Tiến sĩ Deborah MacNamara - tác giả của quyển “Rest, Play, Grow: Making sense of Preschoolers”, nằm trong top những cuốn sách bán chạy nhất, hiện là giảng viên của Neufeld Institude đã chia sẻ với các bậc phụ huynh về nỗi sợ và nỗi lo lắng của trẻ ở từng giai đoạn độ tuổi. Chia sẻ được đăng trên trang Macnamara.
0-6 tháng
Trẻ 0-6 tháng tuổi sợ những âm thanh, tiếng ồn lớn xuất hiện đột ngột. |
Ở độ tuổi này, điều làm trẻ sợ nhất là những âm thanh, tiếng ồn lớn xuất hiện đột ngột mà trẻ không hề trông đợi hoặc chưa chuẩn bị tâm lý để đón nhận. Không được nhìn thấy, nghe thấy hay được sờ chạm và giao tiếp với bố mẹ, ông bà, người thân cũng dẫn đến nỗi sợ cho trẻ bởi một phần não bộ chịu trách nhiệm cho hằng định đối tượng (object permanence) chưa được phát triển đầy đủ. Hằng định đối tượng là sự nhận biết các đối tượng tồn tại ngay cả khi trẻ không thể quan sát, nghe thấy, sờ thấy, ngửi hoặc cảm nhận.
7-12 tháng
Trẻ 7-12 tháng tuổi bắt đầu biết sợ người lạ. |
Trẻ ở giai đoạn này có dấu hiệu hiểu biết về những đối tượng vĩnh cửu và mối quan hệ nhân quả. Chúng nhận ra rằng người lớn có thể quay lại và chúng hiểu rằng hành động của chúng có thể ảnh hưởng đến người khác. Ví dụ, khi trẻ khóc, sẽ có ai đó đến bế trẻ lên. Trẻ 7-12 tháng tuổi thường xuyên có những biểu hiện phản đối người lạ. Điều này chứng tỏ não bộ của trẻ đã phát triển đầy đủ để có biểu hiện bám chặt lấy một người (thông thường là người chăm trẻ và gần gũi trẻ nhất). Trẻ bắt đầu biểu thị sự xấu hổ, nhút nhát khi tiếp xúc với người lạ. Đây cũng là dấu hiệu trẻ thể hiện mong muốn được ở gần những người thường xuyên chăm sóc, tiếp xúc với trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ vẫn sợ những âm thanh, tiếng ồn và vật thể bất ngờ xuất hiện.
1 tuổi
Trẻ 1 tuổi sợ nhất bị tách rời bố mẹ. |
Khi 1 tuổi, điều trẻ sợ nhất là bị tách rời khỏi bố mẹ. Nỗi sợ này kéo dài xuyên suốt đến khi trẻ 6 tuổi. Trẻ nhỏ vẫn phụ thuộc vào bố mẹ, ông bà, người nuôi dưỡng, thế nên trẻ sẽ hoảng hốt nếu bị tách khỏi những người này. Trẻ cũng sợ hãi khi bị đau và vẫn sợ những âm thanh lớn, kể cả tiếng xả nước của toilet.
2 tuổi
Từ 2 tuổi trở đi, trẻ bắt đầu biết sợ bóng tối. |
Trẻ ở độ tuổi này thể hiện nỗi sợ trước các con vật cũng như những đồ vật lớn. Trẻ sợ bởi đồ dùng của trẻ có kích cỡ nhỏ hơn và trẻ cũng chưa hiểu hết về các đồ vật xung quanh. Trẻ còn sợ những căn phòng tối. Thế nên việc tách trẻ khỏi mẹ hoặc người thân vào buổi tối thực sự là một thử thách. Đây là lý do tại sao cứ đến tối trẻ lại cần mẹ. Trẻ 2 tuổi thường không cảm thấy thoải mái với sự thay đổi thường xuyên về cấu trúc hoặc cách sắp xếp đồ vật trong môi trường sống của chúng.
3-4 tuổi
3-4 tuổi, trẻ sợ những con quái vật xuất hiện trong giấc mơ. |
Cùng với sự phát triển não bộ, khả năng tưởng tượng về những điều xấu có thể xảy ra với trẻ hoặc người khác tăng lên. Những giấc mơ của trẻ trở nên sinh động hơn với những con quái vật xuất hiện cũng như những thứ đáng sợ khác. Trẻ có thể sợ con vật, mặt nạ, bóng tối, và cần được trấn an khi lo lắng giữa đêm khuya. Trẻ ở độ tuổi này bắt đầu muốn tách rời khỏi bố mẹ bởi chúng muốn tự khẳng định mình hơn. Bố mẹ sẽ thường xuyên nghe thấy con nói những câu như: “Con sẽ tự làm” hoặc “Không, để con tự làm”.
5-6 tuổi
Đôi khi ông già Noel khiến trẻ sợ phát khiếp vì chúng cho rằng đó là "người xấu" |
Giai đoạn này, trẻ sợ những nỗi đau về cơ thể và “người xấu”. Cách trẻ chơi có thể phản ánh được những nỗi sợ của chúng thông qua việc chúng tưởng tượng về những chuyện xấu sẽ xảy ra, những điều không có trong thực tế. Chúng có thể tưởng tượng và sợ hãi những con ma, phù thủy hoặc trở thành nhân vật siêu nhiên. Sấm chớp và những vệt sáng cũng có thể khiến trẻ sợ hãi. Ngủ hoặc ở một mình cũng có thể được khuyến khích để chúng thể hiện sự độc lập của mình vào giai đoạn cuối của tuổi này.
