Theo Bloomberg, 55 phiếu bầu từ các đại cử tri bang California đã giúp ông Biden vượt qua 270 phiếu cần thiết để giành chiến thắng. Hiện tại, đại cử tri tại 50 bang và thủ đô Washington đã hoàn tất công tác bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống theo Hiến pháp.
Quốc hội Mỹ sẽ chính thức kiểm phiếu đại cử tri vào ngày 6/1. Tuy nhiên, khá nhiều đảng viên Cộng hòa chưa công khai thừa nhận chiến thắng đã được xác thực của ông Biden cũng như bác bỏ các phán quyết của tòa án liên quan đến hàng loạt đơn kiện của phe ông Trump. Theo họ, ông Trump có quyền kiện tụng kết quả bầu cử.
Song, một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từng từ chối công nhận chiến thắng áp đảo của ông Biden đã nhanh chóng bắt đầu thừa nhận rằng đương kim Tổng thống Trump đã thua cuộc và ông Biden sẽ lên nhậm chức tổng thống Mỹ đời thứ 46 vào ngày 20/1 năm sau.
Thượng nghị sĩ John Cornyn (Đảng Cộng hòa) cho biết sẽ là một "sai lầm tồi tệ" khi phản đối phiếu bầu của đại cử tri tại Quốc hội. Ông Cornyn nói hành động như vậy là "vô ích và không cần thiết".
"Tôi tin chúng ta sẽ thấy chính phủ Mỹ bước sang trang mới vào ngày 20/1/2021. Chúng ta sẽ chứng kiến một quá trình chuyển đổi hòa bình", ông Cornyn nhấn mạnh.
Khi được hỏi liệu ông Biden có phải là tổng thống đắc cử hay không, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Shelly Moore Capito cho biết: "Có vẻ chắc chắn là như vậy và tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta bước sang trang mới và chào đón chính quyền mới".
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Chuck Grassley nói ông không cần phải thừa nhận ông Biden chiến thắng vì "Hiến pháp sẽ làm điều đó".
Trong một tuyên bố, ông Mike Braun - Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Indiana, khẳng định các cuộc điều tra gian lận bầu cử nên tiếp tục, nhưng "14/12 đánh dấu một cột mốc quan trọng mà mọi người phải gạt chính trị sang một bên và tôn trọng quy trình hiến pháp quyết định người chiến thắng trong cuộc bầu cử".
Theo Bloomberg, ông Biden dự kiến sẽ thực hiện một bài phát biểu trước toàn quốc để kêu gọi người dân Mỹ xích lại gần nhau sau khi quy trình bầu cử kết thúc.
"Ngọn lửa dân chủ đã được thắp lên ở Mỹ từ rất lâu. Chúng ta hiểu không có bất cứ điều gì, kể cả đại dịch hay hành vi lạm quyền, có thể dập tắt ngọn lửa dân chủ này. Do đó, đã đến lúc bước sang trang mới, để đoàn kết, để hàn gắn dân tộc", ông Biden tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Trump dường như chưa chịu nhận thua. Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News tối ngày 13/12, ông Trump cho biết chiến dịch của ông sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lí, ngay cả sau khi Tòa án Tối cao bác bỏ đơn kiện của Texas hòng vô hiệu hóa kết quả bầu cử ở 4 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan và Wisconsin.
Giới quan sát dự đoán một số biến động có thể xảy ra khi Quốc hội nhóm họp vào ngày 6/1/2021 để kiểm phiếu đại cử tri nếu một thành viên của Hạ viện và Thượng viện phản đối phiếu bầu đại cử tri của một bang nào đó.
Nếu có, Hạ viện và Thượng viện sẽ phải tổ chức tranh luận và bỏ phiếu phản đối. Phó Tổng thống Mike Pence, Chủ tịch Thượng viện, sẽ là người chủ trì cuộc họp ngày 6/1 tới.
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mo Brooks cho biết ông có kế hoạch phản đối, song đến nay chưa có thượng nghị sĩ nào tham gia cùng ông Brooks. Hôm 4/12, 75 nhà nhập pháp Đảng Cộng hòa ở Pennsylvania cũng đã gửi một lá thư tới phái đoàn quốc hội của bang để kêu gọi họ phản đối kết quả phiếu bầu đại cử tri.
Giáo sư luật kiêm chuyên gia luật bầu cử Nathaniel Persily của Đại học Standford nhận định, bất kì phản đối nào đến được vòng bỏ phiếu đều đứng trước nguy cơ thất bại khi Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và có đủ thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa công nhận chiến thắng của ông Biden.