Nỗi buồn Việt Nam không có Đại học lọt top châu Á

Tạp chí Times Higher Education (THE - Anh) vừa công bố Bảng xếp hạng những trường Đại học (ĐH) hàng đầu châu Á. Bảng xếp hạng năm nay có hơn 350 trường tới từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các trường ĐH của Việt Nam tiếp tục vắng bóng tại bảng xếp hạng này.
noi buon viet nam khong co dai hoc lot top chau a
Việt Nam có khoảng 12.000 giáo sư, phó giáo sư nhưng chưa có trường ĐH nào lọt top 350 châu Á. Ảnh: Như Ý.

Năm nay, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia có nhiều trường ĐH lọt vào bảng xếp hạng nhất, với 89 trường ĐH. Tiếp đó là Trung Quốc, với 63 trường. Trong bảng xếp hạng hơn 350 trường ĐH châu Á của THE năm nay, lần đầu tiên ĐH Malaysia nằm trong top 50. Indonesia tăng từ 2 lên 4 trường. Thái Lan cũng có đại diện xuất hiện trong bảng xếp hạng này.

Tuy nhiên, dẫn đầu bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất châu Á là ĐH Quốc gia Singapore. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, đại học này giữ vị trí đầu bảng. Xếp vị trí thứ hai là ĐH Thanh Hoa của Trung Quốc. Vị trí thứ ba là ĐH Bắc Kinh. Năm 2017, Đại học Thanh Hoa có lượng bài báo xuất bản cao hơn ĐH Bắc Kinh, đồng thời thu nhập của các nghiên cứu viên cũng tăng cao hơn.

Được biết, bảng xếp hạng THE nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu. THE sử dụng 13 chỉ số đã được hiệu chuẩn nhằm cung cấp sự so sánh toàn diện và cân bằng. Các chỉ số được chia thành năm nhóm: Giảng dạy (môi trường học tập) chiếm 30%; nghiên cứu (số lượng, thu nhập và danh tiếng chiếm 30%; trích dẫn khoa học (ảnh hưởng của nghiên cứu) chiếm 30%; triển vọng quốc tế (giảng viên, sinh viên và nghiên cứu) chiếm 7,5% và thu nhập nhờ chuyển giao tri thức – chiếm 2,5%.

Các trường bị loại trừ khỏi bảng xếp hạng thế giới của THE khi không đào tạo bậc cử nhân, hoặc nếu kết quả nghiên cứu ít hơn 1.000 bài báo trong giai đoạn 2012-2016 (yêu cầu tối thiểu 150 bài mỗi năm). Trường hợp 80% hoạt động không thuộc 11 lĩnh vực do THE quy định, trường cũng không được xếp loại.

Điều đáng quan tâm là cũng như các năm trước, trong bảng xếp hạng hơn 350 trường ĐH châu Á này, không có đại diện nào của Việt Nam.

Nỗi buồn ĐH Việt

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong thì hiện nay, cả nước có khoảng 12.000 giáo sư và phó giáo sư. Riêng năm 2017, Việt Nam có thêm 1.226 giáo sư và phó giáo sư. Tuy nhiên, như Tiền Phong đã phản ánh, trong số 85 giáo sư được xét duyệt năm 2017, có tới 29 giáo sư (34%|) không có bài báo đăng trên tạp chí ISI/Scopus. Trong số 1.141 phó giáo sư được xét duyệt thì có tới 609 người không có bài báo ISI/Scopus (chiếm 53%).

Theo TS Lê Văn Út, trưởng Phòng Quản lý Phát triển Khoa học, Công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Việt Nam tăng số lượng giáo sư, phó giáo sư nhưng yêu cầu về chất lượng không được rõ ràng. Việc quản lý giáo sư, phó giáo sư cũng không theo đúng chuẩn mực là họ phải làm gì hằng năm.

Các giáo sư, phó giáo sư được bổ nhiệm xong là yên tâm với chức danh đó đến trọn đời. Vì vậy, chất lượng nghiên cứu của các giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam rất khác.

Ở nước ngoài, cách làm của các ĐH trên thế giới là các giáo sư, phó giáo sư sau khi được bổ nhiệm, trong một khoảng thời gian nhất định phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, nếu không hoàn thành sẽ chuyển vị trí khác. Giáo sư, phó giáo sư của họ chỉ là vị trí công việc nên không có chuyện bổ nhiệm xong, yên tâm hưởng danh hiệu đó cả đời.

Theo TS Lê Văn Út, sở dĩ chất lượng nghiên cứu khoa học của giáo sư, phó giáo sư Việt Nam chưa cao vì không tạo được áp lực cho họ. Nếu tính hệ số lương mà hằng năm Nhà nước, nhân dân phải chi trả cho họ thì hiệu quả như thế rất đáng tiếc.

Chính vì vậy, ở Việt Nam mọi người rất “vui vẻ” khi được xét duyệt giáo sư, phó giáo sư. Thứ nhất là được về danh, thứ hai là quyền lợi cũng được gắn bó suốt đời. “Đất nước còn đang phát triển, còn nhiều khó khăn về mặt tài chính. Nhưng tôi lấy làm tiếc khi chúng ta không quan tâm đến hiệu quả về mặt đầu tư. Đó là sự lãng phí xã hội lớn” – TS Lê Văn Út khẳng định.

Bởi vì người làm tốt, người làm không tốt như nhau nên ông Út cho rằng, ông thấy rất buồn. Không những thế, việc này quyết định chất lượng giáo dục ĐH. Với cách quản lý như hiện nay, TS. Út khẳng định giáo dục ĐH Việt Nam không thể thi thố với quốc tế.

TS Lê Văn Út cho rằng, ĐH là phải nghiên cứu khoa học. Như vậy, không thể nói nghiên cứu khoa học tiêu chuẩn nào mà nó chỉ có một chuẩn chung trên thế giới. Vì sản phẩm khoa học là mới, hay cũ phải đánh giá trên bình diện chung. Việt Nam tự đặt ra tiêu chuẩn riêng cho mình.

“Nhiều người lý luận Việt Nam có mấy trăm tạp chí nghiên cứu, đăng bài trên đó cũng đủ tiêu chuẩn, rồi tự “vui vẻ” với nhau. Trong khi đó, các nước họ công bố trên ISI/Scopus. Nên năng lực của họ được đánh giá cao trên thế giới là bình thường” – TS Út nêu thực tế.

Ông cũng không phủ nhận là do Tổ chức xếp hạng THE yêu cầu các trường ĐH phải nộp dữ liệu để xem xét nên không rõ ĐH của Việt Nam có nộp hay không. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, các nước trong khu vực đều có trường lọt top mà Việt Nam không có thì đấy là nỗi buồn của giáo dục ĐH Việt Nam.

“Thực ra tổ chức xếp hạng nào cũng có vấn đề riêng nhưng khi Việt Nam chưa có tên trên bản đồ xếp hạng thế giới thì đó cũng là thiệt thòi” – TS Út chia sẻ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.