Ông Phạm Nhật Vượng và những lần trực tiếp góp vốn thành lập công ty

Ngày 6/10, ông Phạm Nhật Vượng đã góp vốn thành lập VMI JSC chuyên quản lý và đầu tư BĐS. Đây cũng là một trong số ít những doanh nghiệp do ông Vượng là cổ đông trực tiếp nắm quyền sở hữu chi phối.

  Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup. (Ảnh: VinGroup). 

Tại Việt Nam, tên tuổi ông Phạm Nhật Vượng gắn liền với Tập đoàn Vingroup, doanh nghiệp đa ngành có tiền thân Tập đoàn Technocom, do ông Vượng cùng vợ là bà Phạm Thu Hương đồng sáng lập vào năm 1993 tại Ukraine.  

Tính đến cuối quý II, hệ sinh thái của Vingroup có 108 công ty con, 7 công ty liên doanh, liên kết và 7 đơn vị góp vốn khác. Các doanh nghiệp nổi bật cùng “họ” Vin có thể kể đến như Vinhomes (bất động sản), Vincom Retail (bất động sản bán lẻ), Vinpearl (khách sạn du lịch nghỉ dưỡng), Vinfast (ô tô), Vinschool (giáo dục), Vinmec (y tế),...

Các đơn vị này đa phần do Vingroup và/hoặc các thành viên khác trong tập đoàn nắm quyền sở hữu chi phối. Hiện, ngoài Vingroup do ông Vượng là cổ đông lớn (nắm 25,47% vốn điều lệ của Vingroup tại thời điểm cuối quý II), ông Vượng trực tiếp nắm quyền sở hữu chi phối tại 5 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp là cổ đông lớn của Vingroup là VMI JSC và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. 

Trong đó, về VMI JSC, công ty vừa được ông Vượng cùng Vinhomes và các cổ đông khác đã góp vốn thành lập vào ngày 6/10. Trong đó, ông Vượng góp vốn bằng hơn 243 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 16.200 tỷ đồng theo thị giá trung bình 50 phiên tính đến 13/9 và chiếm 90% cổ phần của VMI JSC. 

Qua đó, VMI JSC cũng sẽ trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup. Ông Vượng cam kết sẽ duy trì đầu tư và nắm quyền kiểm soát lâu dài trong VMI JSC. Đơn vị này có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, được thành lập nhằm phát triển thị trường thứ cấp, nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các dự án bất động sản của Vinhomes. 

Cụ thể, công ty sẽ đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản đươc chia thành 50 phần và các khách hàng của VMI có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.  

Về phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2007. Tính tới cuối quý II/2022, đơn vị này cũng là cổ đông lớn của Vingroup với hơn 1,26 tỷ cổ phiếu VIC sở hữu, tương đương 32,58% vốn điều lệ.  

Người đại diện pháp luật tại đơn vị này là ông Phan Thành Long, người đồng thời là đại diện pháp luật và Tổng Giám đốc tại VMI JSC.  

Bên cạnh đó, tính tới cuối quý II/2022, theo báo cáo quản trị của Vingroup, ông Vượng là cổ đông nắm quyền sở hữu chi phối tại 3 đơn vị khác, gồm CTCP Quỹ Giải thưởng VinFuture, CTCP Giải pháp Năng lượng VinEs và Công ty Asian Star Trading & Investment Ptr. Ltd..  

Trong đó, CTCP Quỹ Giải thưởng VinFuture là một quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận tại Việt Nam với số vốn ban đầu là 2.000 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, do ông Vượng cùng vợ là nhà sáng lập vào tháng 9/2020. 

Hoạt động cốt lõi của quỹ này là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ. Lễ trao giải thưởng mùa đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 20/1 đầu năm nay với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng. 

Về phần CTCP Giải pháp năng lượng VinEs (VinEs), công ty được ông Vượng cùng Vingroup và vợ ông là bà Phạm Thu Hương đồng sáng lập từ tháng 8/2021. Khi đó, số vốn góp của ông Vượng là 485 tỷ đồng, chiếm 48,5% cổ phần, số vốn góp của Vingroup là 510 tỷ đồng, chiếm 51% vốn và vợ bà Hương góp 5 tỷ đồng, chiếm 0,5% vốn.   

Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất pin và ắc - quy, vốn điều lệ tại thời điểm mới thành lập là 1.000 tỷ đồng. Hiện, đơn vị này đang là chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Pin Lithium tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô 14 ha, tổng mức đầu tư hơn 6.329 tỷ đồng. 

Sản phẩm, dịch vụ cung cấp của nhà máy là cell pin sạc LFP (Lithium Iron Phosphate) sử dụng chủ yếu cho pin xe ô tô điện và hệ thống lưu trữ điện năng (ESS). Dự kiến đến quý IV/2023, nhà máy sẽ hoàn thành phần xây dựng; đến quý I/2024 hoàn thành việc lắp đặt máy móc, dây chuyền sản xuất và bắt đầu vận hành hoạt động; đến quý III/2024 bước vào giai đoạn sản xuất đại trà.

 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.