Phố cà phê đường tàu Hà Nội: Câu chuyện ngắn ngủi của khu ổ chuột lột xác thành điểm check in nổi tiếng thế giới

Nhà không số, phố không tên – là cách gọi vui của những người ngụ cư lâu năm ở phố đường tàu Trần Phú, Hà Nội. Từ một nơi nhếch nhác, những con phố bên đường tàu lột xác, trở thành một “đặc sản” của du lịch Thủ đô vài năm nay.

Chìa tấm thẻ bảo hiểm xã hội với dòng địa chỉ đề "không xác định", bà Nguyệt 67 tuổi, một chủ quán cà phê chua chát nói: "Tôi ở đây 60 năm rồi, làm gì được cấp số nhà, cũng chẳng rõ thuộc phường nào. Mọi người hay gọi quen là 'chắn đường tàu' hay 'xóm đường tàu' chứ ai gọi là phố bao giờ".

Xóm đường tàu: Nhà không số, phố không tên

Pho-ca-phe-duong-tau-Ha-Noi-Cau-chuyen-ngan-ngui-cua-khu-o-chuot-lot-xac-thanh-diem-check-in-noi-tieng-the-gioi-1

Người dân tại những nơi này thường là dân ngụ cư, người từ tứ xứ đến đây làm ăn, sinh sống và cũng có người trước làm công nhân ngành đường sắt được cấp nhà ở đây. (Ảnh: Thiên Trường).

Năm 1885, những chuyến tàu đầu tiên tại Hà Nội bắt đầu lăn bánh. Và những năm sau đó, cùng với sự phát triển của ngành đường sắt, những xóm cư dân cũng mọc lên dọc hai bên đường tàu chạy.

Người dân tại những nơi này thường là dân ngụ cư, người từ tứ xứ đến đây làm ăn, sinh sống và cũng có người trước làm công nhân ngành đường sắt, nên được cấp nhà sinh sống ở đây.

Mỗi hộ gia đình thường có 3-4 thế hệ 7-8 nhân khẩu cùng sinh sống trong những căn hộ chỉ hơn chục m2. Người ta không rõ xóm đường tàu có từ bao giờ, được định danh trên bản đồ thành phố ra sao, chỉ biết từ người già đến trẻ nhỏ ở đây ai ai cũng thuộc làu lịch tàu chạy.

Pho-ca-phe-duong-tau-Ha-Noi-Cau-chuyen-ngan-ngui-cua-khu-o-chuot-lot-xac-thanh-diem-check-in-noi-tieng-the-gioi-2

"Những hôm nào tàu gặp trục trặc mà chạy qua muộn là y như rằng lại thấy thiếu thiếu cái gì đấy, vào trông ra ngóng", ông Hiền 70 tuổi, một cư dân xóm đường tàu kể. (Ảnh: Thiên Trường).

"Những hôm nào tàu gặp trục trặc mà chạy qua muộn là y như rằng lại thấy thiếu thiếu cái gì đấy, vào trông ra ngóng", ông Hiền 70 tuổi, một cư dân xóm đường tàu kể.

Chỉ vài năm trước thôi, những xóm đường tàu tại Hà Nội như những "kẻ lạc loài" nằm bên rìa sự phát triển, đô thị hóa thần tốc của Thủ đô. Những ngôi nhà nép bên đường tàu tạm bợ, cũ kĩ, những bức tường vôi trát loang lổ, những bếp than tổ ong đỏ rực tỏa khói mỗi khi chiều xuống.

Cuộc sống xô bồ, hối hả chốn đô thành dường như bỗng dừng lại ở nơi đây.

Người già xóm đường tàu kể rằng những năm 90 của thế kỉ trước, phố đường tàu không bình yên như bây giờ. Nó được coi là khu ổ chuột của thành phố, là nơi tụ tập của hàng trăm con nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp.

"Cứ khi trời xẩm tối, ai lỡ qua đây là sởn gai ốc bởi ống kim tiêm vứt la liệt, người vật vờ", ông Nguyễn Thành Công – một người dân tại đây nhớ lại.

Pho-ca-phe-duong-tau-Ha-Noi-Cau-chuyen-ngan-ngui-cua-khu-o-chuot-lot-xac-thanh-diem-check-in-noi-tieng-the-gioi-3

Ngày chưa có phố cà phê, để mưu sinh, người dân nơi đây cũng đã mở những quán cơm cháo bình dân, phục vụ cho công nhân lao động. (Ảnh: Thiên Trường).

Ngày chưa có phố cà phê đường tàu, chưa được du khách nước ngoài biết đến nhiều, để mưu sinh, người dân nơi đây mở những quán cơm cháo bình dân, phục vụ cho công nhân lao động gần đấy.

"Tôi vẫn chưa thể quên được hình ảnh những con phố tiêu điều, với những quán cơm bụi xiêu xiêu, giột nát, cách đây hơn 20 năm", chị Huyền 33 tuổi, một người dân tại đây kể.

