Ôtô có bản đồ đường lưỡi bò vào Việt Nam thế nào?

Từ lúc được hãng đưa về tới khi triển lãm, chiếc Volkswagen có bản đồ đường lưỡi bò đã trót lọt "đi qua" các thông tư, nghị định của ít nhất 3 bộ.

Làm đúng quy định nhưng không kiểm tra

Tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam cho biết chiếc Volkswagen Touareg có bản đồ đường lưỡi bò trưng bày tại Vietnam Motor Show tuần trước được đặt hàng ở hãng mẹ tại Đức. Sau đó, phía hãng mẹ chỉ định cho đại lí Việt Nam nhập từ Trung Quốc. Chiếc xe này được tạm nhập từ tháng 10 và theo dự định tái xuất vào tháng 2/2020.

Volkswagen Việt Nam sau đó đã thừa nhận sơ suất khi không kiểm tra kĩ trước khi mang xe đi trưng bày tại triển lãm. Nhưng ngoài hãng xe, hầu hết cơ quan chức năng đều nói đã "làm đúng theo quy định hiện hành".

Ôtô có bản đồ đường lưỡi bò vào Việt Nam thế nào? - Ảnh 1.

Bản đồ có đường lưỡi bò trên chiếc Volkswagen Touareg trưng bày tại triển lãm.

Tổng cục Hải quan là đơn vị trực tiếp cho phép thông quan chiếc xe này. Trả lời VnExpress, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết là hàng tạm nhập tái xuất để triển lãm, không lưu hành trên đường nên theo quy định, chiếc xe được miễn đăng kiểm.

Do đó khi kiểm tra, cán bộ hải quan chỉ đối chiếu loại xe, số khung, số máy, màu sơn... không rà soát các chi tiết bên trong. Ông cho biết ứng dụng, màn hình hiển thị trong xe này cũng không thuộc diện phải kiểm tra khi làm thủ tục nhập khẩu theo Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô.

"Tuy nhiên, khi nổ máy lên mới phát hiện màn hình trong xe có bản đồ hình lưỡi bò hiển thị trên ứng dụng điều hướng. Đây là điều các cơ quan chức năng, kể cả an ninh phải rút kinh nghiệm", ông Cẩn nhận xét.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương cho biết theo phân công trách nhiệm trong quản lí xe sản xuất, lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu tại Nghị định 116, việc kiểm tra kĩ thuật, an toàn (khí thải, hệ thống phanh, lái...) thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Bộ Công Thương chỉ quản lí về điều kiện cơ sở vật chất, giấy chứng nhận uỷ quyền của hãng xe ở nước ngoài chứ không phải của chiếc xe.

Còn đại diện Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải) thì xác nhận, xe Volkswagen triển lãm không phải qua kiểm tra tại đơn vị này. Ngoài ra, hiện trong quy định chưa có nội dung bắt buộc kiểm tra với ứng dụng bản đồ điều hướng khi các xe làm đăng kiểm.

Ở khâu tổ chức triển lãm, Ban tổ chức Vietnam Motor Show giải thích, chỉ nắm được số lượng xe sẽ trưng bày của mỗi gian hàng, còn vấn đề về các mẫu xe, xuất xứ thì các hãng phải tự chịu trách nhiệm. Sau sự cố, ban tổ chức cho biết "đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc" để có những biện pháp kiểm soát chặt trong các kỳ triển lãm sau.

Ôtô có bản đồ đường lưỡi bò vào Việt Nam thế nào? - Ảnh 2.

Chiếc Volkswagen Touareg có bản đồ đường lưỡi bò trưng bày tại Vietnam Motor Show. (Ảnh: Lương Dũng).

Các bộ, ngành bối rối

Hãng xe đã ngắt kích hoạt chế độ định vị bản đồ và chờ xuất đúng hạn quy định của hải quan Việt Nam. Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Giám sát Quản lí về hải quan (Tổng cục Hải quan), chiếc xe Volkswagen này đang được tạm giữ tại cảng Cát Lái (TP HCM).

Trả lời báo chí, lãnh đạo Tổng cục Hải quan ngày 30/10 khẳng định sẽ nghiên cứu phương án xử lí để mang tính răn đe và không loại trừ việc tiêu hủy chiếc xe. 

