Theo thông tin từ hội thảo quốc tế "Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP HCM giai đoạn 2021-2035", thực tế dân số TP HCM khoảng 13 triệu người. Và bình quân mỗi năm TP HCM gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm khoảng 1 triệu người dẫn đến áp lực về nhà ở rất lớn.
Biểu đồ tăng giá căn hộ ở TP HCM. Ảnh: DKRA. Đồ họa: Minh Toàn.
Khảo sát của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy hiện có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 25% tổng số hộ gia đình.
Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở, có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; có 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội (chiếm tỉ lệ 65% - 94% đối tượng khảo sát); có hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư.
Và hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền (loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới một tỉ đồng/căn), hoặc thuê mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm, hoặc thuê nhà giá rẻ.
Tuy nhiên, liên quan đến giá nhà, DKRA Việt Nam cũng vừa có báo cáo diễn biến giá bán căn hộ tại thị trường TP HCM giai đoạn 2015-2019. Theo báo cáo này, giá các phân khúc chung cư cao cấp (hạng A), trung cấp (hạng B) và bình dân (hạng C) đồng loạt biến động mạnh. Trong chu kì 5 năm, giá căn hộ hạng A, B và C đã tăng bình quân trên 50%.
Theo một phân tích của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), giá nhà cao gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân (trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ này là 5-7 lần) là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều người gặp khó khăn trong việc tạo lập ngôi nhà của mình.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho hay: Một trong những nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là có cơ chế chính sách để hỗ trợ cho những người yếu thế trong xã hội đang có nhu cầu tiếp cận nhà ở.
Theo ông Châu, có hai nhóm đối tượng tiếp cận đối với nhà ở đó là những người có một phần khả năng tài chính để mua nhà và những người không đủ một phần tài chính để mua nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM.
Đối với nhóm người thứ nhất thì đã có chính sách bán nhà trả góp tức là chính sách hỗ trợ tín dụng cho những người có một phần điều kiện tài chính.
Còn nhóm thứ hai gồm những người nhập cư không có mục tiêu gắn bó lâu dài với thành phố (nên nhu cầu thuê là lớn nhất và đó là lý do phòng trọ ở TP HCM rất sôi động) và những người thu nhập thấp ở đô thi (bao gồm cả cán bộ công chức, viên chức, sinh viên… thuộc các thành phần kinh tế).
Đối với nhóm những người không có đủ cả nguồn lực tài chính ban đầu (thu nhập thấp, không có đủ khoảng 30% hợp đồng mua nhà) thì Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở xã hội cho thuê, khuyến khích doanh nghiệp phát triển thị trường nhà ở cho thuê.
Khi đề cập đến con số gần nửa triệu hộ gia đình không có nhà ở tại TP HCM, ông Lê Hoàng Châu cho rằng: "Vấn đề hiện nay là cung cầu đang mất cân đối: Thiếu cung. Vấn đề lớn nhất trong thiếu cung lại là thiếu cung nhà ở vừa túi tiền, thiếu cung nhà ở xã hội. Trong khi đó nguồn cung này mới giải quyết thực sự nhu cầu nhà ở của đa số trong xã hội.
Nguyên nhân nằm ở chỗ thực thi pháp luật, bắt nguồn sâu xa là chồng chéo, không có tính hệ thống, từ đó dẫn đến việc hiểu và thực thi pháp luật không được đầy đủ khiến ách tắc trong việc xử lý các thủ tục cho các dự án. Mà không có dự án ra đời thì không có sản phẩm nhà ở".
Ngoài ra, theo ông Châu, các doanh nghiệp bất động sản phải ý thức và chuyển hướng mạnh trong tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc lại nguồn vốn đầu tư và cơ cấu sản phẩm của mình để chuyển hướng qua làm nhà ở vừa túi tiền, trong đó tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Các dự án nhà ở vừa túi tiền đang có nhu cầu rất lớn và tính thanh khoản cao, an toàn.
Còn nhu cầu đầu tư, ông Châu cho rằng vẫn cần phải chú ý nhưng nhà nước cần kiểm soát để tránh lệch pha cung - cầu dẫn đến các vướng mắc về bất động sản sau này.
Tại hội thảo, báo PLO dẫn lời ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng: "Việc phát triển nhà ở còn thiếu nhiều nguồn vốn, TP cần rà soát kế hoạch sử dụng đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội (nhà ở xã hội) và quan tâm đến công tác cải cách hành chính".
Tờ báo này cũng trích dẫn ý kiến có giá trị của một số chuyên gia khác.
Cụ thể, GS Yap Kioe Sheng thuộc Viện Công nghệ châu Á (AIT) cho biết: "Kinh nghiệm ở các nước cho thấy rất khó có loại hình nhà ở nào phù hợp nhu cầu cho mọi người. Để giải quyết bài toán nhà ở, chúng ta cần đa dạng các loại hình nhà ở. Trong đó cần phát triển nhà ở xã hội - nhà cho người thu nhập thấp để cạnh tranh cả với các khu "ổ chuột" tồn tại trong nhiều TP".
GS Yap Kioe Sheng cho rằng muốn thực hiện các chương trình nhà ở giá rẻ, TP cần sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp tư nhân, cơ quan nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận.
TS Bernadette Pinnel, Tổng giám đốc Compass Housing New Zealand nêu thực tế tại New Zealand về việc phát triển mô hình nhà ở xã hội. Trong đó có việc phát triển loại hình nhà ở cho một gia đình nhiều thế hệ ở chung (đặc biệt với các dân tộc thiểu số, người da đỏ có nhu cầu).
"Hoặc các công ty công nghệ lớn như Amazon, Google khi họ vào đất nước nào đó đầu tư thì công ty đó phải chịu trách nhiệm lo nhà ở cho công nhân, nhân viên của họ. Ngoài ra, để đa dạng hình thức thanh toán, mô hình cổ phần nhà cũng được đưa ra để hỗ trợ người dân (người mua nhà trả một phần trước, phần còn lại là cổ phần của nhà đầu tư, người mua phải trả cổ tức cho cổ phần đó đến khi nào chi trả xong tiền mua nhà)", TS Bernadette Pinnel chia sẻ.
Ông David Koh, Chủ tịch Hội đồng trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng Việt Nam, nêu kinh nghiệm của Singapore khi vào năm 1959, TP này còn nhiều khu "ổ chuột". Chính phủ nước này đã phát triển nhà ở nhắm vào người có thu nhập thấp với định mức rõ ràng là thu nhập bao nhiêu một tháng thì được mua nhà ở xã hội.
"Để phát triển mô hình này, chính phủ Singapore cho người mua nhà ở xã hội vay với lãi suất thấp. Tôi thấy ở Việt Nam, phát triển nhà ở nên tập trung vào đối tượng người có thu nhập thấp chứ không phải những tòa nhà cao cấp chọc trời liên tiếp được mọc lên", ông David Koh nói.