Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc vừa có thông kê: Đến tháng 7/2019, toàn tỉnh này có 73 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị với tổng diện tích trên 2.708 ha.
Tuy nhiên, trong số trên có đến 44 dự án đang triển khai chậm tiến độ và chưa có dự án đầu tư hoàn chỉnh đạt 100% cả về qui mô, tiến độ theo chấp thuận đầu tư.
Phối cảnh một phần dự án khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc. (Ảnh: Công ty Sông Hồng Thủ Đô).
Đáng chú ý, trong số 44 dự án chậm tiến độ, có 20 dự án đã hết hạn đầu tư, chủ đầu tư chưa làm hồ sơ xin gia hạn đầu tư như dự án khu đô thị mới chùa Hà Tiên, dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai, dự án khu nhà ở đô thị Quảng Lợi, khu trung tâm văn hóa, thể thao và giải trí Vĩnh Phúc, khu nhà ở đô thị khu dân cư số 3, khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc, khu trung tâm thương mại Vĩnh Phúc, khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải, khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu...
Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân chậm tiến độ là nhiều dự án đã thực hiện việc thu hồi đất từ những năm 2003, 2004 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng; nhiều vị trí trong phạm vi dự án có một số tổ chức, cá nhân đã xây dựng công trình kiên cố lấn chiếm, không phép.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân như hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực nhà ở, đô thị, đầu tư, đất đai, đấu thầu...chưa có sự thống nhất, đồng bộ, thường xuyên thay đổi; công tác quản lý qui hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, kiểm tra, thanh tra, xử lí các vi phạm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn chưa kiên quyết, thường xuyên; các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo thiết kế, qui hoạch.
Với những vấn đề đã được chỉ ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu Sở Xây dựng Vĩnh Phúc tập trung hoàn thành qui hoạch các phân khu và qui hoạch chi tiết xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, trong đó, xác định rõ lộ trình ưu tiên đầu tư xây dựng trung và dài hạn, tạo bước đột phá về xây dựng hạ tầng khung đô thị.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Sở Xây dựng tỉnh này tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án phát triển đô thị tại các khu vực lõi đô thị Vĩnh Phúc là TP Vĩnh Yên, TP Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Tam Dương. Các cấp, các ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình phê duyệt, công bố hồ sơ các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh; rà soát các dự án đô thị, nhà ở xin đầu tư mới.
Riêng đối với các dự án hết hạn đầu tư, chậm tiến độ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục xin phép gia hạn đầu tư dự án trong quý III/2019 và có cam kết rõ ràng các mốc thời gian thực hiện dự án.
Trong trường hợp các chủ đầu tư vi phạm cam kết, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sẽ xử lí theo qui định.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Sở TN&MT Vĩnh Phúc không thực hiện thủ tục cấp và chuyển nhượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất danh sách các chủ đầu tư không giao đầu tư tại các dự án khác trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan này đã yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu, thực hiện thu hồi đối với hai dự án.
Cụ thể, hai dự án đó là khu đô thị mới Núi Bầu – khu vực 2 (diện tích 29,3 ha, tại các phường Liên Bảo, Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên do Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Xuân Tiến Hòa Bình làm chủ đầu tư) và khu nhà ở Hoàng Vương (diện tích 14,42 ha, tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên do Công ty cổ phần đầu tư số 1 làm chủ đầu tư).
Theo thống kê, trước đó, tháng 3/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thu hồi hơn 4 triệu m2 đất do Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Phát triển nông nghiệp VinEco Tam Đảo không còn nhu cầu sử dụng và đã bàn giao lại cho các địa phương.
Đến tháng 6/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc bãi bỏ quyết định giao chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Chấn Hưng, Vĩnh Tường đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Ngày 2/7/2019, UBND tỉnh này tiếp tục ban hành văn bản bãi bỏ quyết định giao chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tam Dương II (Khu B) cũng do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Hai dự án này có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỉ đồng.
Đối với việc thu hồi đất, xử lí đối với các công trình, dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Sở TN&MT tỉnh này làm việc cụ thể với các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ nhằm nắm rõ các nguyên nhân chậm tiến độ để có phương hướng xử lí phù hợp.
Riêng đối với các dự án phát triển đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc được giao rà soát, đề xuất các phương án xử lí, khắc phục các tồn tại, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án hết hạn đầu tư, các dự án chậm tiến độ, các dự án được giao đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai đầu tư xây dựng theo chấp thuận đầu tư.
Dự án Khu công nghiệp Chấn Hưng có tiền thân là Cụm công nghiệp Chấn Hưng, được UBND tỉnh ra chủ trương từ năm 2002, có qui mô 129,75 ha, tổng vốn đầu tư 1.378 tỉ đồng. Trải qua 17 năm và sau ba lần thay đổi chủ đầu tư là các đơn vị: Công ty TNHH Tây Hồ Vĩnh Phúc, Tổng công ty Thủy Tinh và Gốm xây dựng (Bộ Xây dựng), Tổng Công ty Viglacera - Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam, ngày 6/9/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định giao Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư dự án nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành.
Dự án khu công nghiệp Tam Dương II (khu B) có tổng mức đầu tư 2.310 tỉ đồng. Đây là một trong 18 khu khu công nghiệp của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qui hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Dự án này có qui mô 185,6 ha, nằm trên địa bàn hai huyện Tam Dương và Tam Đảo.
Theo thông tin từ UBND tỉnh, Dự án khu công nghiệp Chấn Hưng và dự án khu công nghiệp Tam Dương II (Khu B) chưa chậm tiến độ và chưa hết thời hạn theo Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp nhưng hạ tầng cơ bản của hai khu công nghiệp này vẫn chưa được triển khai và đều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng đã có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động của dự án và nhiều năm qua, cử tri và nhân dân các huyện bị mất đất cho hai khu công nghiệp nói trên đã nhiều lần kiến nghị thu hồi lại giấy chứng nhận đầu tư để người dân yên tâm sản xuất.
Nhà đất 11:25 | 04/05/2020
Đô thị 11:24 | 17/04/2020
Đô thị 15:22 | 11/01/2020
Du lịch 16:53 | 25/12/2019
Đô thị 16:02 | 10/12/2019
Nhà đất 18:29 | 30/09/2019
Nhà đất 14:02 | 18/09/2019
Nhà đất 15:23 | 10/09/2019