Chạy theo quan niệm “Đinh, Nhâm, Quý thì tài”, nhiều gia đình chọn những năm này sinh con. Năm 2018, lứa học sinh "rồng vàng" - sinh năm Nhâm Thìn, 2012 - vào lớp 1; Đinh Hợi - "lợn vàng", 2007 - vào lớp 6 và Quý Mùi - "dê vàng", 2003 - vào lớp 10.
Số học sinh "thế hệ vàng" tăng vọt so với mọi năm nên ngay từ khi chưa kết thúc năm học này, nhiều phụ huynh đã lo lắng, tìm mọi cách "chạy" trường cho con.
Có con sinh năm "lợn vàng", chị Mai Trang (35 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay vì học trái tuyến nên sau thời gian 3 tháng tìm hiểu để “chạy" trường, chị bày tỏ sự mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng, bởi “không lẽ để con thất học”.
Theo chị Thu Phương (có hộ khẩu ở Hoàng Mai, Hà Nội), "chạy" trường, lớp đang là sự kiện "nóng" thời gian qua, thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1. Làm việc ở Cầu Giấy, Hà Nội, chị Phương muốn con học gần đó nên sẵn sàng "chạy" để đạt mục đích.
Thông qua người nhà, chị Phương tìm đến phó hiệu trưởng một trường tiểu học. Do "nhất thân, nhì quen", lại lo liệu từ rất sớm (khi bé còn học mầm non), nữ phụ huynh đã xin được cho con học vào lớp 1 của trường mình muốn chỉ với "phí cảm ơn" 5 triệu đồng.
Phụ huynh xếp hàng trước cổng trường cấp 1 để xin cho con học ở Đồng Nai năm 2017. Ảnh: An Ngọc. |
Trên nhiều diễn đàn mạng, những trường hợp như của chị Phương được cho là may mắn, nhanh nhạy vì "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Nhiều người "than trời" vì không thể xin cho con vào trường mình thích trong năm "rồng vàng" bắt đầu đi học.
Một phụ huynh khác là chị Phương Thảo kể vì không có mối quan hệ, nữ phụ huynh phải tìm kiếm sự trợ giúp khắp nơi, kể cả lên mạng kêu gọi sự tư vấn của cộng đồng. Cuối cùng, chị nhận báo giá 1.000 USD cho suất học tại một trường ở Thanh Xuân. Nhưng cũng chính vào ngôi trường đó, một phụ huynh khác chỉ mất 4 triệu đồng.
Theo những người này, giá cho mỗi suất học dao động tùy theo độ “hot” của trường, quan hệ thân thiết với “cửa” và tiềm lực của phụ huynh. Nhiều người không “chạy” được cho con từ lớp 1, đành để học một thời gian rồi chi tiền “đặt trước” chỗ để chuyển trường vào năm sau. Một số người khác lại có “suất” sau khi "chạy" được hộ khẩu.
Một số phụ huynh khác cho hay họ sẵn sàng chấp nhận cho con học trái tuyến vì “trường phố”, danh tiếng, chất lượng giảng dạy của giáo viên sẽ tốt hơn “trường làng”.
"Lớp 1 quan trọng nhất, đầu có xuôi, đuôi mới lọt, nên để có môi trường học tập tốt cho con, giá nào tôi cũng chấp nhận", phụ huynh tên Thương nêu quan điểm.
Chị Dung, một phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1, tiết lộ "bảng giá" của một số trường "hot" ở Hà Nội. Theo đó, mức phổ biến là từ 1.000 USD đến hơn 2.000 USD, tùy từng trường.
Không chỉ lứa "rồng vàng" vào lớp 1, cuộc cạnh tranh của thế hệ "lợn vàng", sinh năm 2007, vào lớp 6 diễn ra khá căng thẳng. Thậm chí, nhiều phụ huynh nhận định cuộc đua vào lớp 6 khó hơn cả vào đại học khi tỷ lệ "chọi" của một số trường điểm lên đến 7 "ăn" 1. Nhiều trường tầm trung khác, nhu cầu học vượt quá xa so với chỉ tiêu.
Chị Mai Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay gia đình cần chuyển nhà đến khu vực Cầu Giấy. Từ ba tháng trước, chị nhận được tín hiệu học trái tuyến ở ngôi trường tầm trung với giá 50 triệu đồng. Một trường khác nhỏ và ít tiếng tăm hơn giá 25 triệu đồng. Một số trường khác được đánh giá tốt hơn đã hết chỗ từ lâu, dù chưa đến mùa tuyển sinh.
Khi được hỏi tại sao chịu mất nhiều tiền để cho con vào trường công lập, chị Lan nêu bài toán kinh tế: Trường công lập có học phí thấp, con đi học gần nhà. Nếu tính cả tiền lo lót và học phí, trong 4 năm, gia đình phải chi khoảng 100 triệu đồng. Nếu con học trường dân lập có chất lượng tốt, 4 năm sẽ hết hơn 200 triệu đồng. Vì vậy, nếu có mất đến 50 triệu đồng mà vào được nơi ưng ý, nữ phụ huynh vẫn sẵn sàng.
