Ớn lạnh: Người đàn ông hoại tử tứ chi sau bữa tiệc lợn ốm

Những thông tin về sự nguy hiểm của bệnh liên cầu khuẩn lợn đã được các cơ quan báo chí, truyền hình nhiều lần đề cập. Thế nhưng không phải lúc nào, cảnh báo nguy hiểm cũng được người dân nhận thức một cách đầy đủ. 

Và đó cũng trở thành tiền đề cho những ca bệnh hết sức đáng tiếc, thậm chí gây di chứng nặng nề về sức khỏe. Trường hợp bệnh nhân Đ.V.K. (51 tuổi, trú Thanh Hóa) vừa bị hoại tử toàn bộ chân tay là một điển hình...

Nhiễm liên cầu lợn sau khi mổ thịt con vật ốm

Thông tin trên báo VnExpress, một tuần sau khi làm thịt con lợn nhà bị ốm, ông K 51 tuổi ở Thanh Hóa sốt cao, xuất hiện ban hoại tử, vào viện thì đã hôn mê, suy gan thận, chẩn đoán bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Người nhà đưa ông vào bệnh viện tỉnh khám với chẩn đoán bị nhiễm khuẩn huyết, được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sốc, hôn mê, suy gan, thận, 2 ngày sau phải chuyển tiếp sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 14/8 được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn. Bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu, được thở máy, chống sốc, lọc máu liên tục.

on lanh nguoi dan ong hoai tu tu chi sau bua tiec lon om
Bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn sang người gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai.

Theo lời trần tình của gia đình thì vốn dĩ, ông K. rất khỏe mạnh, chưa từng có tiền sự bệnh tật gì đáng kể. Nhà làm nông, lại ở thôn quê nên ông K. có nuôi thêm đàn lợn tăng gia. Trước thời điểm phải nhập BV Bệnh nhiệt đới Trung ương 8 ngày, một con lợn trong đàn gia đình ông K. chăn nuôi đột ngột đổ bệnh. Tiếc của, ông K. không báo cơ quan chức năng để xử lý tiêu hủy theo đúng quy trình. Thay vào đó, ông âm thầm mổ lợn lấy thịt. Bữa cơm hôm đó, cả gia đình ông đã có một “đại tiệc” từ con lợn xấu số trong chuồng nhà. Ai cũng nghĩ đơn giản: Lợn nhà mình nuôi chỉ bằng rau, bằng cám thì quá sạch sẽ, an toàn. Chuyện con lợn không may “trái gió trở trời” và lăn ra ốm là chuyện... bình thường. Bởi vậy, con lợn ốm vẫn được chế biến đủ món, từ tiết canh đến tái, chín. Không ngờ, bữa tiệc lợn ốm ấy đã dẫn đến một thảm kịch.

4 ngày sau bữa tiệc, ông K. mới phát bệnh. Khoảng thời gian này, gia đình hoàn toàn không nhận biết được các dấu hiệu đang âm thầm phát tác. Theo bác sĩ Cấp, liên cầu khuẩn nhiễm từ thịt lợn sang người bệnh ban đầu không gây triệu chứng điển hình. Cụ thể, người nhà cho biết bệnh nhân K. chỉ sốt cao, đau đầu, ớn lạnh. Gia đình cứ ngỡ ông K. bị cảm sốt thông thường nên chủ quan. Hệ quả là khi bệnh trở nặng, ông K. mới được đưa nhập viện thì đã quá muộn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết thêm, ông K. nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn. Đến nay, ông K. vẫn còn hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu, thở máy và tứ chi đã bị nổi ban hoại tử.

Bệnh khó phát hiện

Bệnh liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm, có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó lợn (heo) và người là chủ yếu. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị.

Bệnh liên cầu lợn ở lợn rất khó phát hiện, thường phải qua xét nghiệm mới biết. Vi khuẩn liên cầu lợn có khắp nơi trong tự nhiên, ổ chứa là lợn nhà (đã thuần chủng). Cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim cũng có thể mang vi khuẩn liên cầu lợn. Những loài động vật này mang mầm bệnh nhưng chúng không gây bệnh, nếu có chỉ gây bệnh nhẹ, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng mới gây nguy hiểm.

Bệnh ở lợn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Thông thường người bị nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, lợn chết hoặc ăn tiết canh lợn, thịt lợn bệnh, lợn chết chưa được nấu chín kỹ.

Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu, các dịch tiết ở lợn bệnh hoặc qua đường ăn uống. Các véc tơ có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.

Vi khuẩn gây hai bệnh cảnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, nặng có thể gây sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, viêm nội tâm mạc... Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong. Cho dù bệnh nhân hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề như bị ù tai, giảm thính lực, điếc hoàn toàn…

Thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày. Khi khởi phát, người bệnh có các triệu chứng như sốt cao có thể kèm theo rét run; mệt, đau mỏi người; đau đầu, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể mê sảng, ngủ gà, hôn mê. Những trường hợp nhiễm khuẩn huyết có thể xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay và đầu các chi.

on lanh nguoi dan ong hoai tu tu chi sau bua tiec lon om
Trường hợp nhiễm khuẩn huyết có thể xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay và đầu các chi.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trao đổi với báo Gia Đình & Xã Hội, bác sĩ Cấp cho biết: Dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn dễ phát tán. Bởi lẽ trong cộng đồng, một bộ phận người dân vẫn còn thiếu sự nhận thức đầy đủ về nguy cơ bệnh. Trường hợp như ông K., lợn ốm do nhiễm liên cầu khuẩn nhưng không thực hiện đúng quy trình tiêu hủy, rắc vôi bột phòng bệnh mà thịt cho cả gia đình ăn là cực kỳ nguy hiểm. Rất may mắn bởi sau bữa tiệc lợn ốm đó, các thành viên khác trong gia đình ông K. không bị nhiễm bệnh. Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Nguồn lợn “bẩn” thậm chí được đưa vào các nhà hàng, phục vụ tiệc tùng có thể khiến nhiều người đối mặt nguy cơ ăn phải lợn “bẩn” mang mầm bệnh.

Các chuyên gia cảnh báo bệnh liên cầu khuẩn heo có thể gây biến chứng nguy hiểm trong vòng 12-24 giờ. Theo đó, người bị bệnh liên cầu khuẩn từ heo thường mắc ở 2 thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ. Ngoài ra, có những trường hợp mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh rất nguy kịch.

Không chỉ vậy, người bị nhiễm liên cầu khuẩn heo dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm. Với những người bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn này, việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh nhiễm liên cầu khuẩn heo cho người. Bởi vậy, ý thức phòng bệnh trong cộng đồng sẽ là yếu tố cốt lõi giúp ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.

Trở lại với trường hợp ông K., bác sĩ Cấp cho rằng: “Nếu thịt được nấu chín kỹ, bảo đảm nước từ thịt chảy ra phải trong, không còn màu hồng thì khuẩn liên cầu sẽ bị tiêu diệt. Bởi thế, ông K. chắc chắn đã ăn thịt sống nhiễm bệnh hoặc tiết canh mới dẫn đến tình trạng đáng tiếc này. Ăn chín, uống sôi và tránh xa nguồn thịt “bẩn”, bởi thế là phương án tốt nhất cho mọi gia đình bảo vệ sức khỏe”.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.