Phát triển Khu kinh tế Thái Bình với tầm nhìn mới

Sự hình thành các khu công nghiệp tại Thái Bình đã nhanh chóng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ; đóng góp tích cực cho ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động.

Ông Phan Đình Dực, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp Thái Bình cho biết, từ năm 2003, tỉnh hình thành 2 khu công nghiệp đầu tiên là Phúc Khánh và Nguyễn Đức Cảnh với tổng diện tích gần 300 ha, mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế -  xã hội của tỉnh.

Thời điểm đó, do không có nhà đầu tư hạ tầng nên tỉnh đã đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước đối với Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và một phần Khu công nghiệp Phúc Khánh. Đến năm 2009, 2010, 2013, 2017, 2019, tỉnh lần lượt thành lập thêm Khu công nghiệp Sông Trà, Gia Lễ, Cầu Nghìn, Tiền Hải, Thaco - Thái Bình.

7 khu công nghiệp này có tổng tổng diện tích quy hoạch 1.340 ha, đã thu hút được 177 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 35.290 tỷ đồng; trong đó có 50 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 462 triệu USD.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu Kinh tế Thái Bình với tổng diện tích tự nhiên 30.583 ha. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế và các khu công nghiệp đã chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Phối cảnh tổng thể Khu kinh tế Thái Bình. (Nguồn: Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc Gia). 

Khu kinh tế Thái Bình gồm: 22 khu công nghiệp với tổng diện tích 8.020 ha; Khu cảng biển Thái Bình rộng 500 ha; Trung tâm điện lực Thái Bình 853 ha; Khu du lịch, dịch vụ 3.110 ha; các khu nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản: 4.715 ha và 3.000 ha đô thị.

Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là đột phá phát triển, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Đầu năm 2021, Khu công nghiệp tiên phong Liên Hà Thái trong Khu Kinh tế được thành lập, cùng với các khu công nghiệp hiện có đã giúp tỉnh thay đổi mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc thu hút đầu tư, góp phần đưa Thái Bình có thứ hạng cao so với các tỉnh, thành phố trong thu hút FDI. 

Tổng vốn đầu tư thu hút vào Khu Kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp từ năm 2021 đến nay đạt 103.457 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư FDI đạt 3,73 tỷ USD, cao gấp 4,4 lần tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước. Nếu năm 2021, 2022 Thái Bình lần đầu tiên xếp thứ 15, 16 thì đến hết năm 2023, tỉnh đã vươn lên tốp đầu với vị trí thứ 5 của cả nước về thu hút FDI.

Bước đầu, tỉnh đã thu hút được những doanh nghiệp có thương hiệu với nhiều dự án có quy mô khá lớn, công nghệ tiên tiến. Riêng Khu công nghiệp tiên phong Liên Hà Thái trong Khu Kinh tế, sau gần 3 năm thành lập đến nay thu hút được 16 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD.

Đến nay, trên 80% dự án thứ cấp trong khu công nghiệp, khu kinh tế đã đi vào hoạt động, đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; nộp ngân sách mỗi năm hàng nghìn tỉ đồng; giải quyết việc làm cho gần 80.000 lao động, với mức lương bình quân từ 6,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cơ bản thực hiện tốt quy định của pháp luật...

Với những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã minh chứng việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, đặc biệt là sự ra đời của Khu Kinh tế Thái Bình góp phần xoay chuyển quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, Thái Bình vốn là một tỉnh thuần nông với bề dày lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, người dân cần cù, chịu khó, sáng tạo. Mặc dù đã có rất nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc nhưng bước vào thời kỳ đổi mới, Thái Bình vẫn còn là một tỉnh nghèo, thuần nông, đầy khó khăn... 

Trong 20 năm gần đây, trải qua 5 nhiệm kỳ, nhiệm kỳ nào cũng có những khu công nghiệp mới được thành lập. Nhiệm kỳ này, tỉnh đã thành lập được 3 khu công nghiệp. Đây là một trong những trăn trở, những quyết tâm mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Bình nỗ lực, cố gắng vươn lên.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình ghi nhận trong 20 năm hình thành, phát triển và hoạt động của Ban quản lý Khu Kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh là một phần của chặng đường đầy trăn trở, lăn lộn, vượt khó. Các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Ban qua các thời kỳ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đóng góp, phấn đấu, đóng góp rất quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với mục tiêu xây dựng Thái Bình sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, trong đó một mục tiêu quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát đó là xây dựng, phát triển Khu Kinh tế Thái Bình toàn diện về đô thị, thương mại, dịch vụ, công nghiệp để sớm trở thành trọng điểm, tiên phong của nền kinh tế Thái Bình, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Ban nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, trách nhiệm là đầu mối trực tiếp để xây dựng, phát triển Khu Kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp Thái Bình lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tích cực làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế cũng như các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xây dựng, phát triển Khu kinh tế, trước tiên khẩn trương tham mưu điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Khu Kinh tế Thái Bình với tầm nhìn mới, yêu cầu mới với thời hạn mới, dài hơi hơn và tầm nhìn cao hơn...

chọn
Cận cảnh lô đất vàng quy hoạch cho Vietcombank ở khu đô thị mới Cầu Giấy
Ngân hàng Vietcombank sở hữu mảnh đất khoảng 5.054 m2 để xây dựng tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc ở khu đô thị mới Cầu Giấy.