Mở đầu cuộc đại hội hôm nay, 27/4, ông Mai Hữu Tín cho rằng ngành gỗ Việt Nam đang phát triển mạnh, mục tiêu năm 2020 vượt từ vị trí thứ năm lên thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện các thị trường lớn đang đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến thị trường Việt Nam.
Tại Bình Dương, có gần 20 nhà máy đóng cửa và ba trong số năm nhà xuất khẩu lớn nhất Việt Nam (Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội) đóng cửa. Tuy vậy, cho đến hiện nay, 100% số nhà máy của TTF vẫn hoạt động, nhờ hỗ trợ của khách hàng.
"Tương lai ra sao chưa ai biết cả, tạm thời chúng ta chỉ biết làm hết khả năng trong tình hình hiện nay", ông Mai Hữu Tín nói.
Trong năm 2020 này, TTF sẽ chủ động đàm phán với khách hàng truyền thống và đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó tích cực nâng cao hợp đồng trung và dài hạn tại các thị trường như Mỹ, Ý, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các kênh bán lẻ. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục cung cấp, lắp đặt sản phẩm nội ngoại thất uy tín cho các công trình lớn của các đơn vị như Vingroup, Tân Hoàng Minh, Sun Group…
Với thương hiệu gỗ Casadora, TTF sẽ tham gia vào phân khúc gỗ phong cách Ý cao cấp, phục vụ giới thượng lưu tại Việt Nam, Bên cạnh thị trường nội địa, công ty sẽ đánh vào các thị trường khó tính như Trung Đông và Nga.
Hiện tại, công ty đã có 70% sản lượng gỗ dành cho xuất khẩu tại các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia… với các chuỗi cửa hàng Walmart, Tesco là khách hàng của TTF.
Vào tháng 1/2020, TTF đã khánh thành một nhà máy sản xuất tủ bếp với công suất 60 container tủ bếp mỗi tháng. Hiện tại, nhà máy của TTF đã nhận đủ đơn hàng đến cuối năm 2020 và dự kiến doanh số xuất khẩu sang Mỹ đạt bình quân 50 tỉ đồng mỗi tháng. Nhà máy này được xây dựng từ hai nhà máy cũ của TTF với diện tích 20.000 m2. TTF làm ngày làm đêm để có nhà máy đầu tiên, có hết hàng cho năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo TTF, các sản phẩm từ nhà máy đáp ứng nhu cầu của các khách hàng Mỹ, trong bối cảnh tủ bếp được sản xuất tại Trung Quốc phải chịu cùng một lúc ba loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế chống trợ giá và thuế chống phá giá) khi xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
"Nhìn vào con số trên báo cáo tài chính 2019, chúng ta thấy những con số rất xấu. Nhưng đây đều là những cón số được dự báo từ trước. Thay vì nhìn những con số xấu đó, chúng tôi muốn các vị đi thăm nhà máy để thấy được năng lượng từ thực tế. Đầu tiên phải kể đến công ty Sứ Thiên Thanh với nhà máy cải tiến đã ký hợp đồng xuất lô hàng đầu tiên đi Mỹ trong 2-3 tháng tới.
Hai nhà máy ở Đắk Lắk cũng được giữ lại và đổi tên thành TTF Cao Nguyên chuyên làm đồ gỗ ngoài trời. Dự kiến, TTF sẽ tổ chức lại, đủ hàng cho hai nhà máy chạy hết công suất trong năm nay. Trên thực tế, hai nhà máy này nợ rất nhiều và đã âm vốn", Chủ tịch TTF thông tin.
Theo đó, TTF dự kiến doanh thu năm 2020 đạt trên 2.427 tỉ đồng, gấp 3,7 lần kết quả đạt được trong năm 2019 và lãi trước thuế kì vọng đạt gần 70 tỉ đồng.
Tuy nhiên, TTF cũng cho rằng năm 2020 có nhiều rủi ro, thách thức với công ty. Trước mắt là dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành gỗ và chế biến gỗ. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tác động đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Ý, châu Âu… Theo dự kiến của doanh nghiệp, ngoài đơn hàng cũ thì để ký các đơn hàng mới phải chậm 3-6 tháng.
Nói thêm về kế hoạch 2020, ông Tín nói: "Cổ đông đừng nhìn con số doanh thu theo kế hoạch vì tôi có thể làm con số đó lớn hơn. Cái cam kết của chúng tôi là năm nay phải có lãi, nếu không sẽ bị hủy niêm yết. Tôi không thể tưởng tượng rằng các cổ đông không thể mua bán được cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nữa.
Tôi biết cổ phiếu xuống làm cổ đông rất đau lòng. Anh em chúng tôi mất ăn mất ngủ mấy tháng đầu năm. Bây giờ nếu quý vị hỏi chúng tôi dịch Covid-19 ảnh hưởng bao nhiêu đến 2.000 tỉ đồng doanh thu đó, tôi không trả lời được. Khi nào thị trường Mỹ mở cửa trở lại, theo dự kiến từ 1/6, thì mới ước tính được, tới lúc đó không có gì khiến chúng tôi mất tự tin cả".
Trong nhiều năm qua, vấn đề lấn cấn nhất của TTF là việc các khoản vay cũ khống chế các cơ hội thực hiện các khoản vay mới. Trong khi đó, vẫn còn nhiều gỗ tồn chưa thanh lí xong và phần lớn là gỗ đang thế chấp ngân hàng Đông Á.
“TTF không thể nào vay một đồng nào từ ngân hàng trong ba năm qua. Đơn giản là vì các khoản vay cũ của TTF với Đông Á là khoản nợ xấu chưa giải quyết được. Giữa TTF và Đông Á có ít nhất vài chục lần trao đổi với nhau, thậm chí Đông Á đã khởi kiện doanh nghiệp”, ông Tín nói.
TTF đã phải tìm cách hòa hoãn lại quá trình đòi nợ của Đông Á. Toàn bộ tiền đầu tư nhà máy mới là tiền mà công ty tiết kiệm được những năm qua, tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ. TTF lâu nay đi thi công các công trình phải dùng chính tiền mặt của mình để tự bảo lãnh để hoạt động.
“Nếu xử lí được khoản vay với Đông Á thì TTF sẽ không còn nợ bất kì ngân hàng nào nữa. Chỉ còn nợ duy nhất Vingroup”, ông Tín chia sẻ.
Đó là lí do TTF trình cổ đông thông qua phương án phát hành riêng lẻ cổ phần để hoán đổi nợ của Đông Á. TTF không được phép phát hành dưới mệnh giá cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, không thể gọi vốn để trả khoản nợ trên trăm tỉ đồng tại Đông Á.
“Chúng ta phải tiến hành phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ. Cổ phần sẽ bị pha loãng và ta nhìn thì thấy đây là việc phải chịu thiệt thòi đôi chút, nhưng đây là cơ hội để ta giải quyết được vấn đề về nợ tại TTF. Để Công ty có thể đi vay được", ông Mai Hữu Tín chia sẻ với cổ đông.