Nữ sinh bị nhiễm trùng máu vì thói quen truyền dịch tuỳ tiện

TS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết việc một số người cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền nước (truyền dịch) là quan niệm sai lầm. 

Mắc bệnh nặng từ thói quen không tốt

Mới đây, trên mạng xã hội liên tục chia sẻ câu chuyện của Trần Phương Thảo, 21 tuổi, nữ sinh học ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, bị mắc chứng nhiễm trùng máu, biến chứng nặng và rơi vào tình trạng nguy kịch, khiến mọi người không khỏi bàng hoàng và thương xót.

Một trong những nguyên nhân được các bác sĩ phát hiện là trước đó Thảo đã tự ý đi truyền nước khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi. Khi bệnh nguy kịch, Thảo được điều trị trong khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), giành giật sự sống từng ngày.

Anh Trần Trung Hiếu (25 tuổi, anh trai Thảo) cho biết, anh và gia đình vô cùng sốc kể từ khi biết tin Thảo rơi vào trạng thái hôn mê, bệnh lại biến chứng nhanh chóng và nguy hiểm đến vậy.

“Sáng ngày 12/8, em gái tôi bị ốm, cảm cúm và sốt, vì không muốn đến bệnh viện nên đã tự đi truyền nước dịch vụ bên ngoài với mong muốn chóng khỏe và tiết kiệm thời gian”, anh Hiếu kể.

nu sinh bi nhiem trung mau vi thoi quen truyen dich tuy tien
Trần Phương Thảo những ngày nằm điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.

Về nhà, sức khỏe của Thảo không mấy tiến triển nên gia đình có đưa Thảo vào Bệnh viện E điều trị. Tại đây, sau 2 ngày tích cực điều trị nhưng bệnh tình của Thảo có dấu hiệu ngày một nặng hơn và rơi vào trạng thái hôn mê.

Đến khi gia đình chuyển Thảo sang bệnh viện Bạch Mai thì bác sĩ báo bị nhiễm trùng máu, nghi là sốc vi khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, rối loạn đông máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, suy đa tạng, các cơ quan nội tạng như gan, mật, thận gần như không còn hoạt động, tim cũng không thể tự đập được mà phải nhờ vào máy móc.

Sau khi thăm hỏi gia đình, bác sĩ mới biết Thảo bị ốm và tự ý đi truyền nước dịch vụ bên ngoài. Chính vì lý do này mà các bác sĩ kết luận một phần nguyên nhân bệnh của Thảo là vì sốc đạm.

Kể về căn bệnh quái ác của em gái mình, anh Hiếu cho biết riêng ngày 15/8, tim của Thảo đã ngừng đập 2 lần. Các bác sĩ phải hô hấp nhân tạo, dùng các biện pháp để tim đập lại, khiến gia đình vô cùng lo lắng.

Thời gian đó, Thảo phải lọc máu liên tục 24/24, thực hiện vô số các xét nghiệm ở phòng điều trị đặc biệt. Người nhà cũng cho biết chi phí điều trị mỗi ngày của Thảo lên đến gần 50 triệu đồng, trong đó riêng tiền lọc máu 24/24 hết 14-16 triệu.

Anh Hiếu chia sẻ, những ngày chăm em gái trong khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai, anh mới thấy có rất nhiều trường hợp bệnh nguy kịch như em gái mình mà nguyên nhân cũng do đi truyền nước bên ngoài.

“Từ khi em gái đổ bệnh, mọi người vào thăm hỏi, gặp ai tôi cũng phải cảnh báo mọi người không nên tự ý đi truyền nước dịch vụ bên ngoài. Không phải trường hợp nào truyền nước bên ngoài cũng gặp nguy hiểm, nhưng không may mắn thì không nói trước được điều gì. Em tôi là một ví dụ đáng thương trong trường hợp này”, anh Hiếu nói.

Hiện tại, tình trạng của Thảo đã có chuyển biến tích cực, em đã qua cơn nguy kịch và có thể nói chuyện được với gia đình. “Tuy nhiên thận của Thảo vẫn chưa hoạt động được, hiện gia đình tôi đã đưa Thảo sang viện E để chạy thận”, anh Hiếu cho biết thêm.

Cẩn trọng khi truyền nước để điều trị bệnh

Theo bác sĩ Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Trần Phương Thảo bị nhiễm trùng máu. Vị bác sĩ này cũng cho biết, nhiễm trùng máu là một trong những hội chứng lâm sàng nguy hiểm, có nguyên nhân bắt nguồn từ sự xâm nhập vào máu bởi các vi sinh vật.

Biểu hiện của bệnh là một loạt các triệu chứng như sốt, rét run, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở và ý thức. Đặc biệt là khi chúng giải phóng ra các loại độc tố sẽ dẫn đến tình trạng sốc nhiễm khuẩn mà biểu hiện rõ nhất là tụt huyết áp, suy đa tạng, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn và ý thức nặng. Giai đoạn này bệnh trở nên rất nặng vì vậy mà có những trường hợp được điều trị tích cực, kháng sinh phù hợp nhưng bệnh nhân vẫn tử vong do sốc nhiễm trùng.

nu sinh bi nhiem trung mau vi thoi quen truyen dich tuy tien
TS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) .

Hiện nay tại các bệnh viện, các trường hợp phát bệnh nặng hơn do tự ý truyền dịch sai cách, sai phương pháp, không đúng bệnh không phải là hiếm. Đã có rất nhiều trường hợp phải trả giá đắt vì sự thiếu hiểu biết của mình.

Trao đổi về việc này, TS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, việc một số người cứ thấy sốt, mệt mỏi lập tức nghĩ đến truyền dịch là quan niệm sai lầm.

Nói rõ hơn về điều này, ông cho biết: “Sốt, mệt chỉ là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh khác nhau. Khi bác sĩ quyết định việc truyền dịch cho bệnh nhân sẽ phải xác định được biểu hiện mệt, sốt là do bệnh gì, bệnh ấy có cần phải truyền dịch không. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ cân nhắc truyền như thế nào cho an toàn, chứ không thể truyền bừa bãi”.

Hiện nay, tại một số cơ sở y tế vẫn diễn ra tình trạng lạm dụng việc truyền dịch. Có trường hợp, việc truyền dịch diễn ra khi nhân viên y tế “chiều” theo ý “khách hàng”, tức là người bệnh yêu cầu được truyền dịch cho nhanh hồi phục sức khỏe mặc dù chưa thực sự cần thiết.

BS Nguyễn Trung Cấp phân tích: “Việc lạm dụng truyền dịch vừa gây tốn kém chi phí, vừa gây hại cho sức khỏe. Người bệnh có thể bị sốc dịch truyền trong quá trình truyền dịch. Thực tế, đã có trường hợp tử vong do bị sốc dịch truyền”.

Do vậy, BS Cấp lưu ý, người bệnh không nên tự ý đi truyền dịch, đặc biệt với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh: “Khi cơ thể bị mất nước, việc bổ sung nước là rất cần thiết và “lý tưởng” nhất là theo đường uống. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh bị mất nước nặng mà không thể uống nước bổ sung, cần phải tiến hành truyền dịch.

Việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ, đồng thời phải tuân thủ theo các quy định như: Loại nước truyền, số lượng, thời gian và tốc độ truyền và dụng cụ truyền phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối. Ngoài ra, nơi truyền dịch phải có các trang thiết bị để xử lý kịp thời trong trường hợp có sự cố xảy ra”.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.