Hàng trăm người dân dắt bộ xe máy mỗi sáng ở đường Tố Hữu. (Ảnh: Di Linh). |
Vài ngày qua, clip hàng trăm người dân dắt xe máy trên vỉa hè đường Tố Hữu (Hà Nội) để tránh CSGT xử phạt gây xôn xao dư luận.
Đáng chú ý là có nhiều ý kiến đồng tình với việc "cực chẳng đã" của nhiều người dân khi phải dắt xe máy để tránh đoạn đường từ ngã ba Mỗ Lao - Tố Hữu đến Trung Văn thường xuyên ùn tắc.
Đáng chú ý là theo ghi nhận của chúng tôi, việc ùn tắc chỉ xảy ra từ ngã ba Mỗ Lao đến nhà chờ BRT và sang đường để vào phố Trung Văn. Đoạn đường sau đó đến Vành đai 3 lại thông thoáng.
"Chúng tôi dắt bộ như thế này còn nhanh hơn rất nhiều so với việc đi như rùa bò ở đường bên kia mặc dù biết hành động này không được đẹp lắm", anh Minh Xuân (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Theo chị Hoàng Nguyên (Hà Nội), khi chưa có buýt nhanh BRT, nút giao Trung Văn - Tố Hữu không bị bịt lại, người đi xe máy có thể rẽ vào Trung Văn chứ không phải đi thêm đoạn dài trước khi sang được đường.
"Chúng tôi đi ngược đường không chỉ tránh ùn tắc mà còn để đi vào Trung Văn, sang Mỹ Đình nhanh hơn", chị Nguyên phân trần.
Lực lượng CSGT không xử lý được người dân dắt bộ vì không có quy định. (Ảnh: Di Linh). |
Liên quan đến việc lực lượng CSGT "bất lực", chỉ có thể nhắc nhở người dân trên "phố dắt bộ", theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết hành động đi ngược chiều của người dân trên vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.
"Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt để xử lý vi phạm thì người dân lại chuyển sang dắt bộ. Đây là một hình thức chống đối.
Vụ việc này có thể xuất phát từ tổ chức giao thông tại khu vực chưa được hợp lý. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu, tổ chứ giao thông tại khu vực này để người dân đi lại thuận tiện", ông Hùng cho hay.
Được biết, hiện Đội CSGT số 7 vẫn đang tiếp tục cắt cử cán bộ túc trực tại đây để nhắc nhở người dân và xử lý trường hợp vi phạm.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội), động thái dắt bộ xe máy để "né" CSGT "có thể là một hình thức chống đối của người vi phạm".
"Nếu không chứng minh được lái xe vi phạm thì CSGT không thể xử phạt vì luật quy định người đang điều khiển phương tiện mà vi phạm thì mới bị xử phạt.
Trong trường hợp này họ đang dắt xe chứ không điều khiển xe tham gia giao thông", ông Thơm nói.
Cũng theo luật sư Thơm, trong vụ việc này các cơ quan chức năng cũng cần thiết xem xét lại việc tổ chức giao thông, phân luồng để làm sao thuận lợi cho nhu cầu đi lại của nhân dân tránh việc phải đi vòng quay lại, dù đoạn đường đi rất gần...
Buýt nhanh BRT bị cho là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc. (Ảnh: Di Linh). |
Liên quan đến việc người dân phải dắt bộ vì tránh ùn tắc, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho rằng buýt nhanh BRT cũng là một nguyên nhân.
Theo ông Thủy, BRT chiếm một phần lòng đường, trong khi áp lực giao thông tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương lớn và càng gây thêm ùn tắc.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông khác cho rằng một phần do buýt nhanh BRT bởi lẽ khi thông tuyến từ Kim Mã đến Yên Nghĩa, nhiều nút giao bị đóng lại.
"Việc đóng một số nút giao nhằm giúp BRT di chuyển nhanh hơn nhưng cũng khiến các phương tiện khác phải di chuyển xa hơn để quay đầu.
Đây cũng là nguyên nhân khiến một số điểm như đoạn Trung Văn xảy ra ùn tắc. Và việc người dân chạy ngược chiều trên vỉa hè để tránh ùn tắc cũng như phải đi xa để vào Trung Văn là điều dễ hiễu", vị này nói.
Đáng chú ý là cũng theo chuyên gia trên, hiện trên trục đường Tố Hữu cũng có nhiều nhà cao tầng, dẫn đến mật độ phương tiện khu vực này vào giờ cao điểm tăng nhanh.
Công an xã lập chốt trực gác an ninh và bảo vệ cây sưa hàng chục tỉ đồng
Công an xã Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) lập chốt bảo vệ ở Đình Quán Giá để trực gác, đảm bảo an ninh địa ... |
Hà Nội tốn cả tỉ đô mỗi năm vì ùn tắc giao thông?
Theo Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT), Hà Nội tốn tỉ đô mỗi ... |