Phòng tư vấn tâm lý cho học sinh: 'Đừng làm cho có'

Thạc sỹ, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn cho rằng việc triển khai, mở các phòng tư vấn tâm lý mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, góp phần giảm tình trạng bạo lực học đường, bạo lực xã hội.

Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo về Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông. Theo dự thảo này, các Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo thành lập bộ phận tư vấn tâm lý trong trường học để tư vấn sức khỏe, giới tính, học tập, tâm sinh lý lứa tuổi, vướng mắc gia đình, xã hội… cho học sinh.

Phóng viên đã trao đổi với Thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Công ty TNHH Tư vấn tâm lý – Đào tạo phát triển cá nhân & cộng đồng) về vấn đề này.

chuyen gia tam ly dinh doan phong tu van tam ly mang lai loi ich thiet thuc cho hoc sinh
Thạc sỹ, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn. Ảnh: Dinhdoan.net

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của mô hình phòng tư vấn tâm lý trong các trường THCS, THPT đã được triển khai thí điểm thời gian qua?

Thạc sỹ, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn: Trước đây tôi có biết một số trường THCS và THPT có phòng tư vấn tâm lý học đường, song đó là những trường tham gia vào các dự án của các tổ chức phi chính phủ hoặc nước ngoài như tổ chức Plan, Save Children... Chúng mang những cái tên khác nhau như "Góc thân thiện", "Góc tư vấn học đường", hướng tới việc tư vấn về sức khỏe sinh sản, giới tính, phòng chống bạo lực, chống trừng phạt thân thể trẻ em.

Một số trường phổ thông, mà ở đó hiệu trưởng quan tâm tới các vấn đề của học sinh cũng đã tự mở các phòng tư vấn tâm lý như trường THPT Đinh Tiên Hoàng...Tuy chỉ là một hoạt động của dự án hay mang tính tự lập, tự chủ, thì các phòng tư vấn tâm lý ít nhiều cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho học sinh.

Giám đốc Sở GĐ-ĐT Hà Nội vừa cho biết từ nay tới cuối năm 2017 sẽ mở phòng tư vấn tâm lý ở tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai đại trà các phòng tư vấn tâm lý này?

Là một nhà giáo, một người làm công tác tư vấn tâm lý, tôi rất vui khi biết ngành giáo dục Thủ đô có chủ trương triển khai các phòng tư vấn tâm lý (TVTL) trên diện rộng. Đáng ra, mô hình các phòng TVTL, tư vấn học đường phải được tổ chức sớm hơn nữa, nhưng bây giờ được triển khai cũng rất tốt, muộn một chút còn hơn không bao giờ...

Còn hiệu quả của các phòng TVTL ở trường học đến đâu chưa thể nói trước. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chuyên môn, con người làm công tác tư vấn ở các phòng này.

Để mở một phòng tư vấn không khó, chỉ cần Sở chỉ đạo các nhà trường bố trí một phòng, rộng hay hẹp tùy điều kiện của mỗi nơi, trang bị một số tài liệu, tủ sách, bàn ghế và... treo biển "Phòng tư vấn tâm lý" là xong.

Nhưng ai sẽ tư vấn, tư vấn các vấn đề gì, tư vấn ra sao, liệu các em học sinh có tin tưởng mà đến các phòng TVTL để chia sẻ nỗi niềm, xin được tư vấn hay không... là điều không dễ, cần có thời gian và nguồn lực để thực hiện.

"Không phải giáo viên nào cũng có thể làm tư vấn tâm lý cho học sinh. Theo kinh nghiệm cá nhân cũng như kết quả của những cuộc khảo sát nhỏ, lẻ cho thấy, khi học sinh có "vấn đề" vướng mắc về tâm lý, các thầy giáo, cô giáo không phải đối tượng ưu tiên hàng đầu để tìm đến nhờ trợ giúp" - Thạc sỹ, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn.

Ông có lời khuyên, góp ý gì đối với các trường, các cấp quản lý trong việc mở các phòng tư vấn tâm lý nói trên để đạt được hiệu quả cao nhất?

Tôi không dám khuyên ai, chỉ mong sao vấn đề đã "khởi", phải được "động" thực sự, tránh làm theo phong trào, làm cho có, theo chỉ đạo hàng loạt, đại trà mà chưa có sự chuẩn bị chu đáo về công tác chuyên môn.

Liệu mô hình này có làm giảm tình trạng bạo lực học đường và tình trạng bạo lực trong xã hội nói chung hay không?

Học sinh có nhiều vấn đề cần tư vấn như vấn đề phát triển tâm sinh lý, ứng xử, đối mặt với những căng thẳng, áp lực trong học tập và các mối quan hệ, định hướng nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng sống, giá trị sống, chứ chắc không chỉ tập trung vào vấn đề "bạo lực học đường".

Tuy nhiên, nếu các phòng tư vấn tâm lý hoạt động tốt, có hiệu quả, trở thành "địa chỉ có khách đến thăm", ít nhiều cũng góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường nói riêng và bạo lực xã hội nói chung.

Xin cảm ơn ông.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, ngoài 20 phòng tư vấn tâm lý trên địa bàn thành phố đã mở thí điểm, từ nay đến hết năm 2017 sẽ tiếp tục nhân rộng, mở các phòng tư vấn tâm lý trong tất cả các trường THCS, THPT.
chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.