Nỗ lực thông đường, cứu nạn trong mưa lũ

Trận mưa lũ lịch sử làm toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt ở Quảng Bình bị tê liệt hoàn toàn...

Sáng 15/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã thị sát những điểm ngập lụt, đình trệ giao thông. Trong sáng 16/10, Thứ trưởng Thọ cùng lực lượng tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng hải, Quân khu 4, Bộ đội biên phòng Quảng Bình trực tiếp có mặt tại “điểm nóng” cửa sông Gianh - khu vực tàu mắc cạn để tìm cách giải cứu thuyền viên. Do nước chảy xiết, lực lượng cứu nạn phải di chuyển xuồng cứu sinh từ mạn trái sau dòng nước, sang mạn phải trước dòng nước rồi xuống xuồng đi ngược dòng và thoát khỏi vùng xoáy nguy hiểm. Với sáng kiến này, bốn thuyền viên và lực lượng cứu hộ đã lên tàu cứu nạn an toàn và được đưa về cảng Gianh. Tại đây, Thứ trưởng Bộ GTVT đã thưởng “nóng” cho Tổ công tác cứu nạn hàng hải 10 triệu đồng nhờ sự dũng cảm, sáng tạo trong quá trình cứu nạn.

Trước đó, vào 4h sáng 14/10, đoàn tàu SE 19 chở 132 hành khách từ Hà Nội đi Đà Nẵng bị kẹt lại giữa khu gian Minh Lệ - Lệ Sơn do đường sắt bị xói lở, ngập nước. Trong khi đó, nước sông Gianh đang dâng nhanh chóng có nguy cơ nhấn chìm đoàn tàu. Trước tình thế cấp bách, Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt VN và lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã huy động mọi lực lượng, giải pháp “giải cứu” đoàn tàu. Ngày 14/10, dù trời mưa không ngớt nhưng gần 100 công nhân của Công ty CP Đường sắt Quảng Bình vẫn dầm mưa ngập kè rọ đá, gia cố nền để đưa đoàn tàu cùng hành khách về ga Lệ Sơn an toàn.

Chỉ sau một đêm, nước lũ tiếp tục uy hiếp ga Lệ Sơn, đe dọa an toàn của đoàn tàu SE19. Trưởng ga Lệ Sơn, ông Nguyễn Duy Hòa cho biết, có thời điểm mực nước cách sân ga chỉ còn 30cm. Nguy cơ ngập ga, ngập tàu cận kề, tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt dẫn vào ga đã ngập, phương án tiếp tế lương thực hay chuyển tải hành khách bằng đường bộ đều không thể thực hiện được. 132 hành khách, trong đó có 96 hành khách người nước ngoài trên tàu SE19 bắt đầu hoang mang.

Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng”, Bộ GTVT đã có công điện đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ “giải cứu” hành khách mắc kẹt. 100 cán bộ, chiến sỹ quân đội được điều động cùng hai xe đặc chủng, bốn xuồng cao tốc vượt gần 20km đường ngập nước tiếp cận khu vực cảng Nhà máy Xi măng Sông Gianh để tới tìm cách tới ga Lệ Sơn bằng đường thủy. Đến 12h trưa 15/10, sau hơn 30 giờ “mắc kẹt”, đoàn cứu trợ cũng đã tới được ga Lệ Sơn trong sự chào đón của hơn 100 hành khách trên tàu. Đến 14h, toàn bộ hành khách trên tàu được đưa về UBND xã Cảnh Hóa để chờ ô tô tiếp tục chuyển tải bằng đường bộ vào phía Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã túc trực tại hiện trường “giải cứu” tàu SE19 để động viên, trấn an hành khách. Thứ trưởng đã thay mặt ngành Đường sắt xin lỗi hành khách đi tàu vì sự cố ngoài ý muốn này. Trưởng tàu Võ Văn Xô cho biết: “Sau hơn nửa ngày bị nước lũ bao vây, các hành khách và nhân viên tàu đã rất mệt và cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, sự có mặt kịp thời của lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thời điểm khó khăn đã khiến chúng tôi an lòng và hết sức cảm kích”.

no luc thong duong cuu nan trong mua lu
Lực lượng chức năng lắp đặt lại dải phân cách trên QL1 (địa bàn Quảng Bình)

Chiều nay thông đường sắt Bắc – Nam qua Quảng Bình

Trao đổi với Báo Giao thông vào cuối giờ chiều qua (16/10), ông Đới Sỹ Hưng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, ngành Đường sắt đã huy động hơn 1.000 nhân lực cùng các thiết bị, vật tư từ các công ty đường sắt Hà Ninh, Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình… vào cứu chữa, khắc phục các điểm bị ách tắc, hư hỏng. Nước rút đến đâu, công nhân khẩn trương khắc phục ngay đến đó.

Toàn tuyến có 29 điểm phải sửa chữa, khắc phục, hiện chỉ còn hai điểm nặng nhất là Km452 khu gian Ngọc Lâm – Lệ Sơn và Km 468+300 Lệ Sơn – Minh Lệ. Trước đó, đến 4h sáng 16/10, đoạn Minh Lệ - Tiên An hơn 100km đã khắc phục xong, trả đường; Tiếp theo, đoạn Hương Phố - Ngọc Lâm thông xe lúc 8h40. Tổng công ty Đường sắt VN đang tập trung 500 lao động tích cực cứu chữa hai điểm hư hỏng nặng nhất này.

“Dự kiến khoảng 18h chiều nay (17/10) sẽ khắc phục xong hai điểm nặng nhất, thông đường toàn tuyến. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khắc phục tạm thời để thông đường, chạy tàu, còn để khôi phục toàn tuyến sẽ mất thời gian dài”, ông Hưng nói và cho biết, tàu chạy qua một số điểm xung yếu bị trôi cầu, hỏng cống vẫn phải chạy chậm, có nhân viên dẫn đường để đảm bảo an toàn.

Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt cho biết, nếu thông đường vào 18h chiều 17/10, kế hoạch dự kiến tàu Thống Nhất chạy suốt xuất phát ga Sài Gòn tối 16/10 sẽ chạy ra đến Hà Nội và đầu Hà Nội xuất phát tối 17/10 sẽ vào thẳng Sài Gòn như bình thường. Tàu hàng đang chờ dọc đường sẽ tiếp tục hành trình. Còn tàu hàng mới phải chờ thông đường mới có kế hoạch tổ chức chạy tàu.

chọn
Chuyên gia: Vàng tăng mạnh nhưng cũng không là gì so với đà tăng của giá bất động sản
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết từ năm 1990 đến nay, giá vàng tại Việt Nam tăng khoảng 30 lần nhưng giá bất động sản đã tăng khoảng 100 – 400 lần.