Phát triển công nghiệp hiện đại ở Đồng Nai - Bài 2: Hình thành chuỗi kết nối khu công nghệ cao

Với vị trí tiếp giáp Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, việc kết nối phát triển lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai được đánh giá khá thuận lợi.

Đồng Nai hiện chưa có khu công nghệ cao chuyên biệt như TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với định hướng nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, tỉnh đã và đang hướng tới thu hút đầu tư và hình thành các dự án công nghệ cao.

Với vị trí tiếp giáp Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, việc kết nối phát triển lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai được đánh giá khá thuận lợi.

Từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao

Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở nhiều địa phương sụt giảm nhưng tại Đồng Nai việc thu hút vốn FDI vẫn rất khả quan.

Cụ thể, kế hoạch năm 2021, thu hút vốn FDI vào tỉnh khoảng 700 triệu USD, nhưng mới 10 tháng đã đạt trên 1,1 tỷ USD, vượt hơn 400 triệu USD.

Ngày 15/11 vừa qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho KSM và Flowserve KSM (Hàn Quốc) đầu tư dự án Nhà máy sản xuất, gia công KSM ENG VINA tại Khu công nghiệp Giang Điền.

Dự án sẽ sản xuất các cấu kiện kim loại dùng trong các ngành công nghệ cao như sản xuất thiết bị bán dẫn, thiết bị hiển thị, hàng không vũ trụ, y tế (trong quy trình sản xuất không bao gồm công đoạn xi mạ)… với quy mô 108.505 sản phẩm/ năm (tương đương 361 tấn sản phẩm/ năm).

Trong hai năm qua, một số tập đoàn Hàn Quốc đã đầu tư vốn lớn vào tỉnh Đồng Nai như: Tập đoàn Changshin đầu tư gần 100 triệu USD ở Khu công nghiệp Tân Phú; Tập đoàn Hansol Technics đầu tư vào Khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 2, khoảng 100 triệu USD; Tập đoàn Intops đầu tư vào Khu công nghiệp Amata 30 triệu USD...

Phát triển công nghiệp hiện đại ở Đồng Nai - Bài 2: Hình thành chuỗi kết nối khu công nghệ cao - Ảnh 1.

Với những khu đô thị hiện đại được hình thành, Đồng Nai có nhiều thuận lợi để thu hút chuyên gia, lao động tay nghề cao, qua đó nâng cao đầu tư chất lượng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp. (Ảnh: Công Phong - TTXVN).

Theo ông Kim Byunggi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity, Tập đoàn Hansol Technics đầu tư nhà máy sản xuất các loại linh kiện điện tử tại Đồng Nai là để cung cấp cho Samsung.

Đây là khu vực công nghiệp phát triển, giao thông thuận lợi nên đặt nhà máy trên địa bàn sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa nhanh, đồng thời dễ dàng tìm thêm đối tác liên kết cung ứng sản phẩm đầu vào.

Những năm gần đây, song song với việc thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ vào các khu công nghiệp, Đồng Nai cũng quan tâm đầu tư cho các dự án khu công nghiệp công nghệ cao, hiện đại.

Hiện nay, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang triển khai xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành với tổng diện tích hơn 400 ha, vốn đầu tư hơn 280 triệu USD.

Khu công nghiệp này có vị trí đắc địa khi nằm trong vùng trung tâm của đô thị Long Thành và sẽ ưu tiên thu hút các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch.

Ngoài ra, trong năm 2020, tỉnh Đồng Nai cũng đang làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai Dự án khu công nghệ cao Việt – Hàn (Techno Park), do Công ty cổ phần liên doanh Techno Park Việt Nam – Hàn Quốc làm chủ đầu tư với số vốn đăng ký 150 triệu USD, tổng diện tích khoảng 300 ha.

Dự kiến, Techno Park sẽ thu hút được từ 2 – 3 tỷ USD vốn đầu tư trong khoảng thời gian từ 6 – 9 năm sau khi đi vào hoạt động.

Mục tiêu thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao, Techno Park hướng tới thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao từ Hàn Quốc cũng như các nước phát triển khác đến với Đồng Nai nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng trên các lĩnh vực.

Dự án sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển với các phòng thí nghiệm, kiểm định dùng chung; trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao; trung tâm đổi mới sáng tạo và ươm tạo công nghệ cao.

Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, quá trình chuyển hướng thu hút đầu tư đang được Đồng Nai thực hiện mạnh mẽ. Tỉnh đã quy hoạch 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ với những ngành nghề chất lượng cao.

