Trong vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001, khi Tổng thống George W.Bush tức tốc lao lên máy bay sau chuyến thăm trường học ở TP.Sarasota, bang Florida, phi hành đoàn của chiếc Không lực Một đã kích hoạt một tính năng đặc biệt bí mật trên chiếc Boeing 747, cho phép nó vọt thẳng lên cao nhằm hạn chế tối đa nguy cơ từ những quả tên lửa đất đối không đang rình rập. "Chỉ có 2 chiếc 747 trên thế giới có thể cất cánh như thế. Và cả hai đều được gọi là Không lực Một", một nhân viên nói với một nghị sĩ Mỹ đi cùng chuyến bay.
Phòng chiến tranh trên không
Diễn biến nêu trên chỉ là một trong những quy trình di tản đặc biệt dành cho tổng thống Mỹ. Chủ nhân Nhà Trắng có cả một phi đội thường trực luôn sẵn sàng để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Không quân Mỹ có 4 chiếc chuyên cơ Boeing 747 được trang bị đặc biệt có thể phục vụ như là "Tổng hành dinh quốc gia trên không". Đi vào hoạt động từ thập niên 1970, các máy bay Boeing 747 có ký hiệu E-4B Nightwatch này từ lâu được xem là hy vọng lớn nhất để tổng thống Mỹ thoát được một cuộc tấn công hạt nhân.
Không giống chiếc Không lực Một thiên về tiện nghi và hình thức, các trạm chỉ huy trên không E-4B là những phòng chiến tranh bay, với hàng chục chuyên gia phân tích quân sự, chiến lược gia và chuyên viên liên lạc, đội ngũ này sẽ hướng dẫn tổng thống Mỹ vượt qua những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh hạt nhân. Những chiếc máy bay "Ngày tận thế" được trang bị các hệ thống liên lạc đặc biệt bảo đảm cho tổng thống có thể duy trì kết nối với hạm đội tàu ngầm hạt nhân ngay cả khi hệ thống liên lạc trên mặt đất đã bị phá hủy.
Trong những thập niên cuối của Chiến tranh lạnh, một chiếc E-4B luôn túc trực tại căn cứ không quân Andrews, sẵn sàng bốc tổng thống lên không trung trong vòng 15 phút từ khi có lệnh. Thậm chí ngày nay, một trong bốn chiếc máy bay vẫn thường xuyên tháp tùng hoặc ở gần tổng thống, đặc biệt trong những chuyến công du nước ngoài. Khi tổng thống Mỹ ở trong nước, một chiếc E-4B luôn đậu tại căn cứ không quân Offutt ở TP.Omaha, bang Nebraska, với động cơ nổ máy 24/24, sẵn sàng cất cánh để di tản tổng thống trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, những chiếc máy bay "Ngày tận thế" này cũng chỉ là một phần phi đội khẩn cấp của tổng thống Mỹ, theo tiết lộ của nhà báo Garrett M.Graff trong cuốn sách Raven Rock: The Story of the U.S. Government’s Secret Plan to Save Itself - While the Rest of Us Die (tạm dịch: Đá Raven: Câu chuyện về kế hoạch bí mật của chính phủ Mỹ để cứu lấy chính họ - Trong khi phần còn lại của chúng ta chết), được phát hành đầu tháng 5.
Như hình với bóng
Một ngày trước chuyến thăm Đức của Tổng thống Barack Obama vào tháng 6.2009, một chiếc Gulfstream III trắng toát hạ cánh xuống phi trường Stuttgart. Như mọi chuyến công du của tổng thống, quá trình chuẩn bị bắt đầu hàng tháng trời trước đó, và máy bay quân sự Mỹ dập dìu hạ cánh xuống sân bay ở Dresden, vận chuyển nhân viên, thiết bị liên lạc, đội ngũ an ninh và xe bọc thép. Các trực thăng thuộc Phi đoàn thủy quân lục chiến Một cũng được chở đến để đưa tổng thống Mỹ thăm thú nước Đức.
Thoạt nhìn, chẳng có thứ nào trong số đó liên quan đến chiếc Gulfstream trị giá 40 triệu USD đậu ở Stuttgart - cách Dresden một giờ bay. Chiếc máy bay này dường như chẳng có mục đích rõ ràng, phi hành đoàn của nó luôn quanh quẩn gần máy bay. Nó chỉ đậu lại một ngày và nhanh chóng cất cánh vào khoảng thời gian ông Obama rời nước Đức để đến Pháp, chặng dừng kế tiếp trong chuyến công du. Khi chiếc Không lực Một đáp xuống TP.Caen ở vùng Normandy, chiếc Gulfstream bay qua eo biển Manche và đậu tại căn cứ không quân Mildenhall của Anh, chỉ cách nơi ông Obama dự lễ kỷ niệm ngày đổ bộ vào Normandy trong Thế chiến thứ 2 một giờ bay. Các chặng hành trình của chiếc máy bay dường như vô định. Nhưng chỉ người nào nhìn vào số hiệu ở đuôi máy bay mới có thể khám phá được bí mật của nó.