“Tôi đã tìm hiểu và hỏi mấy 'cửa' nhưng vẫn chưa nơi nào chắc chắn. Thêm nữa, giá để chuyển hộ khẩu cũng mất khoảng 25 triệu đồng”, chị Lan nói.
Chia sẻ với Zing.vn, thầy Nguyễn Đức Minh - giáo viên tại Hà Nội - cho hay mỗi mùa tuyển sinh, tình trạng "chạy" trường, lớp diễn ra ở nhiều nơi. Một trường chuyên công lập có tiếng ở Hà Nội, với sĩ số 50 học sinh/lớp, thường sẽ có gần 10% suất ngoại giao. Phần lớn lãnh đạo nhà trường được cấp trên gọi điện trực tiếp hay viết thư tay “nhờ giúp đỡ”. Thậm chí, không ít trường có cả một lớp dành cho “ngoại giao”.
Nếu mua, suất học vào trường hàng đầu từ 3.000 USD đến 5.000 USD. Những trường phía dưới cũng có giá 500 USD đến 1.000 USD.
Thầy này cho hay phần lớn phụ huynh đều qua đầu mối là giáo viên cốt cán của trường như hiệu trưởng, hiệu phó. Mỗi năm, họ có một hoặc 2 suất học, nên có thể bán lại.
“Ngoài ra, giáo viên, người làm hành chính, văn phòng cũng có thể là kênh kết nối giữa phụ huynh và lãnh đạo nhà trường”, thầy Minh nói.
Ông cũng cho biết hiệu trưởng, hiệu phó thường không trực tiếp tham gia mua bán suất học, mà chỉ đứng phía sau "đầu mối". Bởi lẽ, nếu làm không khéo, bị phát hiện, họ sẽ mất cả sự nghiệp.
“Những người có thể giúp xin học sẽ được phụ huynh các thế hệ truyền tai nhau. Một trường công lập tốt nhất quận được rao trên mạng có thể lên đến 3.000 USD vì qua nhiều ‘cò’. Nhưng nếu mua từ giáo viên trực tiếp, giá chỉ một nửa”, thầy Minh nói.
Cảnh phụ huynh vất vả mua hồ sơ cho con từng diễn ra ở trường dân lập Lương Thế Vinh. Ảnh minh họa. |
Tiền mất tật mang
Cô Văn Thùy Dương - phó hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - cho hay cứ vào mùa tuyển sinh, nữ giáo viên phải tắt điện thoại di động. Nhiều người tìm đến nhà để xin học cho con, cô Dương phải tìm cách tránh và từ chối.
Nữ giáo viên cho rằng văn hóa phong bì đã ăn sâu vào nhiều phụ huynh. Cách nghĩ “đồng tiền đi trước” cùng sự lo lắng quá mức dẫn đến thực trạng không ít cha mẹ “tiền mất tật mang”. Quà đã biếu, phong bì đã nhận, con lại không có chỗ học như mong muốn.
Nữ hiệu phó kể lại câu chuyện cách đây vài năm, cô nhận được bức thư của vị lãnh đạo trong ngành gửi riêng: “Đề nghị cô Dương giúp đỡ trường hợp này”. Năm đó, điểm chuẩn của trường Lương Thế Vinh là 54, học sinh này chỉ đạt 37 điểm. Cô Dương trả lời thẳng thắn với phụ huynh rằng số điểm đó không thể vào được trường, dù người bảo lãnh là ai.
“Tôi đã giải thích rõ cho phụ huynh quan điểm giáo dục, cũng như những bất lợi nếu con họ được vào trường. Phụ huynh hiểu vấn đề, sau đó họ quay lại đòi bức thư để xin lại tiền đã đưa cho người nhờ vả", cô Dương kể lại.
Nữ hiệu phó cũng cho hay giáo viên trường Lương Thế Vinh không có suất ngoại giao. Con ruột giáo viên cũng không được nhận thẳng. Thay vào đó, các cháu được ưu tiên cộng 2 điểm trên tổng 100 điểm (năm 2017), 10 điểm trên số 500 điểm tối đa (năm 2018).
Bởi thế, nếu phụ huynh có nghe giáo viên Lương thế Vinh mỗi thầy cô có một hai suất ngoại giao, thì đó không phải sự thật.
* Tên phụ huynh đã thay đổi.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, số trẻ vào lớp 1 trên địa bàn tăng khoảng 20.000 em, học sinh vào lớp 6 tăng 11.000 em và lớp 10 tăng khoảng 24.000 em so với mọi năm. Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đưa ra các số liệu, năm học 2018-2019, thành phố tăng 60.000 em từ tiểu học đến THPT. Trong đó, tiểu học và THPT là bậc học có tỷ lệ tăng cao, trung bình hơn 20.000 học sinh. Bậc tiểu học tăng gấp đôi năm ngoái. |
Thi lớp 10 trường Phổ thông Năng khiếu ở Sài Gòn: Một 'chọi' 5
Tỷ lệ "chọi" vào lớp 10, trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) cao nhất trong các trường phổ thông trên địa bàn ... |
Top trường THPT công lập ở Hà Nội có tỷ lệ chọi vào lớp 10 cao nhất
Các trường THPT Trần Hưng Đạo, Tây Hồ... nhận được nhiều hồ sơ đăng ký ở cả 2 nguyện vọng, các trường top đầu của ... |