"Sự độc lập của người phụ nữ đáng giá ngàn vàng!"
Đó là câu khẳng định của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên: “Khi ta có thể tự lo cho bản thân và gia đình mà không cần nương tựa vào ai ta sẽ cảm thấy thật thoải mái và tự do trong từng chuyện nhỏ. Muốn món quà gì đó tự mua cho mình, khỏi phải vòi vĩnh, nũng nịu xin xỏ ai. Tiền mình làm, mình xài hay cho gia đình chẳng ai có quyền hỏi đến.
Quan trọng hơn là ta có quyền lựa chọn người ta thật sự yêu mà không cần tính toán coi người đó giầu, nghèo có đủ khả năng lo cho ta, bảo bọc cuộc sống của ta không? Và ngược lại nếu người đó không tốt, ta có quyền giải thoát, không cần phải chịu đựng (hoặc tệ hơn chịu nhục) vì sợ bỏ ra không có ai nuôi. Muốn có hạnh phúc mình phải có quyền lựa chọn. Muốn được lựa chọn phải có tự do. Muốn có tự do, trước hết phải tự lập!”
MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên và nhà báo Hoàng Hường |
“Cần giải cứu lẫn nhau!”
Nhà báo Hoàng Hường: “Tôi ko tin đàn ông Việt Nam vô tâm ích kỷ theo cách nhiều người nói, chỉ là nếu hàng ngày họ ôm hôn, tặng hoa, yêu chiều cưng nựng vợ, họ sẽ nhận được những kiểu “có lỗi gì phải ko?”, “hầu mẹ trẻ kinh nhỉ”… Khi nào đàn ông Việt còn bị chất lên vai từng đó áp lực, bị đeo bám trong tư duy đó, thì họ còn phải gồng lên sử dụng văn hóa cơ bắp. Một cách nào đó, họ là nạn nhân của định kiến, kéo theo phụ nữ là nạn nhân của họ. Cần giải cứu lẫn nhau!”
“Phụ nữ nên đặt lại những định nghĩa về hi sinh, hạnh phúc, về những vùng an toàn của người phụ nữ!”
Nhà văn Trang Hạ: Tôi thấy mình đã đúng, từ những chiến dịch kêu gọi “Đàn ông giúp đỡ việc nhà”, kêu gọi phụ nữ trân trọng bản thân, biết yêu chính mình, đặt lại những định nghĩa về hi sinh, hạnh phúc, về những vùng an toàn của người phụ nữ. Những điều mình viết ra, càng ngày càng thách thức hơn với cách đọc, cách hiểu, cách sống, cách yêu và duy trì đời sống gia đình, quản lí bản thân theo cách cũ. Theo một quán tính xã hội cũ. Tôi cũng muốn khiêu chiến với cái tôi đã cũ, hoặc cái tôi lỗi thời nhưng vẫn đang đầy rẫy trong xã hội. Để những người phụ nữ trở nên tự tin hơn với những giá trị vốn có của họ; đồng thời, khích lệ đàn ông trở nên tử tế hơn và tôn trọng những người phụ nữ ở quanh mình hơn.
Nhà văn Trang Hạ và ca sỹ Phương Vy Idol |
“Xin hãy lên tiếng: Ấu dâm là một tội ác!”
Phương Vy Idol: “Hôm nay 8 tháng 3... xin hãy không chỉ mang quà đến phụ nữ chúng tôi! Nếu được xin cũng hãy lên tiếng bảo vệ cho các em bé gái ngây dại này... đòi lại công bằng cho các em cũng như triệt hết đường sống của những con ác quỷ như lão già này để em gái, con gái, cháu gái chúng ta thực sự được bảo vệ. Xin hãy cùng lên tiếng... không chỉ nói mà hãy hét to lên để bảo vệ lẽ phải....Ấu dâm là tội ác!”
“Phải chăng phụ nữ chỉ được tặng hoa và lời chúc khi họ đạt chuẩn mực đạo đức nhất định?"
Tiến sĩ Giang Đặng:“Ngày 8/3, có bao nhiêu người nghĩ tới việc bày tỏ thiện chí, tình cảm tốt lành với những người phụ nữ này, những người đang tìm cách tháo thân khỏi quán karaoke bốc cháy, bảo vệ mình bằng chiếc áo lót che miệng? Hay phụ nữ chỉ xứng đáng được tặng hoa và các lời chúc tốt đẹp từ xã hội và được coi là người khi họ đạt một chuẩn mức đạo đức nhất định? Còn những kẻ “lọt sàng”, “phế phẩm” này ắt không hẳn là con người, mà chỉ là cái “tay vịn”, đứng đâu đó giữa con người và con vật, và do đó xứng đáng nhận những lời lăng nhục bất cứ khi nào người ta thấy sướng miệng?”
Tiến sĩ Giang Đặng và nhà hoạt động xã hội Bình Lê |
Sự bất bình đẳng chuyển sang cho người yếu thế?
Nhà hoạt động xã hội Bình Lê:Dường như nhiều người phụ nữ thành đạt, ở đô thị có được bình đẳng giới vì họ đã chuyển gánh nặng việc nhà cho những người phụ nữ khác, thường là yếu thế hơn, từ nông thôn lên. Như vậy, những "tiến bộ" trong bình đẳng giới Việt Nam có được phải ghi công những người phụ nữ thầm lặng có tên là Osin?