Hiện nay, các khu công nghiệp đang dần được lấp đầy nên sẽ có những khu khác được mở rộng thêm. Để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, Đồng Nai rất muốn “kéo” các doanh nghiệp công nghệ cao về, nâng chất hoạt động công nghiệp trên địa bàn.

“Dù thực tế tỉnh chưa có khu công nghệ cao như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nhưng Đồng Nai cũng đã định hướng các khu công nghiệp công nghệ cao. Đồng Nai hoan nghênh và sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao đến địa phương đầu tư”, ông Cao Tiến Dũng chia sẻ.

Tạo chuỗi kết nối với TP Hồ Chí Minh

Sự phát triển công nghệ cao cũng như công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai được xem là thuận lợi, nhờ vị trí địa lý giáp Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cũng như các tuyến giao thông kết nối đa dạng.

Sau 19 năm hình thành và phát triển, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã thu hút thành công nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung... Hiện việc đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cũng được TP Hồ Chí Minh kết nối với các “vệ tinh” xung quanh.

Thời gian qua, Khu Công nghệ cao và Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố đã làm việc với chủ đầu tư về tổ chức tìm kiếm nhà cung cấp và khảo sát thực địa các nhà máy của nhà đầu tư tại địa phương lân cận.

Khu Công nghệ cao cũng làm việc với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu về ký kết thỏa thuận phối hợp liên kết vùng, triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong định hướng phát triển tới đây, Khu Công nghệ cao Thành phố định hình thành một khu thu hút FDI công nghiệp công nghệ cao từ các công ty đa/xuyên quốc gia có tiềm lực mạnh về công nghệ cao nhằm thu hút, thích nghi hóa và khuếch tán công nghệ cao tới các ngành công nghiệp có thế mạnh của thành phố và khu vực.

Khu cũng sẽ tăng cường đầu tư các hoạt động nghiên cứu – triển khai, phát triển năng lực nội sinh về công nghệ cao, xây dựng Khu trở thành nguồn động lực công nghệ cao cho phát triển kinh tế ở phía Nam và cả nước.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Khu đã tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghệ cao và kinh nghiệm triển khai dự án tại đây đã đóng góp cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, văn bản pháp quy liên quan đến phát triển công nghệ cao của thành phố và cả nước.

Thành công bước đầu của Khu là cơ sở cho các tỉnh, thành phố mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư các khu công nghệ cao địa phương. Tính lan tỏa của Khu Công nghệ cao cũng bao gồm thúc đẩy hình thành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao ở các khu công nghiệp lân cận.

Trong phát triển giao thông, Đồng Nai có nhiều tuyến đường kết nối trực tiếp với TP Hồ Chí Minh như: Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, Xa lộ Hà Nội.

Trước đây, Đồng Nai từng kiến nghị kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến thành phố Biên Hòa và đã được TP Hồ Chí Minh chấp thuận, đến nay, Đồng Nai vẫn giữ nguyên quan điểm này.

Theo kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện đường Vành đai 3, Vành đai 4, từng bước kết nối giữa các khu công nghệp, khu đô thị vệ tinh, cung cấp các dịch vụ thiết yếu bổ trợ cho các khu công nghiệp gắn với việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến giao thông chính.

Đây là tiền đề quan trọng để phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa giữa hai địa phương, trong đó có thể hình thành chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ cao giữa Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp vệ tinh tại Đồng Nai.

Dự báo thời gian tới, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục “đổ” mạnh vào Đồng Nai. Tỉnh Đồng Nai đang chú trọng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, dịch vụ để phát huy lợi thế.

Qua đó, thú hút những tập đoàn, doanh nghiệp FDI có tiềm lực lớn về công nghệ, tài chính đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược tăng trưởng xanh.

Hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư phát triển. Định hướng của Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh gắn với liên kết những vệ tinh xung quanh để phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp công nghệ cao.

Hiện nhiều đô thị, khu dân cư khu vực tiếp giáp Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh cũng đã và đang hình thành, là tiền đề để thu hút chuyên gia, người lao động tay nghề cao phục vụ định hướng phát triển của hai địa phương.

chọn
[Infographic] 8 dự án sẽ đóng góp 1.700 ha quỹ đất công nghiệp cho TP HCM thời gian tới
Trong thời gian tới, nguồn cung mới đất công nghiệp của TP HCM dự kiến có khoảng 1.759 ha đến từ 8 dự án tại Bình Chánh, Nhà Bè và Củ Chi.