Nộp đơn cho nhân viên văn thư, ông Đoàn Ngọc Hải không được xem xét việc từ chức?

Theo luật sư, nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1 phải nộp đơn xin từ chức cho người đứng đầu cơ quan đang công tác hoặc người đứng đầu cấp trên có thẩm quyền giải quyết.

Mới đây, tại buổi giao ban báo chí tại địa bàn TP HCM, Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm đã có những chia sẻ việc điều động, bổ nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải - nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1 làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn.

Theo đó, ông Lắm đánh giá: "Ông Hải là người có chuyên môn, đã có quá trình kinh qua chức vụ quản lí ở Chi cục thuế, Phòng kinh tế và chức vụ cuối cùng là Phó chủ tịch quận phụ trách về đô thị. Như vậy, phụ trách về đô thị không chỉ về trật tự đô thị mà còn phụ trách về mặt quản lí xây dựng trên địa bàn".

Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM cho biết, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn cung cấp thông tin rằng ông Đoàn Ngọc Hải đã nộp đơn từ chức tại đơn vị này cho nhân viên văn thư.

đoàn ngọc hải

Ông Đoàn Ngọc Hải. (Ảnh tư liệu).

Về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng nếu ông Hải có một trong các lí do được nêu tại Điều 30 Luật Cán bộ công chức thì việc nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1 nộp đơn xin từ chức là đúng quy định pháp luật. 

"Tuy nhiên, nếu ông Hải nộp đơn này cho nhân viên văn thư của cơ quan là không đúng quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền về người nhận đơn", luật sư Hùng nêu quan điểm.

Cụ thể, theo quyết định số 260-QĐ/TW, ông Hải có thể nộp đơn từ chức thông qua 2 hình thức: nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải nộp đơn đúng nơi quy định, đúng người có thẩm quyền giải quyết. 

"Trong trường hợp này, ông Hải phải nộp cho người đứng đầu tập thể lãnh đạo (qua cơ quan tham mưu nơi cán bộ đang công tác) thì mới đúng quy định pháp luật về việc xin từ chức đối với cán bộ. 

Sau khi cơ quan tham mưu nơi ông Hải đang công tác nhận được đơn sẽ tiến hành trình đơn lên người có thẩm quyền xem xét lí do xin từ chức trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn theo quy định nêu trên. Nếu quá thời hạn nêu trên mà người có thẩm quyền giải quyết đơn thì ông Hải được quyền khiếu nại yêu cầu người đứng đầu cơ quan giải quyết", luật sư Hùng phân tích.

Theo luật sư, việc ông Hải nộp đơn tại phòng bảo vệ cơ quan là không đúng quy định về trình tự thủ tục xin từ chức của các bộ. Vì vậy đơn của ông Hải không hợp lệ và không được xem xét, giải quyết. 

"Do đó, để được giải quyết đơn xin từ chức thì ông Hải phải tiến hành nộp đơn cho người đứng đầu cơ quan đang công tác hoặc người đứng đầu cấp trên có thẩm quyền giải quyết đúng theo quy định", luật sư Hùng nhấn mạnh.

Ông Đoàn Ngọc Hải sinh năm 1969, quê huyện Thanh Trì, Hà Nội; trình độ thạc sĩ Chính trị, Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Luật và Cử nhân Xã hội học.

Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí như: chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh (quận 1), phó Trưởng phòng Kinh tế quận 1; bí thư Đảng ủy phường Cầu Ông Lãnh (quận 1); chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 1.

Tháng 3/2016, ông Hải được phân công làm Phó chủ tịch phụ trách mảng đô thị của UBND quận 1. Đến năm 2017, ông được nhiều người biết đến với chiến dịch "lấy lại vỉa hè cho người đi bộ" bằng nhiều đợt dẫn đoàn liên ngành xuống đường xử phạt.

Tuy nhiên, đầu năm 2018, ông Hải bất ngờ gửi đơn xin từ chức vì "không thực hiện được lời hứa trước nhân dân", dù trật tự vỉa hè tại quận 1 có thời gian dài ổn định.

Đến tháng 5/2018, trong đơn gửi Thành ủy, UBND TP HCM và lãnh đạo UBND quận 1, ông Hải bày tỏ nguyện vọng xin rút đơn từ chức. Lí do được ông Hải đưa ra là do đã nhận được nhiều động viên cũng như sự thuyết phục, kì vọng của các cấp lãnh đạo.

Sáu tháng sau, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đã thống nhất giải quyết theo nguyện vọng xin rút đơn từ chức. Theo đó, ông Hải tiếp tục đảm nhiệm chức Phó chủ tịch UBND quận 1.

Ngày 4/6, ông Hải đã nộp đơn xin từ chức chỉ sau vài giờ nhận quyết định điều chuyển công tác về đảm nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn.

Luật cán bộ, công chức:

Điều 30. Xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm

1. Cán bộ có thể xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Không đủ sức khỏe;

b) Không đủ năng lực, uy tín;

c) Theo yêu cầu nhiệm vụ;

d) Vì lí do khác.

2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, căn cứ vào quy định về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ số: 260-QĐ/TW ngày 02/10/2009 có hiệu lực ngày 02/10/2009.

Điều 13. Quy trình xem xét đối với cán bộ xin từ chức thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nơi cán bộ đang công tác

1. Cán bộ xin từ chức có đơn trình bày lí do, nguyện vọng gửi người đứng đầu tập thể lãnh đạo (qua cơ quan tham mưu nơi cán bộ đang công tác).

2. Cơ quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền.

3. Người đứng đầu xem xét, quyết định.

Điều 14. Quy trình xem xét đối với cán bộ xin từ chức thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên

1. Cán bộ có đơn xin từ chức trình bày lí do, nguyện vọng gửi người đứng đầu tập thể lãnh đạo nơi cán bộ đang công tác và cấp trên có thẩm quyền (qua cơ quan tham mưu của cấp trên).

2. Người đứng đầu tập thể lãnh đạo nơi cán bộ đang công tác có ý kiến bằng văn bản gửi cấp có thẩm quyền.

3. Cơ quan tham mưu của cấp trên trình cấp có thẩm quyền.

4. Người đứng đầu cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cán bộ xin từ chức theo khoản 1, khoản 2 Điều 6 được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết nhiệm kì giữ chức vụ.

Điều 19. Thời hạn giải quyết

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi có đủ hồ sơ, thủ tục, người đứng đầu hoặc cấp có thẩm quyền phải xem xét, quyết định việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.