Chỉ tay xuống con phố Phùng Hưng phía đối diện, chị Huyền nói thêm: "Chúng tôi luôn bị người ta nhìn với những ánh mắt dò xét, cảnh giác. Xóm ngụ cư mà".

"Đặc sản" du lịch Thủ đô: Cà phê đường tàu

Cuộc sống của người dân đường tàu sẽ vẫn êm đềm và khốn khó như thế nếu vào năm 2017 không xuất hiện một video clip, do một nhóm các bạn trẻ Việt Nam thực hiện, giới thiệu về con phố 1-0-2 này giữa lòng Hà Nội sầm uất.

Kể từ đó, chẳng biết ai là người đầu tiên mở quán cà phê tại đây, nhưng cái ý tưởng tưởng như "điên rồ" đó lại bỗng chốc trở thành sinh kế chính cho những người dân tại đây, và biến xóm đường tàu, cà phê đường tàu trở thành một địa chỉ về du lịch của Hà Nội.

Pho-ca-phe-duong-tau-Ha-Noi-Cau-chuyen-ngan-ngui-cua-khu-o-chuot-lot-xac-thanh-diem-check-in-noi-tieng-the-gioi-4

Chẳng biết ai là người đầu tiên mở quán cà phê tại đây, nhưng cái ý tưởng tưởng như "điên rồ" đó lại bỗng chốc trở thành sinh kế chính cho những người dân tại đây. (Ảnh: Thiên Trường).

 Một thời gian sau, tạp chí du lịch danh tiếng National Geographic Traveler đã chia sẻ một câu chuyện thú vị về trải nghiệm xóm cà phê đường tàu tại Hà Nội:

"Một buổi tối ở xóm cà phê đường tàu Hà Nội, nhâm nhi li cà phê trứng... Tôi yêu những con tàu và nói thật, tôi khá sợ khi một chiếc tàu lướt nhanh qua mình.

Sau đó, tôi cùng bà chủ quán đã có một cuộc trò chuyện thú vị. Bà ấy đơn giản chỉ nhún vai thôi. Cảnh này diễn ra thường như cơm bữa. Những đoàn tàu tưởng chừng ồn ào ấy hóa ra lại chẳng ầm ĩ chút nào. Chẳng biết tôi có muốn gọi thêm một li cà phê trứng nữa không?".

Dòng trạng thái về xóm đường tàu Hà Nội được mạng xã hội của National Geographic Traveler chia sẻ, đã nhận về gần 450.000 lượt thích và rất nhiều bình luận từ người dùng trên thế giới.

Pho-ca-phe-duong-tau-Ha-Noi-Cau-chuyen-ngan-ngui-cua-khu-o-chuot-lot-xac-thanh-diem-check-in-noi-tieng-the-gioi-5

Không chỉ thu hút khách nước ngoài, cả các bạn trẻ, khách du lịch trong nước và người dân Hà Nội cũng coi đây là địa điểm lí tưởng ghé thăm, chụp ảnh. (Ảnh: Thiên Trường).

1 đồn 10, 10 đồn trăm, khách du lịch rỉ tai nhau về địa chỉ hấp dẫn này của Hà Nội, khiến nó trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. Du khách nước ngoài tụ tập chật cứng tại những quán cà phê. Họ thong dong ngồi nhâm nhi li cà phê, gọi vài chai bia và trông ngóng ra ngoài như đang chờ điều gì đó.

Không chỉ thu hút khách nước ngoài, cả các bạn trẻ, khách du lịch trong nước và người dân Hà Nội cũng coi đây là địa điểm lí tưởng ghé thăm để chụp ảnh. Giữa một thành phố ồn ào náo nhiệt đang phát triển mạnh với những công trình hiện đại, có một góc nhỏ bình lặng khiến nhiều người thích thú.

Sinh kế của người dân

Để có được bộ mặt khang trang, độc đáo như hiện nay, người dân sống ven đường tàu đã tự bỏ tiền, hùn vốn với nhau lát đường, đổ bê tông dọc hai bên hành lang. Những mái nhà xập xệ, giột nát ngày trước cũng được thay bằng những căn gác xép tầng 2, tầng 3 nhỏ xinh, với tiểu cảnh trang trí bắt mắt.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyệt, một chủ quán cà phê tại đây, chia sẻ: "Quán cà phê này là sinh kế duy nhất của gia đình tôi. Chồng thì ung thư nằm đó, hai đứa con lớn thì thất nghiệp, nhà 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào cốc cà phê của du khách qua đường mà thôi"

Pho-ca-phe-duong-tau-Ha-Noi-Cau-chuyen-ngan-ngui-cua-khu-o-chuot-lot-xac-thanh-diem-check-in-noi-tieng-the-gioi-6

"Nhà 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào cốc cà phê của du khách qua đường mà thôi", bà Nguyệt chia sẻ. (Ảnh: Thiên Trường).

