Tại tòa đàm "Vận hành bất động sản đa sở hữu: Đi tìm tiếng nói đồng thuận" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 25/6 tại TP HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nêu vấn đề nên hay không nên bỏ phí bảo trì chung cư vì thực tế vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận, ngay cả với chủ đầu tư.
Các sự việc tranh chấp phí bảo trì hiện nay vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh: tư liệu).
Hiện nay pháp lý chưa theo kịp tiến trình phát triển của đô thị nhất là những khu vực có tốc độ đô thị hoá nhanh như TP HCM.
Theo ông Đinh Văn Sự, Trưởng Ban quản trị chung cư Hoàng Anh An Tiến, vẫn chưa có quy định cưỡng chế chủ đầu tư, ban quản trị về kinh phí bảo trì.
Tranh chấp trong vấn đề này dẫn tới chuyện nhiều cư dân treo băng rôn phản đối, gây mất an ninh trật tự. Vì thế cơ quan chức năng không nên để xảy ra tình trạng này.
Đồng quan điểm, bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus cho biết, mô hình chung cư thường duy trì hoạt động ổn định khoảng 3 năm đầu, những năm sau đó thường xảy ra tranh chấp.
Nguyên nhân là do quy định pháp luật còn những bất cập, chủ đầu tư, khách hàng không xem xét điều khoản hợp đồng, trình độ chuyên môn Ban quản trị, vai trò quản lý của địa phương.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, chung cư đa sở hữu có nhiều ý kiến khác nhau từ rất lâu nhưng vấn đề cốt lõi là phải có quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của đối tác tham gia vận hành phát triển chung cư đảm bảo quyền và lợi ích của cư dân. Chủ đầu tư cần ý thức vai trò của mình trong việc duy trì chất lượng dịch vụ, vận hành sau khi bàn giao căn nhà.
Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước nên quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của đối tác tham gia vận hành phát triển chung cư này để duy trì chất lượng dịch vụ sau bàn giao như chủ đầu tư cam kết ban đầu, đảm bảo đáp ứng kỳ vọng của khách lang.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, trong nhà chung cư có 2 phần tài sản riêng và chung và luôn gắn liền với nhau.
Đây là vấn đề cần nhìn nhận khách quan về mặt kiến trúc, nếu không tổ chức tốt phần sở hữu chung thì sẽ ảnh hưởng đến phần sở hữu riêng, dẫn tới giá trị căn hộ có thể bị giảm sút, đặc biệt là câu chuyện về sản phẩm condotel đang được nhiều chủ đầu tư triển khai hiện nay. "Vì thế việc vận hành toà nhà chung cư cần lưu ý đến người sử dụng nhưng đồng thời người sử dụng cũng cần ý thức về trách nhiệm của mình trong việc thuê, mua, thậm chí cơ quan quản lý nhà nước có thể xem xét đến việc xây dựng hệ thống pháp luật riêng về sở hữu nhà trong chung cư", luật sư Trần Đức Phượng nêu quan điểm.