Ôsin khuynh đảo năm mới

Sau Tết, nhiều gia đình rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở vì người giúp việc bận “ăn Tết lớn” nên chưa lên làm việc đúng hẹn, trong khi công việc của gia chủ chất đống như núi.

Không người để thuê

osin khuynh dao nam moi
Nhiều gia đình rối tung khi ôsin còn nghỉ Tết. Ảnh minh họa

Những năm trở lại đây, chuyện mong ngóng và tìm ôsin ngày đầu năm luôn là đề tài thời sự nhất của các gia đình neo người trong thành phố. Nhiều lời hứa chắc nịch cho ngày mùng 6 đi làm của ôsin sau khi nhận lì xì và mức thưởng Tết lớn của gia chủ dường như đã bị quên hẳn. Ôsin tiếp tục ăn Tết bỏ mặt mọi sinh hoạt trong gia đình chủ nhân đảo lộn và những cuộc cự cãi không đâu giữa hai vợ chồng khi nhà cửa rối tung.

Anh Nguyễn Thành Công, nhân viên một ngân hàng than vãn: “Con bé giúp việc nhà mình hứa sẽ lên sớm để trông nhà và coi con cho hai vợ chồng đi làm nhưng mùng 5 gọi điện để nhắc khéo, nó không bắt máy nên chẳng biết liên lạc thế nào. Giờ tìm người nhanh nhẹn và hợp ý gia đình như nó khó lắm, đành thuê người làm việc theo giờ chữa cháy nhưng chẳng mấy an tâm”.

Theo tìm hiểu từ các công ty cung cấp dịch vụ người làm việc nhà, đầu năm luôn là thời điểm khan hiếm người làm trong khi nhu cầu lại tăng đột biến. Chúng tôi đã gọi điện cho nhiều công ty cung cấp dịch vụ này, từ công ty lớn để công ty nhỏ, nhân viên từ vấn đều xin số điện thoại nếu có người sẽ gọi ngay. Thậm chí có nơi còn dặn, nên đặt trước Tết năm sau để giữ chỗ.

Một trong những lý do chính tạo nên cơn sốt ôsin ngày đầu năm là những người làm trong lãnh vực này muốn dành thêm một ít thời gian để vui chơi hoặc gần gũi gia đình của mình nên không mặn mà với công việc và đó cũng là một cách ép chủ tăng lương. Đặc biệt, không thể tìm được những ôsin trẻ tuổi trước rằm tháng Giêng vì đây là đối tượng có nhu cầu “nghỉ dưỡng” bậc nhất và nắm bắt giá cả thị trường rất nhanh nhạy nên thường sử dụng chiêu này để “tăng le-vồ”.

osin khuynh dao nam moi
Tìm được người giúp việc hợp với gia đình là rất khó. Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thu Thảo, nhà ở quận 3 kể khổ: “Không năm nào là gia đình không mong ngóng cô người làm mà chẳng cách chi liên lạc được. Gia đình phải xoay sở đủ kiểu những ngày đầu năm cho đến khi người làm xuất hiện. Dẫu trễ hẹn nhưng không dám đuổi vì bây giờ kiếm được một người làm tin tưởng và hiểu tánh ý từng người trong gia đình là một điều rất khó”.

Sướng như ôsin thời @

Cách đây không lâu, hễ nghe nói đến một ai đó phải đi “ở đợ”, “ở mướn” hay gọi lịch sự hơn là... “giúp việc nhà”, nhiều người thường tỏ ra thương cảm bởi lẽ xã hội quan niệm rằng khi làm đến nghề này là chạm đến... cảnh giới của sự khổ. Khổ như ở đợ là chuyện ngày xửa ngày xưa, ôsin thời “a-còng” lắm khi còn làm chủ nhà sợ xanh mặt và sống khỏe hơn nhiều đối tượng lao động khác.

Người giúp việc được bao ăn ở hiện nay giá thị trường từ các công ty cung ứng lao động không dưới 4.000.000 đồng/tháng, lại được gia chủ mua sắm quần áo, giày dép và thỉnh thoảng là một ít quà gửi về quê. Đó là chưa kể đến những hôm trái gió trở giời, ôsin nhớ nhà đòi về quê thì cậu mợ chủ được một phen năn nỉ, xuống nước....

osin khuynh dao nam moi
Nhu cầu cần người giúp việc thời nay vô cùng phong phú nên ôsin đôi khi mặc cả với chủ. Ảnh minh họa.

Nhu cầu cần người giúp việc thời nay vô cùng phong phú. Từ việc chăm sóc con nhỏ, chăm sóc người già, lo việc nhà, thú cưng, cây cảnh... người thành thị đều cần đến bàn tay của ôsin. Việc tìm một người làm lo việc nhà không phải là mốt của các đại gia, mà ngay cả những công nhân viên chức có mức thu nhập trung bình khoảng 6-7 triệu/tháng cũng có nhu cầu.

Chị Hải, nhân viên một công ty nhà nước lý giải: “Vợ chồng tôi đều là người tỉnh lẻ, không có người thân trong thành phố nên khi có cháu là tìm ngay người giúp việc trông con để hai vợ chồng có thời gian đi làm. Cực chẳng đã mới tìm người làm vì chúng tôi phải dè sẻn rất nhiều để trả lương cho họ từ mức lương nhân viên của mình”.

Lâu dần, chính những người dân quê đã tạo nên một “kỹ nghệ săn sóc thành thị”, rồi trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình lúc nào không biết. Cũng vì thế mà một lớp người thành phố dần đã hình thành thói quen ỷ lại, khi người giúp việc về quê, bỏ việc là gia đình lại xào xáo, rối tung và tạo cớ cho ôsin được một phen tăng giá trị của mình.

“Ôsin giờ như cầu thủ ngoại hạng Anh, cứ vào năm mới lại ỏng ẹo tìm cách tăng lương. Nhiều lúc bực mình muốn “chuyển nhượng” nhưng biết lấy gì để trám vào khoảng trống đó nên đành ngậm bồ hòn để giá tăng”, anh Sang, nhân viên một công ty nước ngoài nói về cô ôsin của mình một cách tếu táo mà ngậm ngùi.

Có thể nói, khi được nhận vào giúp việc nhà, chỉ một thời gian ngắn, ôsin hầu như biết rõ mọi việc đã và đang xảy ra trong gia đình chủ, cũng như khoảng cách giữa chủ và ôsin ngày thêm gần gũi. Vì thế, những chuyện tưởng "không bao giờ có thể xảy ra” lại diễn ra rất dễ dàng. Từ chuyện ăn bớt tiền đi chợ, lén phén với cậu chủ, trộm vặt, nhảy việc... đã làm việc tuyển chọn Ôsin vô cùng gắt gao.

Nhiều gia đình trong vòng 1 tháng đã thay đến 5, 7 người làm, có cảnh suốt một năm trời không tìm được người làm ưng ý dù chẳng tiếc tiền thuê người. Lẽ tất nhiên không thể nhắc đến những gia đình có tay “nuôi người” và khá giả thuê đến 2-3 người làm cùng lúc nhưng chẳng một ai bỏ việc và õng ẹo đòi hỏi.

Cuộc sống ngày một phát triển kéo theo nhiều nhu cầu cần được phục vụ và chăm sóc, chính những nhu cầu này phần nào đã đưa vai trò người giúp việc lên một vị trí mới; một nghề cần được xã hội tôn trọng và nhìn nhận để có những bước đào tạo bài bản tránh những trường hợp đáng buồn giữa chủ và tớ.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.