Trước những thông tin liên quan đến nguyên nhân dẫn đến việc tự tử của em Ksor Sôn (học sinh lớp 6, trường THCS Trần Phú, xã Ia Der, huyện Ia Grai) vì không có đồng phục để đến trường. Để làm rõ những thông tin trên đại diện nhà trường đã lên tiếng về vụ việc…
Nhà trường không quy định về đồng phục
Được biết, khi nghe tin em Ksor Sôn tự tử tại rẫy cà phên gần nhà đúng vào buổi sáng đầu tiên của ngày tựu trường Ban giám hiệu trường THCS Trần Phú vô cùng bàng hoàng. Đích thân thầy Lỡ Ngọc Thanh – Hiệu trưởng nhà trường đã trực tiếp xuống tận nhà Sôn để nắm bắt tình hình và chia buồn với gia đình.
Thầy Lỡ Ngọc Thanh – Hiệu trưởng trao đổi với PV về vụ việc |
Chia sẻ về cậu học sinh xấu số của mình thầy Thanh cho biết; vì Sôn là học sinh mới (từ lớp 5 lên lớp 6) nên nhà trường cũng chưa có nhiều thời gian tiếp xúc để hiểu nhiều về tâm lý cũng như hoàn cảnh gia đình em. Vào ngày 15/08/2016 là ngày đầu tiên các em lớp 6 đến nhận lớp nhưng hôm đó Sôn đã không đến. Phải đến buổi thứ 2 tức ngày 18/08, khi nhà trường tổ chức cho khối lớp 6 làm lao động, dọn vệ sinh trường lớp để chuẩn bị cho năm học mới Sôn mới đến lớp.
Sau khi sự việc xảy ra, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã có cuộc họp bàn về việc của em Sôn. Tại cuộc họp cô giáo chủ nhiệm của Sôn cho biết trong ngày 18/08 khi Sôn đến trường không thấy em có biểu hiện gì lạ. Em vẫn vui vẻ tham gia lao động, dọn vệ sinh trường lớp cùng các bạn trong lớp.
Vì so với các bạn cùng lớp Sôn lớn hơn 2 tuổi (Sôn sinh năm 2003) nên không chỉ hòa đồng với bạn bè mà Sôn còn tỏ ra có trách nhiệm khi em chủ động giành làm những việc nặng như kê lại bàn ghế tại các lớp học… Vì vậy, mà khi nghe tin Ksor Sôn tự tử hầu hết thầy cô và bạn bè trong trường đều cảm thấy rất bất ngờ.
Còn liên quan đến thông tin Ksor Sôn tự tử do mặc cảm về việc không có đồng phục để đến trường thầy Thanh cho biết: “Thật sự, khi nghe gia đình em nói về nguyên nhân khiến Sôn tự tử là do em không có quần áo mới đến trường bản thân tôi cảm thấy rất xót xa và không sao cầm nổi nước mắt. Nếu như nguyên nhân đúng là như vậy thì thật là đau lòng…”.
Cổng trường THCS Trần Phú |
Còn về chuyện đồng phục của học sinh đầu năm học mới thầy Thanh khẳng định là nhà trường không hề có qui định các em phải mặc đồng phục đến trường. Mà nhà trường chỉ nhắc nhở các em là ăn mặc sao cho đúng tác phong của người học sinh. Các em chỉ cần ăn mặc sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng là được. Còn nếu nhà trường có qui định về đồng phục cho học sinh thì chắc chắn phải có thông báo cho các bậc phụ huynh để thống nhất về mẫu quần áo, do nhà trường may hay gia đình tự may…
Tâm sự của một người thầy
Với tư cách là một người thầy, một người lãnh đạo có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục khi chứng kiến cảnh một em học sinh tự tử mà nguyên nhân đơn giản chỉ vì không có được một bộ đồ mới ngày tựu trường thầy Lỡ Ngọc Thanh đã không thể cầm nổi cảm xúc của bản thân mình.
Đặc biệt, với một người có nhiều năm công tác tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai thì thầy Thanh là người thấu hiểu hơn ai cả những tâm tư tình cảm của những em học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thầy phải chứng kiến cảnh học sinh của mình nghĩ quẩn vì không có quần áo mới đi học.
Sự việc của Sôn khiến chi tất cả mọi người đều hết sức đau thương |
Sự ra đi bất ngờ của cậu học trò khờ dại đã để lại trong lòng người thầy rất nhiều sự đau lòng và hối tiếc. Thầy đau đớn, xót xa vì đã mất đi một người học trò ngoan, học giỏi bao nhiều thì niềm hối tiếc càng lớn hơn bấy nhiêu.
Thầy Thanh cảm thấy hối tiếc vì bản thân mình cùng thầy cô trong trường đã không có thời gian cũng như cơ hội để tiếp xúc với Sôn nhiều hơn. Nếu có thời gian, có lẽ nhà trường đã thấu hiểu được tâm tư tình cảm cũng như hoàn cảnh gia đình Sôn để có phương án giúp đỡ em.
Theo thầy Thanh thì hàng năm nhà trường vẫn thường xuyên tổ chức gây quĩ để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để cac em có điều kiện đến trường. Vì vậy, nếu có thời gian dài hơn để tiếp xúc với Sôn thì chắc chắn sẽ có ít nhất một bộ quần áo mới được đưa đến tay Sôn và sẽ không có câu chuyện đáng buồn trên xảy ra.
Ngoài ra, vị hiệu trưởng còn cảm thấy hối tiếc vì nhà trường chưa có cơ hội để giáo dục, định hướng tư duy cho các em. Nhất là đối với những học sinh người đồng bào các em thường có thái độ mặc cảm về bản thân cũng như hoàn cảnh gia đình mình. Nếu như cho nhà trường đủ thời gian để có những tác động tích cực về kĩ năng sống, kĩ năng tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống thì có lẽ giờ đây Ksor Sôn vẫn đang vui vẻ đến trường...