Vụ việc bác sĩ N.L.M.T (làm việc tại bệnh viện Truyền máu Huyết học, TP HCM) bị tố có hành vi vòi tiền người bệnh để kê đơn thuốc đã gây chấn động dư luận những ngày qua.
Được biết, bác sĩ T. là cán bộ giảng của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, công tác tại bệnh viện Truyền máu Huyết học theo hợp đồng hợp tác thực hành viện trường từ năm 2012. Hiện tại T. được phân công làm công tác khám chữa bệnh tại khu điều trị tổng hợp trực thuộc khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực.
Từ cuối năm ngoái đến nay, bác sĩ T. đã lợi dụng tín nhiệm để nhận tiền của 15 người bệnh với tổng số tiền là 81 triệu đồng với lời hứa "sẽ làm xét nghiệm bên ngoài, chích một loại thuốc làm giảm đau, kéo dài sự sống".
Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ bệnh án và biên bản họp của khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực, người bệnh hoàn toàn không được thực hiện loại thuốc nào hay xét nghiệm nào bên ngoài bệnh viện. Tất cả các y lệnh trong hồ sơ bệnh án đều thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của bệnh viện, thể hiện rõ ràng và khớp với phiếu thực hiện thuốc của điều dưỡng và người bệnh cũng có ký xác nhận vào phiếu công khai thuốc hàng ngày.
Bệnh viện Tuyền máu - Huyết học nơi xảy ra vụ việc
Như vậy bác sĩ T. hoàn toàn không cung cấp bất kỳ loại thuốc hay xét nghiệm bên ngoài nào cho người bệnh. T. có thể thực hiện được hành vi lừa dối trên là do đa phần người bệnh ở khu điều trị tổng hợp là những bệnh nhân ung thư, tiên lượng bệnh xấu, không có khả năng điều trị triệt để theo phác đồ.
Người bệnh thường xuyên phải vào bệnh viện vì diễn tiến bệnh ngày càng nặng, hết sức tin tưởng vào bác sĩ điều trị nên nhẹ dạ đưa tiền cho bác sĩ T. để mong được giảm nhẹ nỗi đau bệnh tật.
Đánh giá vụ việc, luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng bác sĩ T. có thể bị xử lí trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vì đã đưa ra thông tin giả khiến người khác tưởng là thật để chiếm đoạt tài sản. Theo đó, bác sĩ này có thể nhận mức án từ 2-7 năm tù theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự (BHLS).
Ngoài ra, luật sư Tuyền cho rằng bác sĩ T. có khả năng chịu thêm tình tiết tăng nặng theo điểm k khoản 1 Điều 52 BLSH vì bị hại là người "đang lệ thuộc mình".
Trước đó, BS.CKII Phù Chí Dũng - Giám đốc bệnh viện Truyền máu – Huyết học (BV TMHH) đã gửi thông tin đầy đủ về vụ việc. Đơn vị đã kiểm tra và nhận thấy rằng đây là vi phạm cá nhân của bác sĩ T., không liên quan đến cá nhân hay tập thể nào khác trong bệnh viện.
Ông Dũng cho biết, bác sĩ T cũng đã nhận ra sai lầm của mình, rất suy sụp tinh thần ăn năn hối hận vì những việc mình làm. Bệnh viện đã động viên bác sĩ T thành khẩn khai báo hết toàn bộ người bệnh có liên quan để bệnh viện hỗ trợ liên lạc và bồi hoàn lại cho người bệnh.
"Chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến những người bệnh đã bị tổn hại. Bệnh viện cũng cố hết sức để khắc phục phần nào những thiệt hại mà người bệnh gánh chịu. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thiện các quy trình khám chữa bệnh để đảm bảo không tái diễn những trường hợp tiêu cực tương tự", giám đốc BV TMHH khẳng định.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã sửa đổi bổ sung năm 2017), như sau:
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;