 99,5%, trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực đô thị.

Đối với chỉ tiêu diện tích, UBND tỉnh đạt mục tiêu tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt gần 21,5 triệu m2, tăng thêm khoảng 5,4 triệu m2, tăng diện tích NƠXH khoảng 183.871 m2 sàn và diện tích nhà ở thương mại khoảng 1,14 triệu m2 sàn...

 

UBND tỉnh cũng xác định nguồn vốn thực hiện Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2025 sẽ tăng thêm 19.147,58 tỷ đồng (từ 9.878,89 tỷ đồng lên 29.026,47 tỷ đồng); trong đó, nguồn vốn trung ương 90,04 tỷ đồng, ngân sách địa phương 36,73 tỷ đồng và nguồn vốn từ doanh nghiệp, vốn hỗ trợ, cá nhân chiếm phần lớn là gần 28.900 tỷ đồng.

Đến năm 2030, tỉnh sẽ cần khoảng 44.128,49 tỷ đồng để thực hiện chương trình, trong đó vốn doanh nghiệp, vốn hỗ trợ, cá nhân... là 44.069,05 tỷ đồng.

Về định hướng phát triển đối với khu vực trung tâm đô thị là TP Phan Rang - Tháp Chàm, giải pháp quy hoạch, kiến trúc chủ yếu là phát triển nhà ở theo dự án, ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, từng bước chuyển đổi mô hình sang nhà ở chung cư cao tầng, thay thế nhà ở thấp tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

 

 

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.