Ông Đỗ Hoàng Dương: ‘Nằm ngủ tôi cũng mơ thấy… trà sữa’

“Tôi quyết định xây dựng thương hiệu riêng vì muốn thách thức bản thân mình”, ông Đỗ Hoàng Dương.

Từng là tiếp viên trưởng Vietnam Airlines nhưng thích thử thách khả năng trên nhiều lĩnh vực, trước khi thành nhà sáng lập thương hiệu trà sữa Việt Nam Sado Chado, ông Đỗ Hoàng Dương đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu trong một số lĩnh vực như bất động sản... Nay ông dồn sức tập trung phát triển trà sữa. Ông không giấu tham vọng đưa thương hiệu trà sữa Việt cạnh tranh với các đối thủ ngoại.

Trà sữa thương hiệu Việt

- Chọn kinh doanh trà sữa trong thời điểm mà người người nhà nhà làm trà sữa, ông thấy mình có chậm chân?

- Đã làm kinh doanh ai cũng mong muốn mình là người đi trước. Nhưng tôi chọn phương án “chậm mà chắc”. Đi nhanh mà lụi tàn nhanh cũng không giải quyết được điều gì.

Thực tế cách đây khoảng 10 năm thị trường Việt Nam từng đón nhận thương hiệu trà sữa Hoa Hướng Dương (Đài Loan) nhưng không tồn tại được lâu. Không phải họ làm dở mà do xu hướng thị trường lúc đó không đón nhận. Hiện nay tình hình đã thay đổi: Kinh doanh trà sữa bùng phát trở lại do người tiêu dùng Việt đã đón nhận và thích thú với món ẩm thực này.

Ông Đỗ Hoàng Dương: ‘Nằm ngủ tôi cũng mơ thấy… trà sữa’ - Ảnh 1.

- Thị trường trà sữa đang phát triển khá tốt nhưng không phải ai nhảy vào cũng thắng, thậm chí không ít người trắng tay hoặc lỗ nặng sau khi đã đổ rất nhiều tiền để đầu tư?

- Dưới góc nhìn của tôi, thị trường trà sữa Việt vẫn còn nhỏ so với Đài Loan, Hong Kong… nếu nhìn ở số lượng quán trà sữa trên tổng dân số. Theo quan sát của tôi tại nhiều nước, mọi nơi đều có quán trà sữa và mọi người uống trà từ sáng đến tối, với rất nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đến một lúc nào đó thị trường Việt Nam cũng sẽ giống vậy.

Khi đến Úc thăm một người bạn, tôi chứng kiến cửa hàng trà sữa của anh ấy kinh doanh rất thành công. Người bạn của tôi mua một thương hiệu nhượng quyền từ Đài Loan nhưng bán rất chạy, thu hút cả khách bản địa, châu Âu và Á đến rất nhiều. Anh ấy cũng chia sẻ cứ tưởng trà sữa chỉ bán được cho giới trẻ, học sinh nhưng thực tế giới văn phòng, bà nội trợ, các ông bà cụ… cũng thích.

- Tại sao ông quyết định chọn xây dựng thương hiệu trà sữa riêng, trong khi nhiều người cho rằng nếu đi mua nhượng quyền thì kinh doanh nhanh thành công hơn và dễ hơn?

- Tôi quyết định xây dựng thương hiệu riêng vì muốn thách thức bản thân mình, xem mình có đủ khả năng và nội lực cạnh tranh với các thương hiệu ngoại hay không.

Hơn nữa, một khi quyết định chọn một lĩnh vực kinh doanh nào đó tôi tính toán và chuẩn bị kỹ càng, trà sữa cũng vậy. Ví dụ, tôi từng cùng với vợ “tầm sư học đạo” các món ăn, thức uống tại nhiều nước. Như khi đến Nhật, chúng tôi học về trà đạo dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân và chuyên gia trong lĩnh vực này.

Sau đó về Việt Nam, chúng tôi âm thầm mở một quán thử nghiệm tại quận 12 (TP.HCM) chứ không chen chân ngay vào trung tâm TP. Tôi muốn đo lường thị trường, khi đã ổn mới khởi động chính thức.

Ông Đỗ Hoàng Dương: ‘Nằm ngủ tôi cũng mơ thấy… trà sữa’ - Ảnh 2.

Ông Đỗ Hoàng Dương: "Tôi nhận thấy thị trường Việt Nam là nơi có nhiều cơ hội để đầu tư kinh doanh". (Ảnh: Phương Minh).

Muốn “tấn công” thị trường Úc, Mỹ

-Đến thời điểm này, thương hiệu trà sữa của ông đã đứng vững trên thị trường hay chưa?

