Phụ huynh Hà Tĩnh ngăn cản con đến trường: Vì sợ bị làng đánh?

Việc cho con đi học phải do cả làng đồng loạt thực hiện. "Mọi người không đi, cả làng không cho con đi học thì ai dám đi", một phụ huynh chia sẻ.
phu huynh ha tinh ngan can con den truong vi so bi lang danh
Lớp 6D Trường THCS Hà Hải (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sáng 6.9 chỉ có 3 học sinh đi học. (Ảnh: Lao Động)

Lớp học lác đác học sinh

Theo báo Lao Động, sáng 6/9 là buổi học chính thức đầu tiên sau lễ khai giảng, nhưng tại Trường THCS Hà Hải (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), mỗi lớp chỉ lác đác có 5 - 7 học sinh, riêng lớp 6D sĩ số là 24 nhưng chỉ có 3 học sinh đến trường. Tuy nhiên, giáo viên đứng lớp vẫn bắt buộc phải giảng dạy theo đúng quy định.

Em Phan Lê Anh Thảo, học sinh lớp 6D chia sẻ: "Chỉ có em và 2 bạn nam đi học em rất buồn, em mong có thêm nhiều bạn nữ đi học nữa để có bạn cùng chơi".

Các lớp còn lại số lượng học sinh đi học cũng rất ít, như lớp 7A có 10/38 em, lớp 7B có 11/39 em...

Trao đổi với Vietnamnet, ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: Con số đi học ngày 6/9 có tăng lên so với ngày khai giảng song số lượng tăng không đáng kể.

Cụ thể, trường tiểu học Kỳ Hà 118/694 em đi khai giảng, hiện nay đã có 139 em đến trường. Toàn Trường THCS Hà Hải có 94/730 học sinh đến trường, trước đó, số em đi khai giảng năm học là 91 học sinh. Trong khi đó, khối mầm non sáng 6/9 tổ chức họp phụ huynh nhưng chỉ có 95 phụ huynh đến họp, ngày khai giảng 5/9, Mầm non Kỳ Hà có 135/300 em tới trường.

Giáo viên ứa nước mắt

Trước tình trạng đứng lớp với ít học sinh như vậy, khi trao đổi với tờ Tầm nhìn, cô Hoàng Tuyết Mai, giáo viên dạy toán lớp 6 của trường bật khóc: "Chúng tôi thực sự rất buồn và thương các em không được đi học. Vì vắng buổi nào là mất kiến thức buổi đó. Cũng rất thương các em đi học vì ít bạn chơi và các hoạt động tổ chức trong lớp không thực hiện được".

Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn dạy môn văn khối lớp 9 cũng chảy nước mắt khi được hỏi về cảm xúc lúc đến lớp mà bàn ghế trống trải, cả phòng chỉ có 5 - 7 học sinh.

Theo các giáo viên trong trường, vào dịp hè và những ngày tựu trường, hầu hết giáo viên trong trường đều được điều động xuống tận gia đình học sinh để tham gia vận động, tuyên truyền phụ huynh cho các em đi học.

Các giáo viên cho biết, khi xuống vận động, hầu hết phụ huynh đều nói chưa cho các cháu đi học. Khi nào miễn giảm toàn bộ các khoản đóng nộp cũng như đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển mới cho đi.

Bắt con nghỉ học vì sợ bị làng đánh?

Theo chia sẻ của chị Mai Thị Tin (thôn Bắc Hà) - chủ một cửa hàng tạp hóa lớn với tờ Tầm nhìn, gia đình chị có 4 đứa con thì 3 con các lớp 3,6,9 không đi học, còn bé út chưa đến tuổi đi học.

Nguyên nhân mà chị đưa ra là do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên cuộc sống khó khăn, nhiều người dân ở đây yêu cầu phải miễn toàn bộ các khoản đóng nộp cho học sinh. Tuy nhiên, do chưa được chấp nhận nên họ không cho con đến trường.

Khi được hỏi gia đình chị có thật sự khó khăn, không đủ điều kiện cho con đi học không, chị Tin nói: "Cũng không đến mức như thế". Tuy nhiên theo chị Tin, việc cho con đi học phải do cả làng đồng loạt thực hiện.

Phóng viên hỏi rõ cả làng ở đây cụ thể là những ai, thì chỉ nhận được câu hồi đáp: "Mọi người không đi, cả làng không cho con đi học thì ai dám đi".

Ông Phan Duy Vĩnh - Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh xác định, có một số bộ phận cực đoan xúi giục, kích động, gây sức ép người dân để ngăn cản, cấm đoán học sinh đến trường nhằm tạo sức ép lên chính quyền trong việc đòi các yêu sách, lợi dụng khó khăn đời sống nhân dân do sự cố môi trường để kích động biểu tình, hòng làm rối tình hình cơ sở, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Tầm nhìn dẫn lời ông Vĩnh cho biết, "Hiện thị xã tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền vận động người dân, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu xúi giục kích động người dân, gây rối ANTT và ngăn cản, cấm đoán học sinh đến trường trong năm học mới".

Huyền Anh (tổng hợp)

chọn
Khu đô thị chậm triển khai hơn chục năm ở Đà Lạt tăng vốn gấp 21 lần, hẹn hoàn thành vào 2029
Khu đô thị mới số 6 Trại Mát tại phường 11, TP Đà Lạt được cấp chứng nhận đầu tư từ 2007, nhiều năm sau đó chậm triển khai do vướng GPMB. Đầu năm 2023, dự án này được khởi công, đến cuối 2023 đã điều chỉnh vốn từ 167 tỷ đồng lên hơn 3.500 tỷ đồng.