Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản số 1768/TTg-ĐMDN ngày 6/10/2016 yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lập danh sách các doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Phó Thủ tướng chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 01/11/2016.
Trước đó, dư luận rộ lên thông tin cho rằng 2 DN lớn thuộc Bộ Công Thương là Sabeco, Habeco tìm cách trốn niêm yết. Phát biểu trước báo giới, ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - khẳng định, việc chậm niêm yết cổ phiếu của cả Sabeco và Habeco tuy đã có quy định nhưng lại chưa có chế tài cụ thể xử lý những doanh nghiệp cổ phần hóa cố tình không niêm yết. “Nghị định về CPH trước đây không có hành vi cưỡng chế thì không làm gì được. Nhưng hiện Nghị định 108 đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, khi có được cơ chế cưỡng chế thì UBCK sẽ có xử phạt và thực hiện theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Tất nhiên mức phạt chỉ dừng ở xử phạt hành chính” - ông Bằng nói.
Habeco đã đăng ký lên sàn sau nhiều thúc giục, ảnh MH |
Để có biện pháp mạnh hơn với Sabeco và Habeco, đã có ý kiến cần xem xét lại người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này, nắm quyền chi phối nhưng không thực hiện đúng quy định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu, với việc bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước.
Đây cũng là yêu cầu bắt buộc cần phải được áp dụng chung với tất cả các doanh nghiệp khi bán vốn nhà nước.
Sau những động thái mạnh này, cuối tháng 9, Habeco và Sabeco đã nộp đơn lên sàn.