"Bạn bỗng cảm thấy hụt hẫng một thời gian và cố gắng bắt đầu một thói quen mới. Đó thực sự là quãng thời gian khiến con người ta bối rối", Johnson, 24 tuổi, kể lại trong một cuộc phỏng vấn tại Rio de Jainero, Brazil.
Theo Washington Post, trải nghiệm của Johnson - một vận động viên từng giành vinh quang tại một kỳ thế vận hội nhờ luyện tập và kỷ luật nghiêm khắc, nhưng rồi lại rơi vào trạng thái mơ hồ và mất tinh thần cũng chính sau sự kiện thể thao toàn cầu đó, hoàn toàn không hề hiếm. Đó cũng không phải một hiện tượng mới.
Thời gian chết và nỗi trống vắng
Trên sàn thi đấu tại Olympic, vận động viên là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Nhưng ngoài những tấm huy chương, các tour triển lãm hậu Olympic hay những món đồ kỷ niệm là một trở ngại không ai mong muốn mang tên"cuộc sống hàng ngày".
"Tôi nhớ lúc thức dậy vào ngày sau trận thi đấu cuối cùng và cảm giác như mình đang lao thẳng vào một bức tường gạch. Là một vận động viên ưu tú, bạn sẽ bị ám ảnh. Bạn là người cầu toàn trong lĩnh vực đó. Nhưng khi không còn cái để cống hiến từng đơn vị năng lượng trong cơ thể mỗi ngày, điều đó rất khó. Vận động viên nào cũng sẽ nói rằng: 'Giai đoạn chuyển tiếp từ thế vận hội sang cuộc sống đời thường không hề dễ dàng'", Johnson bộc bạch.
Các vận động viên và chuyên gia cho biết điều này không chỉ đúng trong thời gian ngắn mà còn nhiều năm sau đó, đối với nhà vô địch Olympic hay những người từng chiến thắng rồi thất bại, với người thi đấu và cả huấn luyện viên.
Tối 20/7, Olympic Rio 2016 kết thúc sau 17 ngày tranh tài. Sáng hôm sau, người dân sẽ thức dậy và bắt đầu một ngày mới như thường lệ. Nhưng các vận động viên sẽ làm gì? Không phải ai cũng biết câu trả lời.
"Đó là quá trình chuyển đổi tâm lý, cảm xúc. Khi ánh đèn vụt tắt và cánh báo chí dần biến mất, nhiều vận động viên Olympic, dù giành huy chương hay không may mắn, đều trở về nhà trong trạng thái sốc.
Vận động viên bơi lội Allison Schmitt trở lại Olympic Rio 2016 sau thời gian dài đấu tranh và nỗ lực. Ảnh: Getty |
Việc không có chế độ huấn luyện và nhân viên hỗ trợ là điều khá khó khăn", Steven Ungerleider, một nhà tâm lý học thể thao, cho biết.
Nhiều tháng trước khi Olympic diễn ra, vận động viên phải dành thời gian chuẩn bị và chấp nhận hy sinh. Katie Ledecky đã bảo lưu chương trình học trong một năm và bơi 64.000 m mỗi tuần. Jordan Burroughs bắt đầu mỗi ngày bằng bài chạy trước bình minh, rèn luyện các bài tập đấu vật và hạn chế thời gian ở bên con trai nhỏ. Simone Biles gác mọi chuyện sang một bên để dành thời gian tập luyện thể dục dụng cụ 30 giờ mỗi tuần.
Cứ 4 năm một lần, thế vận hội khai mạc rồi đi vào tâm trí của cộng đồng thế giới trong 17 ngày. Đối với vận động viên, điều đó một nỗi ám ảnh.
"Hãy hình dung nó giống như dịp Giáng sinh, khi tôi không thể đợi cho đến ngày đó và muốn mở quà sớm. Bố, mẹ đã tặng con quà gì? Con muốn biết đó là gì. Món quà đặt ngay dưới cây thông, hãy để tôi mở ra. Nhưng khi khi mở món quà đó, bạn nhận ra rằng mọi thứ đã kết thúc. Còn 364 ngày nữa mới đến Giáng sinh tiếp theo. Nhưng đối với chúng tôi là hơn 1.000 ngày".