- Nhìn về quy mô, tôi chưa thể đi nhanh bằng các thương hiệu khác vì gia nhập thị trường sau. Nhưng về thương hiệu, tôi có thể mạnh dạn nói rằng đã được nhiều người biết đến.

Để vượt qua các đối thủ và tạo dấu ấn trong tâm trí khách hàng, tôi quan niệm thức uống phải ngon và đó là cuộc đấu về mặt khẩu vị và chất lượng. Bởi người dùng có xu hướng chuyển dịch từ thức uống công nghiệp sang các loại thức uống pha chế do nguyên liệu tươi, ngon và hợp sức khỏe. Tôi đánh giá đây là xu hướng chủ lực trong nhiều năm đến.

Tôi cũng cho rằng để phát triển thương hiệu trà sữa, chắc chắn buộc phải mở rộng chuỗi cửa hàng để tăng độ nhận diện. Vì vậy chúng tôi đã triển khai mô hình nhượng quyền (franchise) để có bước đi nhanh hơn. Trong năm nay, chúng tôi đã có các hợp đồng nhượng quyền và kỳ vọng mở được 20 cửa hàng, trong đó sẽ có hai cửa hàng ngoài thị trường Việt Nam là Úc và Mỹ.

- Ông có niềm tin và tiềm lực để vượt qua các đối thủ ngoại?

- Tôi có niềm tin sẽ vượt qua các thương hiệu trà sữa khác! Đã kinh doanh là phải có niềm tin, còn hoang mang, sợ hãi thì khó thành công.

Ngoài ra, kinh doanh còn phải đam mê mới thành công được. Lúc nào cũng nghĩ về nó, nằm ngủ cũng mơ thấy nó. Làm trà sữa cũng tương tự vậy.

- Quan niệm của ông trong việc kinh doanh trên thương trường ra sao?

- Tính tôi thích minh bạch để tối về ngủ ngon, ăn ít một tí nhưng thoải mái. Tôi cũng quan niệm trong lĩnh vực ẩm thực, nếu để lòng tham dẫn đắt kiếm lợi nhuận nhanh sẽ đi đến gian dối, cẩu thả trong bán hàng, phục vụ, làm giảm chất lượng sản phẩm và cả nguy hại đến sức khỏe khách hàng.

Tôi đã chinh phục được 8 ngọn núi cao

- Có người nhận xét rằng ông kinh doanh thành công trà sữa một phần nhờ mối quan hệ của vợ hay nói cách khác kinh doanh nhờ vợ (Kiwi Ngô Mai Trang, tên thật Ngô Thị Mai Trang) là nữ người mẫu, ca sĩ và doanh nhân Việt Nam. Cô từng đoạt giải Quán quân Vua đầu bếp Việt Nam 2017 - Master Chef…), ông nghĩ sao về nhận xét này?

- Không sai! Với lĩnh vực trà sữa, tôi hưởng lợi một phần nhờ vào mối quan hệ và sự nổi tiếng của vợ. Thực tế cho thấy các nhãn hàng vẫn thường mời các ca sĩ, diễn viên hay người mẫu đến sự kiện hoặc ăn uống, qua đó quảng bá thương hiệu. Mỗi lần họ xuất hiện, nhãn hàng phải trả tiền cát sê đến vài chục triệu đồng.

Với chúng tôi cũng vậy, nhiều người nổi tiếng đến với chúng tôi. Nhưng khác biệt là họ chẳng lấy đồng nào mà hỗ trợ giúp đỡ chúng tôi quảng bá cho mình trong thời gian đầu gia nhập thị trường. Nếu không có điều đó, rất khó khăn để xây dựng thương hiệu.

- Nhiều người nhận xét, ông là người rất quyết liệt trong công việc?

- Đúng vậy. Một khi đã lựa chọn công việc gì thì tôi làm cho bằng được. Tuy nhiên, mục tiêu đưa ra phải dựa trên cơ sở là có kiến thức, kỹ năng, nguồn lực tài chính, chứ không phải gặp cái gì cũng lao vào làm để rồi thất bại.

- Làm nhiều, vậy ông nghỉ ngơi, giải trí ra sao?

- Tôi là người thích đi phượt và cũng rất thích leo núi. Việt Nam có 10 đỉnh núi cao nhất thì tôi đã chinh phục tám đỉnh rồi. Việc leo núi là một cái thú nhưng cũng là để tự đặt ra cho mình thử thách vượt qua, vì khi chinh phục được một ngọn núi cao cũng chính là thành công. Kinh doanh cũng như leo núi vậy thôi!

Sắp tới, chúng tôi sẽ sử dụng hình ảnh cầu thủ Văn Toàn làm đại diện cho thương hiệu trà sữa. Hiện mọi thứ đã thực hiện xong từ hình ảnh cho đến chiến lược phát triển thương hiệu.- Xin cám ơn ông.



chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.