PGS.TS Trịnh Hoà Bình: Nếu lòng tốt không thể hiện thì cái xấu sẽ lấn tới

Từ sự việc bị đâm sau khi đưa người bị TNGT đi cấp cứu, PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho rằng việc cứu người bị nạn cũng phải có cách chứ không chỉ có lòng tốt.

Trong những ngày vừa qua, những thông tin anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi, ở xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành) bị đâm sau khi đưa một cô gái trẻ bị thương trong vụ tai nạn giao thông đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành cấp cứu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trong bối cảnh xã hội xuất hiện không ít những ý kiến chê trách sự vô cảm trước những tai nạn giao thông gia tăng thì những sự việc bị hại sau khi cứu người bị tai nạn giao thông lại không phải hiếm.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam về vấn đề này.

PV: Trong xã hội hiện nay xuất hiện nhiều ý kiến chê trách sự vô cảm của mọi người trước những tai nạn giao thông nhưng sự việc bị đâm sau khi cứu người bị tai nạn giao thông cũng không phải hi hữu. Theo ông, đâu là nguồn gốc của những hiện tượng này?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Câu hỏi này nêu ra một vấn đề có thật trong xã hội ta hiện nay. Rõ ràng, từ nhiều tình huống, người ta có thể thấy được một hiện trạng của thứ vị kỷ, thực dụng, vụ lợi. Còn các giá trị sống thì đang trong giai đoạn đứng trước nhiều thách thức. Tất nhiên có thể lý giải bằng câu nói quen thuộc trước đây đó là do tác động của nền kinh tế thị trường.

pgs tstrinh hoa binh neu long tot khong the hien thi cai xau se lan toi
PGS.TS Trịnh Hoà Bình (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên thói tôn thờ đồng tiền, thói vị kỷ và cộng thêm xu hướng gần đây là các giá trị cá nhân được coi trọng hơn thì đưa đến một hệ luỵ đó là mọi người trân trọng lợi ích của mình hơn mà ít quan tâm đến người khác. Sự sẻ chia cho đồng loại cũng giảm thiểu.

Trong điều kiện đó, lòng tốt không thể hiện được bao nhiêu thì cái xấu lại có cơ hội lấn tới. Bằng chứng là người ta tìm mọi cách để thoái thác khỏi những nghĩa vụ xã hội, trách nhiệm giúp đỡ người khác.

Thậm chí còn có những cái xấu, cái ác len lỏi vào tâm hồn trẻ thơ. Ví dụ như việc lũ trẻ ném đá vào xe ô tô hay tàu hoả đang chạy.

Tất nhiên, trong bức tranh đó cũng còn không ít người có lòng tốt nhưng người ta sợ bị hiểu nhầm. Sự việc đối với anh Nguyễn Hải Sơn ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vừa qua không phải là hiếm mà chúng ta đã có rất nhiều ví dụ đã được báo chí phản ánh.

Lòng tốt lắm khi còn bị tổn thương, nghi ngờ, vì thế người ta không dám hô hào bắt cướp có vũ khí vì sợ thiệt đến thân. Nhưng khi đánh hôi trộm chó thì lại rất đông. Tức là khi có đủ sức mạnh thì người ta lại giày vò dù cho tội phạm chỉ là trộm cướp - một mức độ ít nghiêm trọng hơn.

Nói tất cả như vậy không phải để nói rằng cái xấu nhiều hơn cái tốt trong xã hội mà chỉ để thấy rằng, cái xấu, cái đen thường dễ có xu hướng làm cho người ta thấy dường như nó quá nhiều.

Nhưng nếu không chặn đứng và đẩy lùi thì nó sẽ lấn tới nữa nhất là trong bối cảnh đồng tiền "lên ngôi", chúng ta hội nhập ở mức độ chưa sâu, các giá trị cá nhân được nhìn nhận nhiều hơn trước (cũng không thể hiểu là những quyền con người được đề cao thì cái xấu, cái ác nhiều hơn).

pgs tstrinh hoa binh neu long tot khong the hien thi cai xau se lan toi
Anh Nguyễn Hải Sơn bị đâm sau khi đưa người bị nạn đi cấp cứu trong bệnh viện (Ảnh: Vietnamnet)

PV: Vậy thưa ông, khi gặp người bị tai nạn giao thông ngoài đường nói riêng và những người bị nạn nói chung thì nên ứng xử như thế nào?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Nếu ai còn lương tri, khi gặp tai nạn giao thông thì đều sẽ đưa người bị nạn đi cấp cứu. Tất nhiên, chúng ta có thể có nhiều cách ứng xử khi gặp những tính huống tương tự như vậy. Mấu chốt ở đây là mọi người sợ vì có thể bị hiểu lầm.

