Phân bón giả len lỏi cả vào phòng kiểm nghiệm, kiểm định

Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang gây tâm lí hoang mang cho người nông dân và ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển nông nghiệp.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch, Kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội phân bón Việt Nam trong Hội thảo Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam được tổ chức sáng nay (28/9), tại Hà Nội.

Phân bón giả len lỏi cả vào phòng kiểm nghiệm, kiểm định.

Theo báo cáo của Cục Quản lí thị trường (Bộ Công Thương), hằng năm Cục đều tiến hành kiểm tra, xử phạt sản xuất, kinh doanh phân bón giả, bình quân mỗi năm có gần 4.000 vụ vi phạm.

Đặc biệt, các sản phẩm phân bón giả không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất, đại lý kinh doanh mà còn len lỏi vào cả phòng kiểm nghiệm, kiểm định... đánh lừa người tiêu dùng.

Phát biểu trong hội thảo, ông Nguyễn Hạc Thúy cho biết: “Tình hình sản xuất phân bón bằng công nghệ “cuốc, xẻng”, nhái nhãn mác, bao bì các thương hiệu nổi tiếng đã giảm đi rõ rệt. Nhưng sản phẩm không bảo đảm về chất lượng lại đang nở rộ”

“Nhiều vụ bắt giữ phân bón giả được chứa trong các bao bì nhãn mác của các doanh nghiệp có uy tín, nhưng nếu quy định hàm lượng dinh dưỡng trên giấy phép bao bì NPK là 53%, qua kiểm tra chỉ đạt gần 3%...Như vậy, khác nào múc đất bán cho nông dân? Phân bón giả được thu giữ là đất vì bản thân đất tự nhiên ở nước ta rất nhiều vùng tự nó có hàm lượng dinh dưỡng tương tự như... phân bón giả”, ông Thúy nói.

Dẫn lời thống kê của Hiệp hội Phân bón, ông Thúy nói: “Cả nước có từ 800-1.000 cơ sở sản xuất mặt hàng này. Trong đó, gần 50% số mẫu phân bón được kiểm tra không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật về tổng chất lượng dinh dưỡng, mập mờ hàm lượng trên vỏ bao bì... gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.”

Từ đó, ông Thúy nhận định: “Phân bón Việt Nam hiện là một nền phân bón tự phát, nơi nào cũng làm được phân bón và chưa có một cuộc cách mạng nào để lập lại trật tự lĩnh vực này.”

Ví dụ cụ thể về tình trạng “phân bón tự phát, nơi nào cũng có thể làm”, ông Thúy nói: "Từ tháng 8/2015 - quý I/2016, chúng tôi điều tra trên 80% tỉnh thành thì đã có khoảng 800 cơ sở sản xuất phân bón. Riêng TPHCM đã có 491 công ty, chi nhánh, trong đó hơn 267 đơn vị sản xuất phân bón".

phan bon gia len loi ca vao phong kiem nghiem kiem dinh
Toàn cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, ông Thúy còn thẳng thắn chỉ ra hàng loạt những vi phạm trong kinh doanh phân bón giả bị phát hiện.Thế nhưng, những vụ việc này chỉ bị xử phạt hành chính hoặc là bị “chìm đi”.

Từ những vụ kinh doanh phân bón giả bị “chìm đi” hoặc chỉ bị xử phạt hành chính, ông Thúy ghi ngờ về lợi ích nhóm, bảo kê của lực lượng thi hành công vụ trong những vụ việc này. “Tại sao? Việc này có nên cho là điển hình về lợi ích nhóm hay không? Các bộ ngành nghĩ sao?”, ông Thúy thắc mắc.

Phải thiết lập lại thị trường phân bón

Dưới góc độ của người làm chuyên môn, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT thẳng thắn thừa nhận, ngay cả bản thân ông, nhiều khi cũng không thể phân biệt được đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả.

“Hiện tại, trên thị trường Việt Nam có khoảng 5.700 sản phẩm phân bón. Trong khi, ở các nước trên thế giới chỉ có khoảng 300 sản phẩm. Có quá nhiều sản phẩm, dẫn đến việc khó phân biệt sản phẩm, dù cho đó là người làm chuyên môn”, ông Cường thẳng thắn nói.

phan bon gia len loi ca vao phong kiem nghiem kiem dinh
Xử lý vi phạm phân bón giả bằng hình thức hành chính,nhưng mức độ xử phát quá thấp nên các doanh nghiệp vẫn lộng hành. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo hải quan.

Giải thích cho tình trạng có quá nhiều sản phẩm phân bón tồn tại trên thị trường, không thể phân biệt được thật - giả, ông Cường cho rằng, tình trạng ấy xuất phát từ việc bất cập trong khâu quản lý, cơ chế xử phạt quá nhẹ và thấp. Một mặt hàng phân bón, hai bộ chia nhau quản lý là không nên.

“Xử lý vi phạm phân bón giả bằng hình thức hành chính,nhưng mức độ xử phát quá thấp nên các doanh nghiệp vẫn lộng hành. Nói như dân gian chỉ là gãi ghẻ nên họ không sợ, họ sẵn sàng sai phạm và nộp phạt là xong.", ông Hùng thẳng thắn nói.

Việc chồng chéo hai cơ quan quản lý nhà nước khiến cho cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, khi các đại lý, cửa hàng bán phân bón đăng ký giấy phép thì phải chạy đi cả hai bộ để xin giấy phép, điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp.

"Tôi xin lỗi bên Bộ Công Thương, rõ ràng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn hiểu hết về cây trồng, dinh dưỡng cây trồng nhưng quyền hạn về vấn đề cấp phép lại rất ít. Còn với Bộ Công Thương, thì chỉ quản lý về công nghiệp thì cấp phép cũng rất khó khăn với các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp xin giấy phép bán thì phải xin cả bên Bộ Công Thương và cả giấy phép của Bộ Nông nghiệp, rất chồng chéo", ông Cường thẳng thắn nói.

Từ những bất cập trên, ông Thúy kiến nghị, vấn đề cần thiết nhất trong thời điểm này là phải thiết lập lại thị trường phân bón, tạo điều kiện để người nông dân yên tâm sản xuất.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.