Hội thảo diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản với sự tham dự của gần 400 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam, Nhật Bản và châu Á.
Sự kiện này tiếp nối thành công của roadshow và hội thảo mà Tập đoàn FLC tổ chức vào tháng 6/2017 tại Singapore, không chỉ nhằm mục đích thu hút thêm khách hàng cho các sản phẩm của dự án, mà thông qua đó còn quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam, thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này từ các nhà đầu tư quốc tế và hợp tác quốc tế của FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC làm việc với các nhà đầu tư trước thềm sự kiện . |
Là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc xây dựng chuỗi dự án bất động nghỉ dưỡng hoàn chỉnh tiêu chuẩn 5 sao trên toàn Việt Nam, Tập đoàn FLC đang không chỉ tạo ra một chất xúc tác mạnh cho sự phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, mà đang hướng đến các thị trường quốc tế.
Tại buổi roadshow diễn ra ngày 7/9, nhiều thông tin về tiềm năng, môi trường đầu tư, du lịch Việt Nam đã truyển tải đến các nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, FLC cũng cung cấp, giải đáp các câu hỏi của nhà đầu tư về tiềm năng, các dự án đầu tư của Tập đoàn.
Dưới đây là nội dung chính của buổi roadshow.
10:24 ngày 07/09/2017
Nhà đầu tư đặt câu hỏi cho lãnh đạo FLC. |
Hỏi: Chính phủ Việt Nam cần phải làm gì để làm cho du lịch Việt Nam trở nên khác biệt so với khu vực, nơi có nhiều nước đã phát triển hơn từ lâu rồi?
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC: Câu này dành cho quan chức Việt Nam, nhưng dưới góc độ của người làm doanh nghiệp, chúng tôi dang nỗ lực quảng bá hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản đến với Việt Nam, tìm những quần thể vừa đăng cấp, vừa để phát triển bền vững.
Lãnh đạo FLC trả lời câu hỏi của nhà đầu tư. |
Không chỉ chính quyền, mà cả cộng đồng doanh nghiệp cũng đang sát cánh cùng chính phủ quảng bá du lịch Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
Việt Nam có trên 3.000 km bờ biển, hiếm có nước nào trên thế giới có tiềm năng tự nhiên như vậy. Từ vẻ đẹp tự nhiên, vị trí chiến lược trong khu vực như vậy, Việt Nam được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Đại diện CBRE: Chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các cơ quan quản lý và nhận thấy mọi phía đều đang nỗ lực. Tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào, nhưng công tác quảng bá để du khách quốc tế biết đến thì lại chưa mạnh.
Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những cuộc xúc tiến, quảng bá du lịch tại nước ngoài, cũng như trong nước với sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là những động thái đáng ghi nhận.
Ngoài đường bờ biển dài và đẹp, Việt Nam còn có cả sông nước, núi, đảo. Chính sự đa dạng này đã mang lại sự khác biệt cho Việt Nam.
09:56 ngày 07/09/2017
Hỏi: Chúng tôi có nhiều bạn bè đã đầu tư vào các ngành (cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ) tại Việt Nam. Họ thường phản ảnh rằng, môi trường đầu tư ở Việt Nam chưa được minh bạch và chưa hoàn toàn thuận lợi. Là một người trong cuộc, các ông nhận xét ra sao về môi trường đầu tư ở Việt Nam?
Nhà đầu tư đang chăm chú nghe các thông tin tại sự kiện. |
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC: Nếu nói là không minh bạch thì hoàn toàn không đúng, còn nếu nói rằng đã cực kỳ minh bạch thì cũng chưa thật đúng.
Là một nước đang phát triển, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam trong các lĩnh vực nói chung và ngành du lịch nói riêng vẫn đang trong quá trình cải thiện liên tục, không chỉ cho nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước.
