Vì sao Vĩnh Phúc đề nghị không sáp nhập thị trấn Tam Đảo

Mặc dù trong diện phải sắp xếp, song tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ cho phép được giữ nguyên thị trấn Tam Đảo như hiện nay.

Bộ Nội vụ vừa tổ chức Hội đồng thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021; thành lập thị trấn thuộc huyện Tam Đảo và huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc Bùi Thị Thu Hằng cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, không có đơn vị nào chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số nên không thực hiện sắp xếp.

Vĩnh Phúc có 137 đơn vị cấp xã, trong đó có 3 đơn vị không đạt 50% trở lên cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định là xã Tân Cương, Phú Thịnh thuộc huyện Vĩnh Tường; và thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo. Như vậy, tỉnh Vĩnh Phúc có 3 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

avatar_1575968462149

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thông tin tại hội nghị

Trên cơ sở đó, tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất sắp xếp, sáp nhập xã Phú Thịnh và xã Tân Cương để thành lập xã Tân Phú. Đối với thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị giữ nguyên hiện trạng thị trấn như hiện nay, không thực hiện sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2019-2021.

Lý do được Vĩnh Phúc đưa ra, Tam Đảo là thị trấn miền núi nằm ở độ cao trên 900 mét so với mực nước biển và nằm biệt lập trên đỉnh núi, không tiếp giáp với các ĐVHC khác trong huyện.

Tam Đảo lại có vị trí quan trọng quốc phòng an ninh, trong 261 ha diện tích tự nhiên, có 166 ha đất rừng phòng hộ. Là địa phương gắn liền với lịch sử cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã an toàn khu của Trung ương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Lý do khác, theo tỉnh Vĩnh Phúc, đây là khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng, kể từ khi thành lập năm 1967, thị trấn Tam Đảo luôn là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và văn hóa trên địa bàn.

Bên cạnh việc sắp xếp, sáp nhập 2 xã, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị thành lập thị trấn Hợp Châu trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Hợp Châu; thành lập thị trấn Đại Đình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Đại Đình thuộc huyện Tam Đảo.

Cùng với đó, thành lập thị trấn Bá Hiến trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Bá Hiến và thị trấn Đạo Đức trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Đạo Đức thuộc huyện Bình Xuyên. Các thị trấn mới được thành lập đều đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Thẩm định Đề án, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc xác định rõ số lượng từng chức danh của người dôi dư sau sắp xếp, xác định rõ lộ trình, phương án sắp xếp cụ thể hơn để đảm bảo sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thực hiện được ngay.

Đối với đề nghị của Vĩnh Phúc, Hội đồng thẩm định tán thành việc giữ nguyên hiện trạng thị trấn Tam Đảo như hiện nhưng đề nghị tỉnh giải trình thuyết phục hơn. Đồng thời, đề nghị Vĩnh Phúc cần xác định rõ trụ sở làm việc của xã Tân Phú và có phương án sử dụng hợp lý, đúng quy định tài sản công sau sắp xếp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho biết, tỉnh đề xuất chưa thực hiện sắp xếp thị trấn Tam Đảo vì thị trấn Tam Đảo là thị trấn miền núi, nằm biệt lập trên đỉnh núi, không tiếp giáp với các ĐVHC khác trong huyện; đồng thời có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh…

Còn việc sắp xếp, sáp nhập xã Phú Thịnh và xã Tân Cương để thành lập xã Tân Phú nhưng chưa đủ điều kiện về diện tích tự nhiên theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Giang, không thể sáp nhập thêm xã liền kề vì có sự khác biệt về truyền thống văn hóa, lịch sử; nếu sáp nhập thêm sẽ gây khó khăn trong đầu tư, quy hoạch, phát triển kinh tế cho huyện, lãng phí về cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến giao dịch hành chính giữa người dân và chính quyền địa phương.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Vụ Chính quyền địa phương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, bổ sung làm rõ phương án, lộ trình sắp xếp đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư và hoàn thành trong năm 2021; xây dựng phương án cụ thể trong việc bố trí công an chính quy và trụ sở làm việc của công an để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Vĩnh Phúc.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.