Ông Biden nên làm thế nào khi Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực trong hòa bình?

Đương kim Tổng thống Trump từ chối công nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông Trump đang tạo ra không ít chướng ngại khiến Tổng thống đắc cử Joe Biden khó tiếp quản quyền lực. Song, ông Biden có thể học hỏi kinh nghiệm từ câu chuyện của hai cựu Tổng thống Mỹ Herbert Hoover và Franklin D. Roosevelt.

Ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng, cuộc chuyển giao quyền lực thêm khó

Quá trình chuyển giao quyền lực hậu bầu cử chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt là khi tổng thống đương nhiệm bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu. 

Năm nay, đương kim Tổng thống Trump từ chối công nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden và cáo buộc các chính sách của đối thủ sẽ đưa đất nước vào con đường suy vong.

Trong hai đoạn tweet hôm 9/11, ông Trump tuyên bố sa thải Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mark Esper và đưa Giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia Christopher Miller lên làm bộ trưởng tạm quyền.

Theo đưa tin từ Politico, trước đó các nhà lập pháp, cựu quan chức quốc phòng và chuyên gia quân sự đã kêu gọi ông Esper tiếp tục giữ chức vụ để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống diễn ra suôn sẻ.

Chỉ vài giờ sau thông báo của ông Trump, một loạt nghị sĩ Đảng Dân chủ đã lên tiếng cảnh báo. Theo các quan chức này, sự ra đi của ông Esper có thể khiến nước Mỹ rơi vào hỗn loạn trong quá trình chuyển giao quyền lực, làm xói mòn quyền lãnh đạo dân sự của quân đội và đẩy các tướng hàng đầu đất nước, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mark Milley vào thế khó xử.

Ôn Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, kết luận: "Quyết định sa thải Bộ trưởng Mark Esper của Tổng thống Trump không chỉ là trò trẻ con mà còn rất liều lĩnh". Theo lí giải của ông Smith, động thái của ông Trump gây ra bất ổn lớn, khiến các đối thủ của Mỹ kích động và đẩy đất nước vào nhiều rủi ro hơn.

"Sự ổn định của Bộ Quốc phòng trong thời điểm chuyển giao quyền lực là rất quan trọng. Mỹ rất cần ông Esper giữ cho quân đội nằm ngoài mọi vấn đề chính trị trong nước. Thay thế ông Esper bây giờ không hợp lí", ông Mick Mulroy, cựu trợ lí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời ông Trump, chỉ trích.

Trong nhiều tháng trước cuộc bầu cử, một số nghị sĩ Đảng Dân chủ đã bày tỏ lo ngại rằng ông Trump có thể sử dụng quân đội ở nước ngoài hoặc trong nước để giúp ông bám trụ với quyền lực tổng thống.

Động thái mới của ông chủ Nhà Trắng càng khiến họ tin nước Mỹ sẽ chìm trong 72 ngày bất ổn trước khi tổng thống mới nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Tổng thống Trump từ chối chuyển giao quyền lực hòa bình, ông Biden nên làm thế nào? - Ảnh 1.

Quá trình tiếp quản chính phủ của ông Biden đang bị Tổng thống Trump gây rối. (Ảnh minh họa. Đồ họa: Alex Chu).

Hai bài học từ quá khứ

Nhìn lại quá khứ, nước Mỹ cũng từng trải qua một số cuộc chuyển giao quyền lực gây tranh cãi khác.

Năm 1932, quá trình chuyển giao quyền lực giữa đương kim Tổng thống Herbert Hoover và Tổng thống đắc cử Franklin D. Roosevelt diễn ra khi Mỹ đang chìm trong cuộc khủng hoảng ngân hàng và suy thoái kinh tế chưa từng có.

Ông Hoover có ác cảm lớn với người kế nhiệm. Điều khiến người khác quan ngại về ông Roosevelt không phải là năng lực trí não mà là đôi chân bại liệt của vị tổng thống mới đắc cử này.

Đương kim Tổng thống Hoover cũng dành nhiều từ ngữ không hay để mô tả về người kế nhiệm. Trong chiến dịch tranh cử và thậm chí là sau đó, ông Hoover luôn bóng gió rằng khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Roosevelt "kiểu gì cũng khiến nước Mỹ lụi tàn".

Khi đó, quá trình chuyển giao quyền lực kéo dài đến 4 tháng và đương kim Tổng thống Hoover cùng Quốc hội hầu như không làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Ngân hàng sụp đổ và tâm lí hoảng loạn lan tràn, buộc hết thống đốc bang này đến bang khác phải đóng cửa hệ thống ngân hàng địa phương. Tuy nhiên, ông Hoover đơn phương từ chối tuyên bố cho ngân hàng tạm ngừng hoạt động.

Vào thời điểm ông Roosevelt nhậm chức vào tháng 3/1933, hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế Mỹ gần như đã đình trệ. Ông Hoover nhận thức được cuộc khủng hoảng khi đó, song do ý thức hệ, ông phản đối sự can thiệp của chính phủ liên bang.

