Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản Đồng Nai diễn ra sôi động, thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư xây dựng.
Theo Báo Đồng Nai, hầu hết các doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực bất động sản đều đã có mặt tại tỉnh này và tham gia vào nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị như Novaland, Amata, Daewoo E&C, Nam Long, Đất Xanh, Kim Oanh, Sun Group, FLC, Thăng Long, DIC, VinaCapital, Vingroup, Taekwang...
Không chỉ các chủ đầu tư dự án, các nhà đầu tư thứ cấp cũng quan tâm đến thị trường Đồng Nai khiến cho các thương vụ mua bán, sang nhượng đất đai, đấu giá diễn ra sôi động.
“Cơn sốt” đất ở Đồng Nai kéo dài liên tục hơn ba năm nay và chưa có dấu hiệu lắng xuống khiến giới đầu tư bất động sản lo ngại giá đất bị đẩy lên cao so với giá trị thực.
Báo Đồng Nai dẫn lời một người dân sống tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành cho biết, cách đây 5 năm, đất trên địa bàn xã chỉ từ 500 - 800 triệu đồng/sào (1.000 m2), nhưng ba năm trở lại đây, dự án Sân bay Long Thành khởi động khiến đất “sốt” lên đến 2 - 3 tỷ đồng/sào. Giá đất ở hiện nay cũng tăng 30 - 100% so với ba năm trước.
Trên thị trường hiện nay, giá bất động sản tại nhiều địa phương thường "ăn theo" các dự án cơ sở hạ tầng. Song, theo nhận định của giới chuyên môn, nếu so về hạ tầng, số khu công nghiệp, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài... của Đồng Nai không bằng các địa bàn khác lân cận TP HCM như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... nhưng giá bất động sản tại Đồng Nai lại cao hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Lý giải về xu hướng này, tại talkshow "Thị trường siêu tiềm năng Đồng Nai" do diễn đàn Review Bất động sản tổ chức, ông Trần Quang Liêm - CEO CTCP Tư vấn và Đầu tư Bất động sản Đại Điền Hưng cho biết, việc giá bất động sản Đồng Nai nhỉnh hơn tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu có thể nhìn nhận qua ba vấn đề.
Thứ nhất là có nhiều người quan tâm và kỳ vọng vào thị trường bất động sản Đồng Nai, hơn các khu vực còn lại.
Thứ hai là bản thân Đồng Nai hiện nay cũng có nhiều thông tin quy hoạch, nhiều thông tin tốt cho định hướng đầu tư hơn giai đoạn trầm lắng trước đây.
Phân tích về tiềm năng của thị trường Đồng Nai, ông Liêm cũng đã nhận định, Đồng Nai có các thế mạnh để có thể vươn xa, giúp cho vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ, trở thành đầu tàu kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2030, với ba hướng chính: bất động sản công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Đồng Nai lại chính là trọng điểm trong tất cả các dự án trọng điểm của Việt Nam 10 năm tới. Tất cả các lợi thế này "đổ" về hướng Đồng Nai, làm cho nhà đầu tư có mức kỳ vọng tốt về thị trường.
Điểm đáng chú ý thứ ba là trong giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Nai là một trong ba địa phương ngoài TP HCM và Hà Nội có mức đầu tư công cao nhất.
Ông Liêm nhận định, các nhà đầu tư công nghiệp đã nhìn nhận ra rằng dự án trọng điểm cấp quốc gia - sân bay Long Thành có mục tiêu chính là giúp hoàn thiện toàn bộ hệ thống logistic hướng đến cảng Cái Mép - Thị Vải. Xung quanh quỹ đất này sẽ rất thích hợp phát triển các khu công nghiệp.
Khi các chủ đầu tư lớn về mảng bất động sản công nghiệp bắt đầu tham gia vào thị trường, các chủ đầu tư xây dựng cũng kéo về đấu giá đất xung quanh các khu công nghiệp để phát triển hạ tầng, khu dân cư, khu đô thị. Điều này tiếp tục dẫn đến hiện tượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ, trung cấp cũng sẽ hướng về thị trường Đồng Nai nhiều hơn.
"Đó chính là lý do tại sao thời điểm này và 10 năm tiếp theo, mọi vấn đề từ truyền thông, thông tin đến đầu tư công, hạ tầng đều sẽ hướng về Đồng Nai. Giai đoạn 2021 - 2030 chính là giai đoạn vàng của thị trường này", ông Liêm kết luận.