"Đây rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, khi bản đồ thể hiện không chính xác về chủ quyền biển đảo quốc gia. Phải xử phạt trước khi quyết định có cho tái xuất hay không", ông Âu Anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, các bộ ngành đều đang bối rối trong cách xử lí. Ông Nguyễn Văn Cẩn cho rằng thậm chí, các Bộ, ngành phải ngồi lại cùng Chính phủ để rút kinh nghiệm không xảy ra trường hợp tương tự.

Theo đại diện Cục Giám sát và quản lí hải quan, hiện có thể áp dụng một số luật để xử lí trường hợp này, như Luật Đo đạc về bản đồ với hành vi sử dụng bản đồ có hình ảnh không chính xác về chủ quyền biển đảo, xuyên tạc về lịch sử.

Ngoài ra, bản đồ này cũng thuộc phạm vi của Luật xuất bản, nên Hải quan đang phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông để xác định hành vi, nhằm có chế tài xử lí nghiêm nhất, mang tính chất răn đe, tránh tái diễn với các sản phẩm nhập khẩu khác không chỉ ôtô.

"Hải quan sẽ cố gắng đưa ra hình thức xử lí sớm. Dự kiến trong tuần này hoặc muộn nhất là đầu tuần sau công bố", lãnh đạo này cho hay.

Viện dẫn khoản 1, khoản 2 điều 123 Luật Thương mại 2005 cấm trưng bày đối với hàng hóa phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; trưng bày, giới thiệu hàng hoá trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn luật sư TP HCM), cho rằng: "Chiếc ôtô có bản đồ đường lưỡi bò rõ ràng là hàng hóa phương hại đến an ninh quốc gia của Việt Nam, trái với truyền thống lịch sử của Việt Nam". 

Ông Vũ cho biết thêm, dựa vào Điểm d, đ Khoản 3 điều 49 Nghị định 185/2013, cho phép nhà chức trách phạt từ 30 đến 50 triệu đồng với hành vi trưng bày, giới thiệu hàng hóa "làm phương hại đến an ninh quốc gia, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục". 

Khoản 4 điều này quy định phạt bổ sung là "tịch thu tang vật". 

"Căn cứ Luật Quản lí, sử dụng tài sản công, tang vật vi phạm hành chính sau khi có quyết định tịch thu sẽ được xác lập là tài sản công. Khi trở thành tài sản công, việc xử lí tiêu hủy sẽ được thực hiện theo Điều 109, Điều 110, Điều 111 và Điều 46 của Luật này", ông Vũ nêu quan điểm.

Trước xe Volkswagen, nhiều mẫu xe Trung Quốc như Zotye, BAIC do công ty Kylin nhập khẩu cũng có tình trạng tương tự.

Đơn vị nhập khẩu này đã xin lỗi khách hàng và thông báo gỡ bỏ ứng dụng Navigation có hình ảnh "đường lưỡi bò". Thế nhưng, trả lời VnExpress, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, "đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp xe lưu hành trong nước có tình trạng như vậy".

Sau sự việc, đồng loạt các cơ quan đã có biện pháp chấn chỉnh. Hải quan cho biết sẽ kiểm tra 100% các lô hàng ôtô nhập khẩu có khả năng vi phạm, phản ánh không đúng sự thật về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ. Đồng thời, cơ quan này phối hợp với cơ quan đăng kiểm kiểm tra về các phần mềm, đặc biệt phần mềm về định vị vệ tinh cài đặt trong xe.

Đại diện Bộ Công Thương nói sẽ xem xét đề xuất Bộ Giao thông sửa Thông tư quy định về kiểm định với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, theo hướng bổ sung quy định kiểm tra phần mềm đi kèm.

Thừa nhận kiểm tra phần mềm trên xe chưa phải nội dung bắt buộc khi đăng kiểm, Cục Đăng kiểm cũng cho biết đã nhắc nhở các doanh nghiệp nhập khẩu xe và các trung tâm đăng kiểm cần kiểm tra chặt chẽ các chi tiết khi thực hiện.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.