Vậy thì một trong những giải pháp tại thời điểm đó chính là hô hào mọi người cùng chung tay vào cứu giúp người bị nạn để giảm thiểu khả năng bị nghi ngờ.

Còn trong trường hợp vụ việc ở huyện Thuận Thành mà báo chí đăng tải mấy ngày qua thì người bị đâm hàon toàn có thể hô to: "Tôi là người cứu giúp chứ không phải đâm người" khi thấy những người kia đến.

Rõ ràng, trong các trường hợp cứu người bị nạn (không chỉ riêng trường hợp này), người cứu giúp cũng cần có kỹ năng chứ không phải chỉ có lòng tốt. Ở nước Mỹ, người ta dạy hay kêu gọi, hãy báo cho nhà chức trách và tìm cách để ai đó làm đúng việc của mình.

Tôi cho rằng việc dạy như vậy là hoàn toàn chính xác. Nếu anh không có kỹ năng thì anh còn gây tổn thất cho xã hội. Cụ thể, nếu anh xông vào bắt cướp có hung khí mà bản thân lại không có võ nghệ hay cách thức nào khác hữu hiệu thì chắc chắn chính mình sẽ hại mình, làm ảnh hưởng đến người khác.

Cá nhân tôi, tôi sẽ không từ bỏ việc tham gia vào những công việc cứu giúp người khác. Nhưng tôi nghĩ rằng rõ ràng việc cứu người cần phải có cách, được tổ chức, cần phải tỉnh táo thay vì tham gia một cách mù quáng.

Tôi nói điều này có thể động chạm đến không ít người có tấm lòng tốt, sẵn lòng cứu người nhưng có sự tỉnh táo, có sử dụng trí tuệ để lựa chọn biện pháp, kỹ năng phù hợp thì vẫn hơn.

Câu chuyện cứu người đuối nước là một ví dụ khá điển hình. Đó là không nên xuống cứu người bị đuối luôn mà phải chọn thời điểm khi người bị đuối nước đã yếu rồi mới kéo lên từ phía sau. Nếu cứu lúc người ta vùng vẫy, với bản năng sinh tồn của người sắp chết đuối, người bị nạn rất có thể sẽ dìm người đến cứu mình xuống nước.

PV: Bên cạnh việc những giá trị cá nhân được đề cao, trong xã hội hiện nay có không ít trường hợp xảy ra các vụ án mạng chỉ bởi những va chạm rất nhỏ ngoài đường. Ngay trong vụ việc ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cũng có nét tương tự khi chỉ vì chưa tìm hiểu sự việc, nam thanh niên đã rút dao đâm người có ơn với bạn mình. Phải chăng người ta đang hung hăng hơn?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Nếu nói đến hung hăng hơn thì trong trường hợp vụ việc ở Thuận Thành, không phải vì cái cá nhân của người ta được giải thoát mà vấn đề chính là nhân cách của kẻ đâm người có vấn đề.

Dù chưa đủ dữ kiện để nói cụ thể hơn về kẻ đâm người nhưng với những thông tin trong hồ sơ về việc đối tượng đã có tiền sự về hành vi cố ý gây thương tích và mức độ quen biết với cô gái ở dạng sơ sơ thì có thể nhận định như thế.

Việc được người khác gọi đến để cứu giúp người bị nạn, khi đến bệnh viện chưa kịp hỏi han người bị nạn đã đâm người khác, rõ ràng đó là sự thiếu hiểu biết nhưng lại hung hăng và thích khoe mẽ, sức mạnh cơ bắp, thể hiện sự hung đồ thay vì dùng trí tuệ.

PV: Dưới góc độ một chuyên gia về xã hội học, theo ông việc thiếu kỹ năng cứu người bị nạn cũng như việc có những người có xu hướng thích khoe mẽ và sức mạnh cơ bắp như ông vừa nói đến là do đâu?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Một phần chính là do giáo dục. Việc giáo dục trong gia đình và giáo dục trong cộng đồng, tính hướng đích của cả xã hội ta trong giai đoạn vừa qua chưa được chú ý một cách đặc biệt.

Xin cám ơn ông!

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.