Sau khi học điện lạnh tại Đông Đức, năm 1982, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ree Corp, quyết định về nước và đầu quân vào công ty cũ kĩ, lạc hậu nhưng đúng với chuyên ngành.
"Công ty ghi chuyên làm các thiết bị đông lạnh nhưng khi về, vào đến nhà kho thì tôi thấy mọi thứ đều gỉ sét". Bà Nguyễn Thị Mai Thanh chia sẻ về những ngày đầu tiên trở về Việt Nam đầu quân vào REE, tại chương trình Women's Summit 2019, với chủ đề "Những người tạo thay đổi" do Forbes Việt Nam vừa tổ chức.
Hơn 30 năm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Công ty CP Cơ điện lạnh REE, nữ tướng của REE - bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết đó là cả một quá trình doanh nghiệp không ngừng thay đổi và cải tiến.
Kể cả chính bản thân bà, người giữ vị trí lãnh đạo suốt vài chục năm qua, cũng phải không ngừng thay đổi, cải tiến, để doanh nghiệp không phải lặp lại những lối mòn, mà bà Thanh cho rằng đó là sự nhàm chán.
Giữ vai trò lãnh đạo công ty điện lạnh REE hơn 30 năm, bà Mai Thanh cho rằng phải luôn cải tiến để doanh nghiệp không phải lặp lại những lối mòn. (Ảnh: Forbes Việt Nam).
"Năm 1982, sau khi học điện lạnh ở Đông Đức về, thấy công ty ghi chuyên làm về các thiết bị đông lạnh nhưng khi vào đến nhà kho thì tôi thấy mọi thứ đều gỉ sét. Nhưng tôi cho rằng đây là nơi 'phù hợp' để mình phải thay đổi bằng những gì đã học được", bà Thanh kể về những ngày đầu tiên làm việc tại REE.
Trong những năm này, bà cho hay công ty phải tận dụng máy móc "secon-hand" để xây dựng nhà máy nước đá cung cấp cho các tàu cá. Và việc sử dụng những loại máy móc cũ kĩ này kéo dài khoảng 10 năm, trước thời điểm năm 1986.
Sau khi làm việc tại REE 3 năm, đến năm 1985, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, khi ấy 33 tuổi bất ngờ được được chọn làm người kế vị REE. Đó cũng là lúc doanh nghiệp điện lạnh bắt đầu thay đổi mạnh mẽ.
Nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết thời điểm bà tiếp quản REE cũng là lúc đất nước mở cửa, nhận được đầu tư từ nước ngoài. REE thời gian này dưới sự lãnh đạo của bà đã hồ hởi tiếp nhận cái mới, đã được "thở" với những làn gió mới để đưa doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, lạc hậu về máy móc, kĩ thuật của giai đoạn trước.
"10 năm tiếp theo, chúng tôi đã phát triển REE gồm nhiều lĩnh vực hơn, chứ không đơn thuần chỉ là điện lạnh. Hiện REE gồm 3 lĩnh vực chính là điện lạnh, bất động sản, cơ sở hạ tầng điện và nước sạch. Tuy nhiên, nhiều lúc tôi vẫn thấy công ty mình cũ kĩ quá. Câu tôi thường nói với nhân viên của mình: Này các bạn, các bạn làm gì mới đi chứ, cứ cũ hoài sao", nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh nói về cách lãnh đạo của mình tại REE trong hơn 30 năm.
Theo bà Thanh, việc cải cách có thể đến từ những việc đơn giản, như nâng cấp hoạt động, quản lí của doanh nghiệp lên thêm một bước so với việc quản lí truyền thống trước đây.
"Mình chỉ có thể thay đổi thật nhanh khi nhìn lại vị trí mình hay công ty đã đạt được. Nếu đã có một số thành tựu thì lại phải càng cố gắng hơn để thay đổi thật nhanh", Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE Corp khẳng định.
Dù khẳng định không ngừng thay đổi, cải cách ở vị trí lãnh đạo chủ chốt suốt hơn 30 năm để không bị cũ, nhưng bà Nguyễn Thị Mai Thanh vẫn cho rằng bản thân và công ty vẫn không thể sánh với những người trẻ, những start-up công nghệ hiện nay.
Trong khi đó, bà Hà Thu Thanh, thường được biết đến với tên gọi Madam Thanh - người đã 20 năm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, lại cho rằng người phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt càng lâu thì phải càng cởi mở để không phải trong tình cảnh "sau bao năm không có gì khác cả".
Madam Deloitte Hà Thu Thanh cho rằng hình mẫu một người lãnh đạo bà theo đuổi đó là mẹ của mình, hết lòng vì cơ quan và gia đình. (Ảnh: Forbes Việt Nam).
Bà cũng tiết lộ hình mẫu lãnh đạo luôn theo đuổi trong những năm qua chính là từ mẹ. Trước năm 1975, mẹ bà là kế toán trưởng tại một sở ở Hà Nội. Một mình mẹ đã nuôi 5 chị em Madam Thanh ăn học.
"Tôi muốn trở thành một người lãnh đạo như mẹ, vừa chu toàn công việc cơ quan, vừa đảm đang công việc gia đình, nuôi 5 đứa con. Đó cũng là cách tôi lãnh đạo Deloitte suốt những năm qua", Madam Thanh chia sẻ.
Bà Hà Thu Thanh gắn bó với Deloitte từ năm 1992, với 20 năm lãnh đạo, Chủ tịch doanh nghiệp này cho biết việc tư vấn chiến lược mỗi ngày cần phải mới, nếu không nỗ lực thay đổi thì bao nhiêu năm cũng không có gì khác cả.
Chính vì gắn bó đã quá lâu, Madam Hà Thu Thanh cho rằng khi quá quen với một tổ chức thì cảm xúc của người phụ nữ thỉnh thoảng sẽ rơi vào trạng thái ngại sự thay đổi.
"Thực ra, tổ chức cũng ngại nói câu: Sao mình làm thủ lĩnh quá lâu. Bản thân mình phải cần biết những điều này để còn thay đổi. Tôi cho rằng càng làm lãnh đạo lâu thì càng phải có tư duy cởi mở. Dù làm 30 năm, 20 năm thì người lãnh đạo phải luôn luôn tìm kiếm sự thay đổi", Madam Thanh nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về vai trò của phụ nữ ở vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, bà Hà Thu Thanh cho rằng nếu như đàn ông có sức bật thì phụ nữ có sức bền. Lãnh đạo Deloitte cho rằng phụ nữ cũng giống như dòng nước, bền bỉ và biến hoá trong việc giải quyết công việc và quản lí.
"Tuy có thể bị tác động về văn hoá, về định kiến nhưng giới tính, nó sẽ không có bất kì cản trở nếu chính người phụ nữ không nói rằng: 'Tôi là phụ nữ nên tôi không thể làm được một điều gì đó như đàn ông", Madam Hà Thu Thanh khẳng định.