Giờ đây, nước Mỹ có thể chứng kiến hành vi tương tự từ Tổng thống Donald Trump, Guardian nhận định. Ông Trump dường như từ chối hành động để kiểm soát cuộc khủng hoảng Covid-19.

Câu hỏi đặt ra là ông sẽ dám làm những gì để cản trở kế hoạch chống dịch của ông Biden khi ông Biden nhậm chức.

Liệu ông Trump có cấm các thành viên tổ đặc nhiệm chống Covid-19 và các nhân sự khác hướng dẫn cho nhóm chuyển tiếp của người tiền nhiệm hay không? Liệu ông Trump có che giấu thông tin về Operation Warp Speed - chương trình sản xuất vắc xin của chính phủ không?

Ông Hoover, nhận thấy không cần các chính sách mới, đã làm mọi thứ trong khả năng để hạn chế các phương án hành động của tổng thống mới đắc cử. Là một người tin tưởng vào sự tôn nghiêm của chế độ bản vị vàng, ông Hoover đã yêu cầu người kế nhiệm Roosevelt đưa ra tuyên bố ủng hộ việc duy trì tiêu chuẩn này như một cách củng cố lòng tin của công chúng.

Tổng thống đương nhiệm Hoover cũng khuyến khích ông Roosevelt ủng hộ và thậm chí là khuyến nghị các thành viên của phái đoàn do ông Hoover chỉ định đến một hội nghị quốc tế để thảo luận về khoản nợ chiến tranh của châu Âu và khôi phục chế độ bản vị vàng trên toàn thế giới.

Ông Roosevelt nhận thấy nguy hiểm và từ chối cam kết bất kì điều gì trước khi nhậm chức. Khi ông Roosevelt từ chối, đương kim Tổng thống Hoover tức giận và tung ra các bản sao thông tin trao đổi giữa họ, khiến dư luận xôn xao.

Tương tự, chúng ta có thể hi vọng ông Biden sẽ từ chối các yêu cầu của ông Trump cũng như tránh đưa ra các cam kết có khả năng hạn chế không gian chính sách của ông về sau.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã cản trở ông Biden theo cách khác. Cụ thể, các nhân sự tư pháp mà ông Trump bổ nhiệm sẽ gây khó dễ cho nỗ lực hoạch định chính sách thông qua các lệnh hành pháp và chỉ thị của ông Biden.

Ở diễn biến khác, ông Biden cũng có thể gặp chướng ngại khi muốn thông qua các dự luật và xác nhận các ứng viên mà ông đề cử vào bộ máy điều hành. Nhân tố gây cản trở chính là Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell.

Trong trường hợp không có bất ngờ nào trong cuộc chạy đua vào Thượng viện ở bang Georgia vào tháng 1 năm sau, kịch bản trên sẽ không thay đổi nhiều.

Quá trình chuyển giao quyền lực từ tay ông Hoover sang ông Roosevelt còn diễn ra vào thời điểm nguy hiểm. Khi đó, các cuộc vận động chính trị tự phát đủ hình thức liên tục xuất hiện, thậm chí gây thiệt hại về nhân mạng. Ngoài ra, các cuộc biểu tình, một số bộc phát thành bạo lực, nhằm chống lại các cuộc đấu giá tịch thu tài sản cũng diễn ra tại tòa án trên khắp cả nước.

Công chúng ngày càng ủng hộ các chính trị gia cực đoan như Huey Long của bang Louisiana. Giuseppe Zangara - một người thất nghiệp, túng thiếu, có vấn đề về sức khỏe và quan điểm cực đoan đã cố gắng ám sát Tổng thống Roosevelt chỉ 17 ngày trước lễ nhậm chức.

Từ câu chuyện của cặp đôi Hoover - Roosevelt, hãng tin Guardian rút ra hai bài học. Tổng thống đắc cử Joe Biden và cấp dưới thân cận cần phải thực hiện các biện pháp phòng vệ để bảo vệ sự an toàn của bản thân, đặc biệt là khi môi trường chính trị Mỹ đang rất căng thẳng và ông Trump không ngừng thổi bùng ngọn lửa bất bình trong công chúng.

Tương tự Tổng thống Roosevelt khi đó, ông Biden bây giờ phải nhắc lại thông điệp hi vọng và đoàn kết như một liều thuốc giải độc cho đại dịch Covid-19 và tình trạng chia rẽ chính trị ở Mỹ.

Năm 1933, như lời tuyên thệ của Tổng thống Roosevelt, thứ người Mỹ phải vượt qua là bản thân nỗi sợ hãi. Ngày nay, khi vấn đề mà họ buộc phải loại bỏ là nỗi sợ hãi lẫn nhau thì lời khẳng định "nước Mỹ đoàn kết, không phân biệt đảng phải" của ông Biden là một khởi đầu tốt.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.