Để có quán cà phê này, cách đây ba tháng, bà Nguyệt đã làm đơn vay vốn thông qua hội phụ nữ với số tiền khoảng 200 triệu đồng. "Tiền bỏ ra quá lớn mà đã thu về được gì đâu, nay lại bị dẹp", bà Nguyệt rơm rớm nước mắt kể.

Khi TP Hà Nội ra quyết định đình chỉ hoạt động của các quán cà phê ven đường tàu, người dân ở đây đứng ngồi không yên.

"Vừa chiều hôm trước họ yêu cầu kí vào biên bản cam kết không vi phạm hành lang an toàn đường sắt xong thì sáng hôm nay đã bắt đầu cấm đường. Chúng tôi không kịp trở tay", ông Thành, một người dân tại đây nói.

Pho-ca-phe-duong-tau-Ha-Noi-Cau-chuyen-ngan-ngui-cua-khu-o-chuot-lot-xac-thanh-diem-check-in-noi-tieng-the-gioi-7

Rất nhiều hộ gia đình tại đây có nguồn sống chủ yếu dựa vào việc kinh doanh đồ uống cho du khách. (Ảnh: Thiên Trường).

Không chỉ riêng gia đình bà Nguyệt, rất nhiều hộ gia đình tại đây có nguồn sống chủ yếu dựa vào việc kinh doanh đồ uống cho du khách.

Gia đình anh Bình là một câu chuyện điển hình như vậy tại xóm đường tàu, mà theo lời kể của bà con tại đây, nhà anh thuộc dạng "tận cùng khổ của xã hội".

Anh Bình trước đây đã từng phải nhiều lần phải vào trại cai nghiện, vừa về được hơn năm thì gặp lúc khu đường tàu trở thành địa điểm hút khách du lịch. Anh bàn với vợ mua thêm bàn ghế, sơn lại tường nhà, sắm đôi ba bộ cốc chén, mở ra để kiếm thêm đồng ra đồng vào cho nhà 8 miệng ăn.

Thế nhưng, quán cà phê nhỏ mở chưa được bao lâu thì nay lại phải đóng cửa, vợ chồng anh chưa biết sẽ phải làm gì tiếp theo.

"Vừa bán cà phê vừa bán nón lưu niệm, em bảo mỗi chiếc nón lời được 5.000 đồng, nước uống thì 15.000 đồng – 30.000 đồng, rẻ hơn cả ngoài phố, có nhiều nhặn gì đâu. Sáng thì chưa có khách, trưa thì nắng gắt, có buổi chiều tối khách mới đến. Có người gọi một cốc nước ngồi cả ngày nhưng mình vẫn phải vui vẻ, niềm nở, mình cần họ mà", chị vợ anh Bình chia sẻ.

Chồng nón của vợ chồng anh Bình và mẹ anh trong căn nhà chục m2 có 8 người ở. (Ảnh: Thiên Trường).

Người dân tại đây đều là những người lao động nghèo, người quét rác 45.000 đồng một ngày, người chạy xe ôm đầu tắt mặt tối, người công nhân ngành đường sắt về hưu với 2,1 triệu đồng lương tháng,... tất cả họ đang bám víu vào một thứ gọi là "cà phê đường tàu" với những hi vọng về cuộc sống đỡ bấp bênh hơn.

Với lí do "vi phạm hành lang đường sắt", Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất UBND TP. Hà Nội cấm các hộ dân tại đây kinh doanh cà phê dọc theo hai bên đường. Điều đáng nói là những vấn đề về an toàn hành lang đường sắt trong thành phố đã được đem ra bàn nhiều, họp nhiều, nhưng cuối cùng vẫn chưa đi đến một kết quả thực tế nào.

Pho-ca-phe-duong-tau-Ha-Noi-Cau-chuyen-ngan-ngui-cua-khu-o-chuot-lot-xac-thanh-diem-check-in-noi-tieng-the-gioi-8

"Một hành lang an toàn bằng cột sắt và nhựa vẫn có thể được dựng lên", ông Công ngậm ngùi. (Ảnh: Thiên Trường).

Đường sắt chạy qua lòng thành phố vẫn là một nhức nhối từ bao thập kỉ nay.

 "Một hành lang an toàn bằng cột sắt và nhựa vẫn có thể được dựng lên, tốn kém gì đâu. Thế nhưng, an toàn cho du khách, đảm bảo cho sinh kế của người dân vẫn chỉ là những ý tưởng trên giấy từ bao năm nay", ông Công ngậm ngùi.

Kết thúc chuỗi ngày vàng son ngắn ngủi, xóm đường tàu lại trở về với nhịp chầm chậm trôi qua. Mỗi ngày, những đoàn tàu cứ đến rồi đi theo đúng lịch trình. Hàng trăm năm qua, hàng chục thế hệ người sinh sống trong xóm nhỏ đường tàu, và dù quen thuộc với mỗi chuyến tàu hàng ngày đến đâu, mỗi khi tàu qua, họ vẫn họ vẫn tăm tắp ngó qua cửa sổ, khát khao một cuộc sống tốt đẹp hơn...