Nhìn từ trường hợp FLC, nhiều năm qua, chúng tôi thường xuyên được các cơ quan chính quyền quản lý hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục chính sách và chúng tôi đã cảm nhận được rất nhiều thay đổi tích cực.
Tôi nhận thấy các thủ tục đầu tư, đối với cả doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, đều được các cơ quan quản lý nhà nước tích cực hỗ trợ và tìm giải pháp nếu còn vấn đề chưa rõ.
09:46 ngày 07/09/2017
Phần hỏi đáp với nhà đầu tư
Hỏi: Chúng tôi hiểu FLC là một doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng, vậy nếu chúng tôi muốn mua BĐS nghỉ dưỡng của FLC có được hay không, có những điều kiện cơ bản gì của Việt Nam mà chúng tôi phải đáp ứng?
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC: Không chỉ bán các sản phẩm riêng lẻ như condotel hay villa nghỉ dưỡng, nếu khách hàng Nhật là nhà đầu tư lớn có nhu cầu, FLC cũng có thể xem xét chuyển nhượng cả dự án.
Có nhiều cách để mua, trong đó có việc mua cổ phần Công ty. Chúng tôi đã tính toán và có phương án để cả nhà đầu tư nhỏ và lớn đều có thể sở hữu sản phẩm của FLC. Với nhà đầu tư nhỏ, có thể mua condotel, villa. Với nhà đầu tư lớn, chúng tôi có thể chuyển nhượng dự án.
Hỏi: Đối với lợi nhuận thu được từ quá trình đầu tư tại Việt Nam, việc chuyển lợi nhuận thu về Nhật Bản của chúng tôi có hạn chế gì không?
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam: Chỉ cần có visa hợp lệ, thậm chí k hông cần bay sang Việt Nam, vẫn có thể mua bất động sản tại Việt Nam.
Có phần lợi nhuận từ việc mua đi bán lại, cũng không có ràng buộc nào trong việc chuyển lợi nhuận về Việt Nam.
Tuy nhiên, với việc mở tài khoản tại ngân hàng, quý vị có thể sẽ cung cấp một số thông tin về nguồn gốc lợi nhuận. Theo kinh nghiệm của CBRE, nhiều nhà đầu tư đã chuyển lợi nhuận về nước thành công với sự giúp đỡ của các ngân hàng.
09:27 ngày 07/09/2017
Ông Norio Hattori, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cố vấn quan hệ đối tác Việt Nam- Nhật Bản cho biết, sau nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam, ông giữ vị trí người đại diện thường trú của Chính phủ Nhật Bản tại các tổ chức quốc tế như Tổ chức OECD về Hợp tác Kinh tế và Phát triển. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2010, ông lập văn phòng riêng, làm việc để tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong các khía cạnh kinh tế và văn hoá.
“Môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, và từ năm 2005 đến năm 2006, đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam đã tăng lên rõ rệt.
Quý quan khách ở đây muốn đầu tư ra nước ngoài trước tiên sẽ quan sát tình hình chính trị, kinh tế với Nhật Bản, sự tương đồng giữa văn hóa có ổn định hay không, tình cảm với nước đó ra sao. Chính trị có ổn định hay không, có nhiều vấn đề xã hội hay không. Đấy chính là điểm quan trọng.
Với người Nhật, người Việt Nam luôn có thái độ tôn trọng. Trên thế giới, Việt Nam là một trong ba nước có thiện cảm nhất với Nhật Bản. Chính trị trong nước và điều kiện xã hội rất ổn định. Người Việt Nam ôn hòa, đối xử thân thiện với nhau, rất cần cù, cố gắng. Đó là những nét đẹp tiềm ẩn”, ông Norio Hattori nói.
Theo ông Norio Hattori, ASEAN hiện đang tiến tới giai đoạn vàng của quá trình hội nhập kinh tế. Bây giờ chúng ta phải coi ASEAN là một chiến lược thị trường và đầu tư. Nhìn theo sự gần gũi của mối quan hệ giữa Nhật Bản, khoảng cách địa lý, dân số, lực lượng lao động, Việt Nam đối tác đầu tư và kinh doanh tốt nhất tại ASEAN dành cho nhà đầu tư Nhật.
