Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: ‘Tự chủ đại học không có nghĩa là chỉ tự chủ về tài chính’

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo “Tự chủ đại học – Cơ hội và thách thức” diễn ra sáng nay (30/9) ở ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Chương trình Hội thảo lần này do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp tổ chức tại Hội trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Tự chủ đại học là xu thế của thời đại

Tham dự buổi hội thảo có Phó Thủ tướng (PTT) Vũ Đức Đam - Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực; GS.TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội – PV); PGS.TS Trần Đức Quý – Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội cùng hàng trăm đại biểu khách mời, quan khách đến từ các trường ĐH, CĐ và đoàn khách quốc tế.

Các đại biểu TƯ tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga (Ảnh: ĐÌnh Tuệ).

Mở đầu hội thảo, GS.TS Trần Hồng Quân nhấn mạnh: “Tự chủ ĐH là vấn đề đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu năm 2016, Hiệp hội đã chủ động chuẩn bị kế hoạch mời các chuyên gia và các trường hội viên nghiên cứu tổng kết thực tiễn… gửi báo cáo tham luận về Ban tổ chức hội thảo. Đến nay đã nhận được hơn 50 báo cáo tham luận và được đóng thành sách”.

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, khách quan và có sự đồng thuận cao về các vấn đề tự chủ ĐH.

Phát biểu tại hội thảo, PTT Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ ĐH đang là xu thế phát triển tất yếu của các cơ sở giáo dục ĐH trên thế giới. Trong cải cách giáo dục ĐH, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Mục đích là để các trường sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình, phản ứng tốt trước các tác động của thị trường luôn thay đổi và những yêu cầu mới của xã hội. Vì thế, trao quyền tự chủ là một trong các giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục ĐH.

“Tuy nhiên chúng ta cần nhận thức cho đúng bản chất của tự chủ đại học. Thậm chí có ý kiến còn thiên về góc độ tài chính. Hoặc thậm chí cho rằng, trường nào đó được trao cơ chế tự chủ ĐH thì sẽ không được Nhà nước hỗ trợ đầu tư vào đó. Điều này là không đúng, ví dụ Học viện Nông nghiệp Việt Nam dù đã được trao cơ chế tự chủ ĐH rồi, nhưng Nhà nước vẫn đứng ra vay vốn để hỗ trợ cho Học viện số vốn tới hơn 50 triệu USD để đầu tư”, Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo ông Đam, nhìn vào thực tế có thể thấy giáo dục đại học của nước ta trong thời gian qua thực sự là “có vấn đề”. Đó là vấn đề về chất lượng giáo dục ĐH. Con số hàng vạn cử nhân, thạc sĩ học xong nhưng không có việc làm hoặc không ổn định đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hàng trăm đại diện khách mời đến từ các trường và khách quốc tế (Ảnh: Đình Tuệ).

“Nếu chúng ta có đội ngũ các cử nhân cho ra cử nhân, kỹ sư cho ra kỹ sư thật đông đảo thì đây thực sự sẽ là nguồn thu hút đầu tư rất mạnh một cách rõ nét đối với thị trường. Đồng thời, tăng tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới hệ thống và sáng tạo quốc gia thì mới cải thiện được tình hình hiện tại”, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng dẫn giải thêm, để đổi mới cũng cần dựa theo những điểm đặc thù của đất nước ta. Nhưng không vì những đặc thù đó mà làm che đi xu thế phát triển của thời đại. Trong tự chủ ĐH cũng cần chú ý, vì đây là môi trường cần sự khai phóng, sáng tạo, có mặt bằng trình độ, hiểu biết cao. Đồng thời cũng gắn với trách nhiệm giải trình với xã hội.

Cần nhận thức đúng bản chất của tự chủ ĐH

Tại Việt Nam đã áp dụng thí điểm và trao quyền tự chủ ĐH cho 14 trường ĐH, CĐ và Học viện. Tự chủ ĐH thường được thể hiện ở 3 khía cạnh chính bao gồm: Tự chủ về chuyên môn (liên quan đến dạy và học); Bộ máy tổ chức nhân sự; Thu chi tài chính.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Cần nhận thức cho đúng bản chất của tự chủ đại học" (Ảnh: Đình Tuệ).

Bên cạnh đó, PTT Vũ Đức Đam cũng lưu ý vấn đề nhìn nhận bản chất của tự chủ ĐH. Ông cho rằng: “Chúng ta cần nhìn nhận cho đúng bản chất của tự chủ ĐH. Tự chủ đại học không có nghĩa là chỉ là tự chủ về tài chính. Thực tế ở một số nền giáo dục phát triển như Đức, Mỹ…khi các trường ĐH được trao cơ chế tự chủ thì Nhà nước còn hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ hơn để phát triển. Tất nhiên điều kiện kinh tế - xã hội của các nước bạn rất cao, nhưng chúng ta cũng đã và đang áp dụng nó một cách có lộ trình”.

Ông Đam cũng cho biết thêm, quyền tự chủ của trường ĐH càng lớn thì đi kèm trách nhiệm xã hội càng cao. Đơn cử như ĐH Havard của Mỹ - một địa chỉ đào tạo đại học nổi tiếng bậc nhất thế giới cũng cho thấy mô hình tự chủ ĐH được áp dụng từ lâu và rất thành công. Trách nhiệm không chỉ trong chất lượng đào tạo mà còn với cả sinh viên, người sử dụng lao động mà còn với công chúng, với Nhà nước.

Thứ nữa, tự chủ ĐH thì quyền tự chủ của nhà trường sẽ được trao cho một “Hội đồng trường” chứ không chỉ là của riêng một cá nhân nào khác (Hiệu trưởng). Từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả.

Khi trao cơ chế tự chủ cho trường ĐH hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường ĐH từ TƯ cho các tỉnh, thành phố và địa phương.

“Tóm lại, vấn đề tự chủ ĐH đang được cho là bước đột phá cần thiết để tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển mạnh mẽ giáo dục ĐH ở Việt Nam. Sauk hi tổ chức hội thảo, đơn vị tổ chức cần có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về kết quả hội thảo cũng như kiến nghị về một số vấn đề chính sách và giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hội nhập quốc tế trong hệ thống giáo dục Việt Nam”, PTT Vũ Đức Đam nhấn mạnh thêm.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.