Nữ môi giới BĐS kể về chuyện nghề, kiếm trăm triệu dễ dàng trong giai đoạn sốt đất

Giai đoạn sốt đất Quảng Nam và Đà Nẵng, nhân viên kinh doanh các công ty BĐS hưởng hoa hồng cao, có thể mua đất để xây nhà, sắm ô tô chỉ trong vài tháng.

Nhớ lại quãng thời gian còn làm công ty bất động sản (BĐS) có tiếng ở Đà Nẵng, Tiên (tên nhân vật đã thay đổi), quê Quảng Nam, chia sẻ: Hàng ngày, cứ 7 giờ sáng cùng nhóm chạy từ Đà Nẵng vào dự án ở khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để đón khách, giới thiệu đất.

Theo Tiên, thời điểm năm 2017 bà mới ra trường. Thấy thông tin rao trên các trang việc làm mức lương hấp dẫn 20 triệu đồng/tháng về nhân viên kinh doanh BĐS nên bà nộp.

“Vào nộp mới biết đông khủng khiếp, đủ ngành học, có người không bằng cấp gì công ty vẫn nhận miễn ăn nói khéo, biết sử dụng máy tính”, Tiên nói.

Công ty BĐS Tiên xin việc có trụ sở ở đường 2/9, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Mỗi lần công ty tuyển dụng hơn 100 người để sales dự án ở Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và Đà Nẵng. Cứ khoảng một quý, công ty tuyển lứa mới cũng 100 người. Người vào người ra, nhớ mặt không hết.

“Hồi đó mới ra trường nên được nhận, tôi háo hức lắm! Công việc là gọi điện thoại tư vấn dự án, đăng tải thông tin trên các website mua bán, tìm khách trực tiếp đi xem đất, dự lễ mở bán,… Lương cứng 2 triệu, ngoài ra ăn hoa hồng nếu bán được”, Tiên nhớ lại.

Theo Tiên, thời điểm năm 2017 và 2018, BĐS Quảng Nam và Đà Nẵng sốt, mua bán diễn ra nhanh chóng khi đất còn chưa xong hạ tầng. Người mua chủ yếu ở Hà Nội, TP HCM. Hoa hồng, thưởng nóng từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng. Nhiều nhân viên hưởng hoa hồng rất cao. 

Có nhiều nhân viên tự góp tiền với nhau, mua đất từ công ty rồi bán. Nếu bán giá cao, họ lại chia nhau nên có tiền nhiều hơn.

“Làm vài tháng thì nhân viên công ty tôi khi đó đã mua đất để xây nhà, sắm ô tô là chuyện bình thường. Có người đầu quân công ty khác khi tiền hoa hồng được trích cao hơn công ty cũ. Nếu chức vụ quản lý càng cao ăn hoa hồng từ nhóm kinh doanh dưới do mình quản lý càng nhiều”, Tiên kể.

Nói về mình, Tiên cho biết bà cũng kiếm được hoa hồng nhiều, mua cho mình chiếc xe tay ga, giúp ba mẹ trả nợ vay ngân hàng tiền vay từ thời sinh viên.

Theo Tiên, từ cuối năm 2019, BĐS Quảng Nam và Đà Nẵng đã ảm đạm do không có dự án mới. Hàng trăm người đòi sổ các dự án ở Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc khiến người mua càng mất niềm tin.

Đối với Tiên, cô xin nghỉ, nhảy việc hai ba công ty BĐS khác cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 thì bà nghỉ hẳn, chuyển sang bán hàng online, bán vé máy bay.

Tiên kể, nhiều người cùng công ty bà nghỉ việc BĐS trong năm 2020. Có người tự mở shop quần áo, bán bảo hiểm, chạy Grab, nhân viên văn phòng bán quảng cáo,… Cuộc sống hầu như chật vật.

Một số trường hợp khác cũng nhảy việc, vẫn bám trụ các công ty BĐS vì hoa hồng bán đất cao, xin việc khác lương vài triệu không đủ chi tiêu; một số thì chuyển sang bán đất thổ cư,…

Nói về công việc hiện tại, Tiên chia sẻ, cô đăng tải bán quần áo, vé máy bay qua facebook. Nếu có ai đặt thì tư vấn, báo lại cho chủ xuất hàng, mã vé để ăn phần trăm. Thu nhập thất thường, Tiên chỉ đủ trả tiền phòng, tiền ăn phải chắt chiu, nhiều lúc phải vay mượn.

“Tôi đang tìm việc. Một công việc mới không liên quan nhà đất”, Tiên chia sẻ về kế hoạch sắp tới.

Qua Tiên, chúng tôi biết Thanh, quê ở Đà Nẵng, cũng từng là nhân viên kinh doanh của một công ty BĐS lớn. Đợt dịch bùng phát năm 2020, Thanh bị công ty cho nghỉ việc, ở nhà bán phụ kiện điện thoại, đồ handmade để nuôi con.

Thanh chia sẻ, cô vẫn chưa bỏ hẳn nghề. Hàng ngày, Thanh vẫn lấy thông tin nhà đất bạn bè gửi để đăng bán trên các hội nhóm facebook.

“Giờ mình bán nhà dân, đất thổ cư có sổ. Chơi theo nhóm, hoa hồng ít hơn nhưng chắc”, Thanh nói.

Theo Thanh, thời gian đất Đà Nẵng sốt mấy năm trước, cô cũng may mắn bán được vài lô, hưởng hoa hồng cao. Cha mẹ hai bên cho vay thêm ít tiền nên hai vợ chồng mua miếng đất để ở. Nhìn lại chuyện đã qua, Thanh bảo "mình rất may mắn".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.