Bộ Y tế vào cuộc vụ bác sĩ bị hành hung chấn thương sọ não | |
Bé trai bị thang cuốn ở sân bay Tân Sơn Nhất phải cắt một ngón tay | |
Quá tải cấp cứu, bệnh nhân phải chờ mổ 12 tiếng ở Bệnh viện Chợ Rẫy |
Kết luận thanh tra của Sở Y tế gửi UBND TP HCM. Ảnh: M.K |
Sở Y tế vừa có văn bản gửi UBND TP HCM về việc báo cáo một số vấn đề liên quan đến phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt TPHCM (280 Điện Biên Phủ, quận 3). Báo cáo này thể hiện, trong năm 2016, Bệnh viện (BV) Mắt TP HCM phẫu thuật tổng cộng hơn 84.000 bệnh nhân (ca - PV). Trong đó có hơn 23.000 ca phẫu thuật Phaco (điều trị đục thủy tinh thể) và hơn 9.000 ca phẫu thuật Lasik (điều trị cận, viễn, loạn thị...).
BV có 65 phẫu thuật viên, nhưng chỉ riêng ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc BV Mắt TP HCM có hồ sơ phẫu thuật hơn 3.600 ca (trong đó có hơn 1.700 ca Phaco và hơn 1.900 ca Lasik). Còn bác sĩ Phí Duy Tiến, Phó giám đốc BV Mắt có hồ sơ mổ tổng cộng 1.834 ca (trong đó có mổ 1 ca Phaco); Bác sĩ Võ Thị Chinh Nga, Phó giám đốc BV có hồ sơ mổ 1.570 ca (trong đó có 1 ca mổ Phaco).
Báo cáo của Sở Y tế TPHCM cho thấy, dù trong thời gian nghỉ phép hoặc không có mặt tại BV nhưng ông Trần Anh Tuấn vẫn ký tên ở 38 hồ sơ bệnh án phẫu thuật Phaco; Phó Giám đốc BV Phí Duy Tiến ký 9 hồ sơ phẫu thuật Phaco và Phó Giám đốc Võ Thị Chinh Nga ký 5 hồ sơ phẫu thuật Phaco.
Những con số kê khai nhằm "lách luật" của lãnh đạo BV Mắt TP HCM. Ảnh: M.K |
Qua kiểm tra hồ sơ, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế phát hiện, Giám đốc Trần Anh Tuấn không trực tiếp ký hồ sơ mà nhân viên BV sử dụng "mộc chữ ký" của BS Trần Anh Tuấn đóng dấu trên hồ sơ bệnh án (phần chỉ định mổ, phần chủ tọa).
Trong năm 2016, chỉ riêng tiền thù lao phẫu thuật của ông Tuấn lên đến hơn 4,3 tỉ đồng. Bên cạnh đó, phiếu tường trình phẫu thuật Lasik không có thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc ca mổ, thông tin về ca mổ ghi không đầy đủ; không có phần ghi nhận chăm sóc thực hiện thuốc cho bệnh nhân.
Phiếu tường trình phẫu thuật đã được in sẵn, trong khi quy định là phẫu thuật viên viết trên từng ca bệnh do chính BS mổ. Phiếu điều trị cũng được in sẵn diễn tiến bệnh, thuốc chỉ định cho bệnh nhân, phẫu thuật viên chỉ việc… ký tên.
Theo quy định, phải có phiếu kiểm tra bệnh nhân trước khi mổ, nhưng qua kiểm tra một số hồ sơ bệnh án của BV Mắt không có, thậm chí không có tờ tường trình phẫu thuật.
Bản báo cáo ghi rõ những sai phạm của lãnh đạo bệnh viện Mắt, và xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP HCM. Ảnh: M.K |
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế còn kết luận, trong năm 2016, ông Trần Anh Tuấn thu nhập thực tế tại BV lên đến hơn 8 tỉ đồng nhưng chỉ kê khai 4 tỉ đồng, nộp thuế hơn 2,6 tỉ đồng; năm 2015, thu nhập hơn 6,1 tỉ đồng nhưng kê khai chỉ 2,6 tỉ đồng, nộp thuế hơn 1,9 tỉ đồng.
BS Phí Duy Tiến năm 2015 thu nhập gần 3,2 tỉ đồng, kê khai 3 tỉ đồng, nộp thuế hơn 900 triệu đồng; năm 2016 thu nhập hơn 3,5 tỉ đồng, kê khai 2,5 tỉ đồng, nộp thuế hơn 1 tỉ đồng. BS Võ Thị Chinh Nga năm 2015 thu nhập hơn 1,6 tỉ đồng, kê khai 1,2 tỉ đồng, nộp thuế 384 triệu đồng; năm 2016 thu nhập hơn 2,4 tỉ đồng, kê khai 1,5 tỉ đồng, nộp thuế 674 triệu đồng.
Theo Sở Y tế TP HCM, việc Ban giám đốc BV Mắt TP HCM để xảy ra những sai phạm trên thì trách nhiệm chính thuộc về giám đốc BV. Trong thời gian chờ xử lý vi phạm của tập thể và cá nhân liên quan, Sở Y tế yêu cầu BV chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm; yêu cầu các cá nhân sai phạm kiểm điểm để xem xét hình thức kỷ luật. Với vi phạm kê khai không trung thực; hưởng thù lao phẫu thuật trong khi không mổ... sẽ xử lý theo từng quy định riêng.
Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện Mắt TP HCM. Ảnh: M.K |
Đối với ông Trần Anh Tuấn, sau khi có kết quả xử lý kỷ luật, Sở Y tế sẽ có ý kiến chính thức về việc tái bổ nhiệm. Liên quan đến vụ việc này, UBND TP HCM vừa có công văn chỉ đạo Thanh tra thành phố lập đoàn tiến hành thanh tra toàn diện đối với BV Mắt TP HCM. Thời kỳ thanh tra từ năm 2014 - 2016, báo cáo kết quả cho UBND TP vào ngày 15/5.
UBND TP HCM cũng thống nhất về việc không tái bổ nhiệm đối với ông Trần Anh Tuấn (nguyên Giám đốc BV Mắt TP.HCM), đưa ông Tuấn về Sở Y tế, chờ kết quả thanh tra của Thanh tra TP rồi xử lý theo quy định.