Một trung tâm chỉ huy trên không E-4B Nightwatch của Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ |
Kế hoạch sơ tán
Website của không quân Mỹ không thừa nhận sự hiện hữu của các chiếc C-20C, chúng cũng không có tên trong danh sách máy bay của Không đoàn không vận số 89, đơn vị không quân ở căn cứ không quân Andrews chịu trách nhiệm phục vụ tổng thống. "Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi không có bất kỳ máy bay nào gọi là C-20C", một sĩ quan không quân Mỹ cho hay.
Phi đội C-20C được chuyển giao cho không quân Mỹ vào năm 1985, khi chính quyền Ronald Reagan đầu tư ồ ạt nhằm nâng cấp hệ thống chỉ huy và kiểm soát của chính phủ. Giống như "Tổng hành dinh quốc gia trên không" E-4B, các chiếc C-20C được cố ý thiết kế hơi cổ lỗ sĩ, với buồng lái chứa đầy các đồng hồ đo chỉ số, thay vì các màn hình máy tính bằng kính hiện đại hơn, nhằm bảo vệ máy bay trước các tia điện từ phát ra từ một vụ nổ hạt nhân ở gần đó. Nhưng trang thiết bị trên khoang thì thuộc loại tối tân, với mạng lưới liên lạc vệ tinh đặc biệt và các phương thức phòng vệ bí mật giúp bảo vệ máy bay khỏi bị tấn công.
Bình thường, phái đoàn của tổng thống Mỹ không bao giờ nhìn thấy các chiếc C-20C, nhưng trong những tình huống đặc biệt, thường là có nguy cơ cao, các tổng thống Mỹ cũng có lúc di chuyển trên chuyên cơ này. Chẳng hạn, năm 2000, Tổng thống Bill Clinton từng bí mật bay trên một chiếc Gulfstream đến Pakistan, trong khi một chiếc máy bay khác sử dụng hô hiệu "Không lực Một" bay sau vài phút để nghi binh.
Mục đích chính của các chiếc C-20C và lý do cho sự bí ẩn của chúng là bảo đảm tổng thống duy trì quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của quốc gia và có thể được di tản an toàn trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt nếu chiếc Không lực Một ban đầu bị vô hiệu hóa, bị tấn công hoặc tổng thống không thể quay lại sân bay nơi nó đậu.
Trong khi các chiếc E-4B phục vụ như một trung tâm chỉ huy lâu dài, thì các chiếc C-20C - nhỏ và chở được ít người hơn nhiều so với một chiếc 747 - chỉ là giải pháp ngắn hạn. Mục đích của nó là “bốc” tổng thống đến một trong chừng một tá trung tâm chỉ huy lớn nằm rải rác khắp nước, nơi vị tổng tư lệnh có thể điều hành cuộc chiến tranh một cách an toàn. Lợi thế của C-20C là có thể hạ cánh trên đường băng chỉ dài bằng một nửa so với độ dài cần thiết cho các chiếc 747. Nghĩa là nó có thể cất/hạ cánh tại gần như mọi phi trường trên thế giới. Điều này sẽ rất hữu dụng trong trường hợp phải di tản khẩn cấp tổng thống đến ẩn náu tại một nơi nào đó trong nước Mỹ.
Kịch bản “Ngày tận thế” Nhiều người quen thuộc với hệ thống cảnh báo DEFCON - nấc thang về mức độ sẵn sàng của quân đội Mỹ, từ DEFCON 5, biểu thị thời bình, đến DEFCON 1, biểu thị cuộc chiến tranh tổng lực toàn cầu. Nhưng Mỹ còn có một hệ thống cảnh báo ít được biết đến hơn là COGCON về mức độ sẵn sàng duy trì hoạt động liên tục của chính phủ, mà ưu tiên số 1 là bảo vệ chức vụ tổng thống. Đó là một phần trong kế hoạch “Ngày tận thế” của chính phủ Mỹ. Để bảo đảm trong bất kỳ trường hợp nào nước Mỹ cũng được lãnh đạo bởi một vị tổng thống, COGCON không chỉ bảo vệ gần 20 yếu nhân nằm trong thứ tự kế nhiệm mà còn cả những người sẽ kế nhiệm những nhân vật này. Theo cách đó, trong một cuộc tấn công bất thình lình vào bộ sậu lãnh đạo quốc gia, một viên chưởng lý ở Chicago cũng có thể ở vào vị trí kế nhiệm chức tổng thống. Từ thời Chiến tranh lạnh, Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) đã duy trì một văn phòng có tên Hệ thống định vị trung ương, chuyên theo dõi vị trí của các yếu nhân trong danh sách kế nhiệm, sẵn sàng bốc họ ra khỏi cuộc sống thường nhật bất kỳ lúc nào để bảo đảm “duy trì chính phủ”. Chẳng hạn, COGCON 4 biểu thị thời bình nhưng nếu chuyển sang COGCON 3, các boong-ke trú ẩn bí mật trên khắp nước Mỹ phải được khởi động và những người như trưởng văn phòng ở bang Nam Carolina của Bộ Năng lượng vào đúng 8 giờ sáng mỗi ngày phải báo cáo toàn bộ lịch trình trong ngày cho văn phòng định vị. Lý do là vị trí này xếp thứ 18 trong danh sách kế nhiệm bộ trưởng năng lượng, còn bộ trưởng năng lượng lại xếp thứ 14 trong danh sách kế nhiệm tổng thống. |