Gần 400 nhà đầu tư tham gia tìm hiểu cơ hội đầu tư
“Hội nghị hôm nay được chủ trì bởi Tập đoàn FLC, chủ yếu phát triển khách sạn và biệt thự, sân golf, resort, cùng các mảng hoạt động khác như xuất khẩu lao động, bệnh viện đã. Sức mạnh kinh tế của Tập đoàn FLC đã đưa doanh nghiệp này lọt top 05 doanh nghiệp lớn mạnh nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt được thành công như hiện tại, cũng cần có sự cộng tác của các Công ty Nhật Bản, trong đó có thể là các quý vị đang có mặt ở đây ngày hôm nay.
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết được cho là hiện tượng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh kinh doanh thì tôi với ông Quyết như hai người bạn, và tôi mong muốn ông Quyết và Tập đoàn FLC cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp Nhật Bản sắp tới.
"Tôi cho rằng, hội nghị này chưa thể thay đổi ngay lập tức được một điều gì lớn lao, nhưng tôi cho rằng đây sẽ là bước đệm đầu tiên cho triển vọng hợp tác xán lạn đó”, ông nói.
08:56 ngày 07/09/2017
Cũng theo bà Dung, Việt Nam đã có nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường bất động sản.
Chính sự thay đổi này đã mang lại kết quả giao dịch khả quan trên thị trường bất động sản với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó số người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở tăng từ 126 vào tháng 7/2015 lên 750 người vào tháng 7/2017.
Cùng kỳ, số lượng người nước ngoài giao dịch trung bình tại một dự án tăng từ 0% lên tới 30%. Số lượng người nước ngoài quan tâm trung bình tại một dự án tăng từ 0% lên 50%.
Trong vai trò Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam, bà Dung nhận xét, cơ hội với thị trường bất động sản Việt Nam vẫn ở mức lớn.
Hiện tại, nhu cầu ngày một lớn và một số thị trường nguồn cung vẫn còn khan hiếm là cơ hội tốt cho nhà đầu tư tham gia đầu tư.
08:44 ngày 07/09/2017
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam chia sẻ tổng quan về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, các vấn đề về pháp lý và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam
Theo thông tin của CBRE, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, Việt Nam lọt TOP 3 doanh nghiệp hấp dẫn nhất thị trường Thái Bình Dương năm 2017, chỉ xếp sau Úc và Trung Quốc.
Đầu tư FDI vào Việt Nam tăng cao, và Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất
Mức độ tăng trưởng cao và lạm phát thấp tại Việt Nam góp phần giúp FDI vào Việt Nam cao nhất trong 8 năm qua, trong đó bất động sản chiếm 5% trong tổng số vốn FDI đăng ký, đứng thứ 4.
Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, với cam kết lợi nhuận 8 -10%, đang ở mức cao nhất trên thị trường đầu tư so với các kênh khác.
Bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn chỉ sau chứng khoán. |
08:38 ngày 07/09/2017
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định, năm 2017 là một năm rất quan trọng với nhiều hoạt động ngoại giao song phương Việt – Nhật như chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào tháng 1, tiếp đó là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Nhật Hoàng vào tháng 2 và chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong tháng 6.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản hy vọng, thông qua hội thảo này, Tập đoàn FLC sẽ có thêm nhiều đối tác uy tín Nhật Bản.
“Đây là nền tảng quan trọng giúp quan hệ kinh tế thương mại đầu tư hai nước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và năm tới”, ông Cường nhấn mạnh.