7-8 tuổi
Bị bỏ lại một mình và lạc giữa đám đông là nỗi sợ lớn nhất ở trẻ độ tuổi này, thậm chí ngay cả khi trẻ tự chơi một mình được. Trẻ có thể nói chuyện về cái chết và lo lắng về những thứ có thể gây hại cho chúng, ví dụ, tai nạn xe hoặc máy bay. Chúng có thể vẫn đấu tranh với nỗi sợ với bóng tối, như là một phần trong sự phát triển của chúng để trở thành một người độc lập.
9-12 tuổi
Trẻ lớn thường lo lắng về các bài kiểm tra và kỳ thi. |
Trẻ ở giai đoạn này có thể trải qua những nỗi lo lắng liên quan đến việc học ở trường bao gồm những nỗi sợ về các bài kiểm tra và kỳ thi. Trẻ chú ý đến diện mạo bên ngoài của mình cũng như đến cái chết, hay sự đau đớn. Trẻ trở nên độc lập và có các kỹ năng xã hội hơn, trẻ xem xét và so sánh sự khác biệt của mình với người khác – những điều có thể gây nên sự lo lắng cho chúng. Giai đoạn này bố mẹ cần lưu ý rằng trẻ rất dễ bị ảnh hưởng, bị tác động bởi những người bạn, nhiều nỗi sợ chúng ở tuổi này được chúng kể lại cho bạn của chúng, những người hiểu chúng.
Trẻ vị thành niên
Với trẻ vị thành niên, những mối quan hệ cá nhân có thể là nguồn gốc của mọi sự bối rối. |
Với trẻ vị thành niên, những mối quan hệ cá nhân có thể là nguồn gốc của mọi sự bối rối, lo lắng và nỗi sợ. Trẻ vẫn cần phải được định hướng bởi những thân để giúp chúng có những thái độ phù hợp với việc học ở trường cũng như các mối quan hệ của chúng. Trẻ có thể đối mặt với những nỗi sợ với những luật lệ, chính sách, chính trị bởi sự phát triển nhận thức về thế giới và sự phát triển chuyển sang giai đoạn trưởng thành. Một vài đứa trẻ dựa vào sự mê tín nhằm giảm bớt đi nỗi sợ của bản thân. Việc dự báo trước tương lai và chuyện gì sẽ xảy ra với chúng cũng có thể trở thành nguồn gốc của sự lo lắng, đi kèm với những thảm họa thiên nhiên, và những vấn đề khác liên quan đến quá trình lớn lên của chúng.
Giúp trẻ đối phó với nỗi sợ thế nào?
Kết nối
Khi trẻ lo lắng, thì nơi hỗ trợ trẻ tốt nhất đến từ những người thân của chúng. Lắng nghe những lo lắng của trẻ, thừa nhận cảm xúc của trẻ và ngồi cạnh trẻ có thể giúp trẻ giảm bớt nỗi sợ hãi. Ngồi cạnh trẻ nghĩa là lắng nghe đến cùng với sự tập trung cao độ, phản hồi lại những gì bạn nghe được, thay vì cố giải quyết vấn đề hoặc phủ nhận những gì trẻ nói. Nếu sự sợ hãi và lo lắng của trẻ cứ dai dẳng và lặp đi lặp lại, hãy cùng trẻ giải quyết nỗi sợ một cách hợp lý.
Lắng nghe những lo lắng của trẻ sẽ giúp trẻ bớt sợ hãi. |
Chơi với nỗi sợ
Trẻ có thể giật mình hoặc tỏ ra sợ hãi. Làm quen và chơi với nỗi sợ sẽ giúp trẻ phân tác nỗi sợ của mình. Khi trẻ chơi, não bộ tích hợp các tín hiệu, trẻ tập trung chơi, từ đó sự sợ hãi sẽ ít có khả năng chiếm quyền điều khiển hệ thống cảm xúc của trẻ. Có thể cho trẻ chơi những trò chơi truyền thống như trốn tìm, ú òa, trò chơi tập thể có đề cập đến rủi ro và nỗi sợ.
Lòng can đảm và sự dũng cảm
Trẻ dưới 5 tuổi không có khả năng biểu hiện lòng dũng cảm vì sự thiếu hội nhập của vùng võ não trước trán. Vì vậy, trẻ chỉ có thể cảm nhận cảm xúc mãnh liệt tại một thời điểm. Khi bị nỗi sợ áp đảo, trẻ có thể trở nên bực bội, chống đối và tấn công. Với trẻ dưới 6 tuổi, người thân, người mà trẻ tin tưởng nên hướng dẫn trẻ làm quen với những thứ mới mẻ, những thứ khiến trẻ sợ. Với trẻ lớn hơn, tốt hơn hết hãy giúp trẻ thể hiện cái gì khiến trẻ sợ hãi. Khi trẻ có thể diễn tả điều gì làm trẻ sợ, trẻ sẽ biết rõ trẻ cần gì để tự đối mặt và vượt qua nỗi sợ.
Khóc
Khóc là liệu pháp tâm lý giúp con người giải tỏa và tự trấn an mình trước những nỗi sợ. Trẻ cũng sẽ bớt sợ hơn nếu trẻ bộc lộ và thể hiện được điều đó. Việc trẻ khóc sẽ giúp trẻ vượt qua nỗi sợ cũng như tạm quên đi nỗi sợ hay nỗi lo lắng.