Ông Võ Văn Hoan: 'Cấm hay không cấm xe máy chưa nên đặt ra bây giờ'

Để giải quyết được bài toán giảm tải giao thông cho TP.HCM, ông Võ Văn Hoan cho rằng phải thực hiện được các giải pháp lớn như tuân thủ quy hoạch khu trung tâm 930 ha. Còn phương án cấm xe máy cần phải có một lộ trình dài, nghiên cứu toàn diện mới có thể làm được.

Mới là đề xuất và phản biện

Tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội TP.HCM, ông Trần Quang Lâm - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố" nhằm mục đích giải quyết tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường... trong bối cảnh hiện nay phương tiện cá nhân đang phát triển mạnh.

Những ngày qua, đề án nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

Ông Võ Văn Hoan: Cấm hay không cấm xe máy chưa nên đặt ra bây giờ - Ảnh 1.

Xe máy lưu thông từ cầu Rạch Chiếc hướng vào trung tâm TP HCM vào giờ cao điểm. Hiện nay vận tải công cộng chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.

"Dự án này có phạm vi ảnh hưởng lớn và lộ trình dài nên khi có kết quả phản biện thì tư vấn sẽ hoàn chỉnh kết quả nghiên cứu và báo cáo các cấp chính quyền thông qua. Dự án chỉ khả thi khi được cấp thẩm quyền cao nhất chấp nhận và đồng tình của người dân", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, Sở GTVT đã nghiên cứu, lấy ý kiến của người dân để xây dựng các lộ trình. Tuy nhiên, điều kiện cần và đủ của dự án này là khi giao thông công cộng và hạ tầng phát triển, thỏa mãn các điều kiện tiếp cận của người dân. Lúc đó, các ban ngành mới nghĩ tới chuyện tổ chức lại giao thông theo hướng kiểm soát phương tiện cá nhân.

Về cách làm, Sở GTVT sẽ thí điểm khu vực nhỏ. Từ đó, đơn vị này sẽ đánh giá sự đồng thuận của người dân rồi mới hoàn thiện, xây dựng kế hoạch tổng thể. Hoàn thiện cơ chế chính sách về pháp luật về giao thông, quy hoạch, phát triển hạ tầng, phát triển tốt năng lực hạ tầng hiện hữu.

"Cách làm của chúng tôi rất thận trọng, cầu kỳ. Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các nước và cách làm phù hợp với TP.HCM", Phó giám đốc Sở GTVT khẳng định

Cấm hay không cấm xe máy không nên đặt ra bây giờ

Sau khi nghe ông Trần Quang Lâm trình bày, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Chánh nhận định đây là đề án của một cơ quan tư vấn. Sở GTVT sau khi xem xét, đưa ra lấy ý kiến phản biện các cơ quan. Việc lấy ý kiến của các cơ quan là cần thiết, những ý kiến phản biện khác nhau cũng cần thiết cho cơ quan chuyên ngành tiếp thu, hoàn chỉnh đề án này.

Ông Võ Văn Hoan: Cấm hay không cấm xe máy chưa nên đặt ra bây giờ - Ảnh 2.

Hệ thống giao thông công cộng ở TP HCM chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân thay xe máy. Trong ảnh: Một hạng mục nhà ga của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua ngã tư Thủ Đức. Từ năm 2018 đến nay, dự án này gặp phải nhiều vướng mắc về vốn lẫn nhân sự.

Tuy nhiên theo ông Hoan, "vấn đề cấm hay không cấm trong điều kiện hiện nay là chưa nên đặt ra" và đồng thời cho rằng các cơ quan, đơn vị cần tiếp thu hết các ý kiến, phải đặt ngược lại vấn đề đang bàn luận để tìm giải pháp thấu đáo.

"Tôi có coi đề án thì thấy rằng chúng ta thường sử dụng hệ thống hạ tầng cũ trên nền hạ tầng hiện có rồi bằng nhiều cách để phát triển giao thông công cộng. Nhưng với "cái nền" này sẽ không bao giờ phát triển và nhiều năm nữa cũng không phát triển được", ông Hoan chia sẻ.

Theo người đứng đầu văn phòng UBND, chúng ta không nói nhiều về vấn đề quy hoạch phát triển ở khu trung tâm, chưa nói nhiều gì về vị trí trung chuyển thì còn rất lâu nữa để thực hiện đề án này. Sở giao thông cần nghiên cứu, bổ sung thêm để làm đậm nét hơn, làm rõ hơn đề án trên.

Ông cho rằng, TP.HCM không thiếu giải pháp, thậm chí các đề án rất đầy đủ, toàn diện bao gồm giao thông động, giao thông tĩnh, các biện pháp ngắn và lâu dài, cái nhà nước làm, cái của doanh nghiệp làm… Thực tế, các đơn vị thảo luận rất nhiều về vấn đề kẹt xe nhiều năm nay, nhiều ý kiến đứng trên quản điểm, gốc độ cũng còn khác nhau nhiều… Đây chính là thách thức để nhà quản lý làm sao dung nạp các ý kiến đó và cho ra một đề xuất có tính khả thi.

"Trong thực hiện, chúng ta không thể thoát ra được giảm kẹt giao thông. Chúng ta làm chỗ này lại kẹt chỗ khác, chúng ta làm cầu thì kẹt dưới chân cầu. Cuối cùng, chúng ta làm rất nhiều nhưng vẫn loay hoay, lúng túng", vị Chánh văn phòng nói.

Ông Võ Văn Hoan: Cấm hay không cấm xe máy chưa nên đặt ra bây giờ - Ảnh 3.

Ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP HCM

Để giải quyết được bài toán giảm tải giao thông cho TP.HCM, ông Hoan cho rằng phải thực hiện được các giải pháp lớn như tuân thủ quy hoạch khu trung tâm 930 ha.

Trong đó, các yếu tố hạn chế hoặc không cấp phép dự án nhà ở khu trung tâm, phát triển đô thị vệ tinh ngoài khu quy hoạch trung tâm 930 ha. Ông cũng đề xuất một loạt dự án đường trên cao, tận dụng các trục chính, các tuyến đường sông, kênh rạch để làm những tuyến xuyên tâm TP.

Chánh văn phòng UBND TP.HCM giải thích, đường trên cao đi một mạch tới nơi chứ không phải kiểu giao cắt rất nhiều. Cần nghiên cứu phát triển đường trên cao nội đô TP.HCM gồm trục chính và các đường vòng để đi một lượt lên trên đó, để ra ngoài. Còn ai đi vào TP thì di chuyển ở dưới. Đây là dự án đầu tư lớn và TP.HCM có thể kêu gọi BOT.

"Mình muốn phát triển vận tải công cộng nhưng không có đường thì làm cỡ nào thì cũng không thực hiện được. Xe công cộng đi không nhanh hơn xe máy thì xe máy phát triển thôi", ông Hoan nhấn mạnh.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.