Việt Nam đang trở thành điểm thu hút đầu tư của thế giới, là điểm thu hút đầu tư nhất đối với doanh nghiệp Nhật Bản, vượt cả Thái Lan và Mỹ. Hơn 66% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
“Có thể nói đây là giai đoạn ngoại giao song phương phát triển tốt đẹp nhất trên mọi mặt.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, đây là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa để doanh nghiêp hai nước hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhau. Đây cũng là mong muốn của tôi khi tham dự roadshow và hội thảo của tập đoàn FLC ngày hôm nay”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, với hơn 50 dự án trên 8 tỉnh thành, Tập đoàn FLC hiện đang là nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam.
“Mỗi lần có dịp về nước, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên với sự phát triển bài bản của các tập đoàn bất động sản tại Việt Nam, trong đó có FLC. FLC cho ra mỗi năm một vài sản phẩm, hơn nữa có quy mô rất lớn, đa dạng như quần thể nghỉ dưỡng, sân golf, khách sạn, làm thay đổi diện mạo của tỉnh thành nhận dự án.
Ngoài ra, FLC cũng hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác như hàng không, du lịch, lữ hành. Hy vọng tập đoàn FLC sẽ có thêm nhiều đối tác uy tín Nhật Bản thông qua hội thảo”.
08:30 ngày 07/09/2017
Phát biểu mở đầu chương trình, ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, theo đề án phát triển đã được phê duyệt, Chính phủ Việt Nam xác định đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
Ông Lê Thành Vinh - Tổng giám đốc FLC phát biểu khai mạc chương trình. |
Thực tế cho thấy, nhờ lợi thế về cảnh quan với hơn 3.200 km đường bờ biển chạy dọc chiều dài của đất nước, nhiều vùng vịnh đẹp nổi tiếng thế giới, cùng với những đặc trưng độc đáo về văn hóa, lịch sử…, du lịch Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành 1 trong 5 điểm đến đón nhiều lượt khách quốc tế nhất tại Đông Nam Á.
“Từ những nghiên cứu kỹ lưỡng của Tập đoàn FLC, chúng tôi nhận thấy thị trường du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cho một thời kỳ bùng nổ, mở ra những cơ hội đầu lớn cho lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng”.
Tổng giám đốc Tập đoàn FLC khẳng định, với bề dày hơn 45 năm, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn hữu nghị tốt đẹp hơn bao giờ hết, cả về chính trị và kinh tế, hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Năm 2016, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ ba về du lịch của Việt Nam.
Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thì sự tương đồng về văn hóa và lòng mến khách đã hình thành mối liên kết tự nhiên giữa người dân hai nước, đưa Việt Nam và Nhật Bản trở thành điểm đến du lịch yêu thích của nhau.
Ông cho biết, Tập đoàn FLC hy vọng sự kiện lần này sẽ là cơ hội lý tưởng để mở rộng mạng lưới nhà đầu tư chiến lược hiện có đến từ Nhật Bản, tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính, xây dựng, công nghệ, nông nghiệp và y tế.
May mắn bất ngờ, đại gia Trịnh Văn Quyết 'đòi về' hơn 1.300 tỉ đồng
Diễn biến bất ngờ của cổ phiếu ROS trong phiên giao dịch cuối tuần đã giúp mã này nối tiếp chuỗi tăng ba phiên liên ... |
Vợ đại gia Trịnh Văn Quyết muốn bán hết gần 26,7 triệu cổ phiếu, rút khỏi FLC Faros
Bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông chủ Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã đăng ký bán toàn bộ 26.644.000 cổ phiếu ROS tại ... |
Ông Trịnh Văn Quyết: 'Bamboo Airways sẽ cất cánh ngày 29/12'
Hãng bay của Tập đoàn FLC có thể bắt đầu bán vé từ cuối tháng này. |
Loạt sếp lớn bị phạt hàng chục triệu đồng vì bán ‘chui’ cổ phiếu
Trong số những sếp lớn doanh nghiệp bị xử phạt lần này có ông Trần Minh Phú, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc DIG ... |