Vĩnh Phúc: Thu hồi 253,8 ha đất của 151 công trình, dự án đã quá ba năm chưa triển khai thực hiện

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã chấp thuận thu hồi đất của 155 công trình, dự án gồm 151 dự án (diện tích 253,8 ha) đã quá 3 năm chưa triển khai thực hiện và 4 dự án (diện tích 375,9 ha) không thuộc tính chất là khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới.

Theo thông tin từ Vĩnh Phúc, HĐND tỉnh này mới đây đã chấp thuận thu hồi 633,86 ha đất để thực hiện 187 công trình, dự án. 

vinh-phuc-bat-ngo-thu-hoi-du-an-ngan-ty-tai-vinh-tuong-2

Ảnh minh hoạ: Báo Vĩnh Phúc.

Trong số 9 huyện, thành phố, huyện Sông Lô có nhiều dự án được chấp thuận thu hồi đất nhất, với 66 dự án, diện tích 78,96 ha. Tiếp đến là huyện Vĩnh Tường có 22 dự án với tổng diện tích 116,05 ha; huyện Yên Lạc có 23 dự án với tổng diện tích 35,2 ha. Hai huyện có số dự án được chấp thuận thu hồi đất ít nhất là huyện Tam Dương và huyện Tam Đảo đều có 9 dự án với diện tích lần lượt là 52,4 ha và 24 ha.

Cùng với chấp thuận thu hồi đất để triển khai 187 công trình, dự án, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Nghị quyết về việc chấp thuận thu hồi đất để thực hiện các công trình dự án (bổ sung) năm 2019 trên địa bàn tỉnh và thu hồi lại danh mục một số công trình, dự án đã được HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi nhưng đến nay đã quá ba năm chưa triển khai thực hiện.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thu hồi đất của 155 công trình, dự án, tổng diện tích 611,8 ha trong danh mục. Trong đó có 151 dự án, diện tích 253,8 ha đã quá 3 năm chưa triển khai thực hiện; 4 dự án, diện tích 375,9 ha không thuộc tính chất là khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới. 

Điều đáng nói là cả 151 dự án đã được HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất nhưng quá 3 năm chưa triển khai đều thuộc huyện Bình Xuyên.

Liên quan đến việc các dự án chậm triển khai, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã có thống kê: Đến tháng 7/2019, toàn tỉnh này có 73 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị với tổng diện tích trên 2.708 ha.

Tuy nhiên, trong số trên có đến 44 dự án đang triển khai chậm tiến độ và chưa có dự án đầu tư hoàn chỉnh đạt 100% cả về qui mô, tiến độ theo chấp thuận đầu tư. 

Đáng chú ý, trong số 44 dự án chậm tiến độ, có 20 dự án đã hết hạn đầu tư, chủ đầu tư chưa làm hồ sơ xin gia hạn đầu tư  như dự án khu đô thị mới chùa Hà Tiên, dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, dự án khu nhà ở đô thị Quảng Lợi, khu trung tâm văn hóa, thể thao và giải trí Vĩnh Phúc, khu nhà ở đô thị khu dân cư số 3, khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc, khu trung tâm thương mại Vĩnh Phúc, khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải, khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu...

image003

Phối cảnh một phần dự án khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc. (Ảnh: Công ty Sông Hồng Thủ Đô).

Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân chậm tiến độ là nhiều dự án đã thực hiện việc thu hồi đất từ những năm 2003, 2004 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng; nhiều vị trí trong phạm vi dự án có một số tổ chức, cá nhân đã xây dựng công trình kiên cố lấn chiếm, không phép. 

Ngoài ra còn có các nguyên nhân như hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực nhà ở, đô thị, đầu tư, đất đai, đấu thầu...chưa có sự thống nhất, đồng bộ, thường xuyên thay đổi; công tác quản lý qui hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, kiểm tra, thanh tra, xử lí các vi phạm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn chưa kiên quyết, thường xuyên; các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo thiết kế, qui hoạch.

Với những vấn đề đã được chỉ ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu Sở Xây dựng tỉnh này tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án phát triển đô thị tại các khu vực lõi đô thị Vĩnh Phúc là TP Vĩnh Yên, TP Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Tam Dương. 

Riêng đối với các dự án hết hạn đầu tư, chậm tiến độ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục xin phép gia hạn đầu tư dự án trong quý III/2019 và có cam kết rõ ràng các mốc thời gian thực hiện dự án. 

Trong trường hợp các chủ đầu tư vi phạm cam kết, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sẽ xử lí theo qui định. 

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.