Phía sau tấm huy chương vàng
Taraje Williams-Murray từng hai lần tham dự Olympic ở nội dung judo. Sau Olympic Bắc Kinh, anh cùng đồng đội Rhadi Ferguson đăng bài viết có tựa đề "Hội chứng khủng hoảng sau Olympic - Mặt tối của việc giành huy chương vàng", nhằm cảnh báo các vận động viên về khả năng "gây nghiện" của các trận đấu và sự nổi tiếng.
Một thực tế khác là khủng hoảng tài chính, bởi trên thực tế nhiều vận động viên phải bỏ tiền túi cho chi phí huấn luyện và đi lại.
"Gánh nặng nợ nần đè lên vai tôi. Tôi đã có những cơn trầm cảm và thường chìm đắm trong rượu hay cần sa", anh nói.
David Boudia tham gia Olympic năm 19 tuổi. Như bao vận động viên khác, anh xác định thế vận hội là sự tồn tại của bản thân.
"Mọi thứ tôi làm đều vì mong ước tham dự thế vận hội và giành chiến thắng. Tôi muốn nổi tiếng và sự giàu có. Tôi muốn Olympic là con đường để tôi thực hiện những điều đó", Boudia nói.
Boudia kỳ vọng giành một hoặc hai huy chương. Nhưng thay vào đó, anh kết thúc ở vị trí thứ 10 ở nội dung nhảy cầu 10 m và xếp thứ 5 ở nội dung phối hợp. Boudia trở về quê nhà tại bang Indiana, đăng ký trường Đại học Purdue nhưng lại bước chân vào thế giới của rượu và ma tuý. Trong cuốn sách Greater Than Gold, Boudia tiết lộ từng có ý định tự tử.
"Olympic không khiến tôi hài lòng. Vì vậy trong suốt thời gian dài, tôi không muốn làm gì khác ngoài nằm trên giường", Boudia kể lại.
Các vận động viên tranh tài tại Olympic ở Brazil. Ảnh: Getty |
Trên thực tế, cảm giác này không chỉ có ở những người không giành huy chương. Jeret "Speedy" Peterson, người từng giành HCB ở Olympic mùa đông Vancouver năm 2010 đã ra đi ở tuổi 29 vì tự tử bằng súng ngắn. Trước đó 4 năm, ngôi sao trượt tuyết tự do của Mỹ từng bị cấm thi đấu vì ẩu đả với một người bạn. Anh mắc bệnh nghiện rượu, cờ bạc và từng rơi vào trạng thái trầm cảm.
Allison Schmitt là vận động viên từng giành được huy chương vàng, bạc và đồng tại Olympic 2012. Nhưng cô rơi vào thời gian trầm cảm nặng không lâu sau đó khi nhận thấy mình không thể thi đấu với phong độ trước đây. Cô đã tìm cách điều trị và hy vọng sự trở lại của mình tại Olympic Rio 2016 sẽ giảm bớt những tác động tiêu cực xung quanh vấn đề sức khỏe tâm lý.
Năm 1997, Ungerleider từng nghiên cứu 57 vận động viên Olympic ở 12 bộ môn thể thao và viết về tính cần thiết của việc phát triển các phương pháp hỗ trợ vận động viên khi quay lại cuộc sống thường ngày. Ông cho rằng khi không có chương trình hỗ trợ nào hay người hướng dẫn ở bên cạnh, nhiều người dễ bị lạc lối. Dữ liệu thực nghiệm cho thấy họ bắt đầu uống rượu hay dùng chất kích thích khi không được trợ giúp.
Robert B. Andrews, một nhà tư vấn thể thao, nói: "Hãy tưởng tượng những gì họ đã trải qua. Họ đặt niềm đam mê, cam kết và sự tập trung cho nó. Họ lên kế hoạch để cạnh tranh trên các trường đấu. Nhưng rồi khi kế hoạch đó kế thúc, họ sẽ làm gì tiếp theo, thậm chí sẽ bắt đầu như thế nào. Đó là một cảm giác mất mát".
Đầu bếp Olympic nấu đồ ăn thừa cho người nghèo | |
Ăn mừng hụt ở Olympic, võ sĩ Trung Quốc được ca ngợi ở quê nhà |