Phó Thủ tướng nói gì về ‘rừng bê tông’ chung cư cao tầng tranh nhau mọc ở nhiều tuyến đường Hà Nội và TP HCM?

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cứ 5 năm, các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu người, kéo theo là sự quá tải về chung cư cao tầng, hệ thống đường xá… Phó Thủ tướng chỉ đạo thanh tra lại các quy hoạch đô thị bị điều chỉnh.

Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, nhiều đại biểu phản ánh tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM, nhà cao tầng mọc lên dày đặc, nhưng cơ sở hạ tầng, đường giao thông không đủ đáp ứng, dẫn đến nhiều hệ luỵ cho đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân.

3 km đường có đến 17 chung cư cao tầng ở TP HCM

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) dẫn chứng đường Lê Văn Lương tại Hà Nội có đến 40 nhà chung cư, trong khi đó, đường Nguyễn Hữu Cảnh tại TP HCM chỉ kéo dài 3 km nhưng có đến 17 chung cư cao tầng.

Theo đại biểu, việc chung cư mọc lên với mật độ rất dày khiến tình hình giao thông quanh hai khu vực này đang bị quá tải. Một số khu vực khác tại TP HCM và Hà Nội cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Phó Thủ tướng nói gì về ‘rừng bê tông’ chung cư cao tầng tranh nhau mọc ở nhiều tuyến đường Hà Nội và TP HCM? - Ảnh 1.

Chung cư cao tầng mọc dày đặc trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP HCM. (Ảnh: Phúc Huy).

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng hiện nay còn thực trạng quy hoạch không đồng bộ quy hoạch phát triển hạ tầng. 

"Trong năm nay, cũng như sang năm, Bộ Xây dựng trực tiếp thanh tra một số quy hoạch chi tiết, đặc biệt là tại trung tâm một số đô thị lớn để xử lí dứt điểm vấn đề này", Bộ trưởng nói.

Theo ông, Thanh tra Bộ sẽ vào cuộc và mạnh tay xử lí việc phá vỡ quy hoạch chi tiết. Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng thông tin thêm từ nay, khi không có quy hoạch chi tiết, các địa phương cũng không có cơ sở cấp phép dự án. Hiện độ phủ quy hoạch chi tiết đạt khoảng 40%.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, trong phiên sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin thêm Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đô thị hoá của các nước đang phát triển, người dân tập trung vào các đô thị hàng năm ngày càng nhiều, với tốc độ gia tăng cơ học khoảng 2%.

Theo Phó Thủ tướng, cứ 5 năm các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu người. Nội thành Hà Nội hiện có có khoảng 1,2 triệu dân, điều này kéo theo sự quá tải về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục và cả vấn đề môi trường.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải áp dụng các biện pháp đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ nhà cao tầng, mật độ xây dựng tương xứng với hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm dân số nội đô. Ông nói việc cấp thiết hiện nay là xây dựng các đô thị đối trọng, đô thị vệ tinh để giảm bớt sự quá tải của đô thị.

Theo đó, Hà Nội đang quy hoạch khu vực phía Bắc sông Hồng để đối trọng nội đô Hà Nội. Đồng thời, tiến tới việc dời các cơ quan ra khỏi các quận trung tâm Hà Nội.

Về giải pháp dài hạn, cần xây dựng chiến lược đô thị quốc gia, chiến lược vùng và các đô thị địa phương để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

"Sẽ thanh tra quy hoạch đô thị bị điều chỉnh"

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP HCM) cũng đặt vấn đề tại sao quy hoạch thì mật độ đô thị của Hà Nội và TP HCM được điều chỉnh từ 24,6% lên 40%, tầng cao trung bình từ 20,33 tầng lên đến 40 tầng. Theo đại biểu, việc điều chỉnh này đã làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của đô thị, gây quá tải cho quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông.

Phó Thủ tướng nói gì về ‘rừng bê tông’ chung cư cao tầng tranh nhau mọc ở nhiều tuyến đường Hà Nội và TP HCM? - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ thanh tra lại các quy hoạch đô thị bị điều chỉnh. (Ảnh: Zing).

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết việc điều chỉnh mật độ xây dựng, chiều cao của các khu vực trong nội đô phải tuân thủ quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng phê duyệt.

"Trường hợp thay đổi do thực tiễn địa phương, cần lập hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định báo cáo Thủ tướng. Đồng thời, đầu tư tập trung đồng bộ hệ thống hạ tầng kĩ thuật để đáp ứng nhu cầu, tránh quá tải về hạ tầng", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Về điều chỉnh quy hoạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình việc này đến từ các nguyên nhân chủ quan, khách quan. 

"Điều chỉnh là do những yêu cầu khách quan và có cả chủ quan của các chủ thể liên quan. Điều chỉnh quy hoạch do Nhà nước, do người dân và chủ đầu tư yêu cầu", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Ông cũng thừa nhận có hiện tượng chạy theo nhà đầu tư, dẫn đến dân cư một số đô thị lớn ngày càng đông đúc, áp lực hạ tầng giao thông ngày càng căng thẳng và ảnh hưởng an toàn người dân. 

"Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng cùng các địa phương cho thanh tra, kiểm tra, rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh. Xem xét xử lí nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh nhưng vi phạm về quy chuẩn và tiêu chuẩn quy hoạch", Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, ông cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng cho dừng thực hiện các dự án quy hoạch có vi phạm nhưng chưa thực hiện và đang thực hiện. Ngoài ra, cần có biện pháp xử lí việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn.